Nhà ở xã hội: Có chính sách, nhu cầu lớn, vì sao vẫn chậm?
Thứ Sáu, 06:00, 09/12/2016
VOV.VN - Việc phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu, chỉ tiêu đề ra vì đang vướng phải không ít rào cản.
Phát triển nhà ở xã hội đã được xác định là chủ trương đúng đắn, phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân, nhất là tại khu vực đô thị và cho công nhân các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, việc phát triển loại nhà này đang vướng phải không ít rào cản, các doanh nghiệp không mấy mặn mà, khiến cho việc phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phải tìm mọi cách tháo gỡ, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội trong thời gian tới, đặc biệt là nhà cho người thu nhập thấp và nhà cho công nhân.
Khu nhà ở xã hội Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến tháng 11/2016, cả nước mới hoàn thành đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp (tương đương 71.150 căn hộ), đạt 28% so với chỉ tiêu 250.000 căn hộ đến năm 2020 tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Còn theo báo cáo của các địa phương, đến năm 2020, nhu cầu cần có khoảng 1 triệu căn hộ, tương đương với khoảng 50 triệu m2 sàn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản nêu vấn đề: “Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, có thể nói 80% người dân có nhu cầu nhà ở đều có nhu cầu về nhà ở xã hội, chỉ 20% có nhu cầu nhà ở cao hơn. Đất đai có, Nhà nước có chính sách để dành đất đai cho phát triển nhà ở. Còn rất nhiều khu đất đang bỏ hoang, có giao cho các dự án nhưng không dùng đến. Đất đai có, nhu cầu có, chính sách có, tiền trong dân cũng có một phần tiết kiệm, vậy tại sao phát triển nhà ở xã hội lại chậm, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, nhà cho người dân đô thị?”
Trong thực tế, việc xây dựng nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù chính sách đã có, nhưng việc vận hành các thủ tục hành chính còn rườm rà; thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án còn kéo dài, phức tạp, dẫn đến dự án vài năm mới triển khai được, giá thành bị đội lên. Trong khi đó, làm nhà ở xã hội, chủ đầu tư bị khống chế lợi nhuận tối đa là 10%, khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà.
VOV.VN - Thủ tướng cho rằng, nếu các địa phương quan tâm, có cơ chế chính sách phù hợp thì hoàn toàn có thể làm tốt công tác phát triển nhà ở xã hội
Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Rất nhiều cơ chế, doanh nghiệp cũng rất khó chịu khi xin được cơ chế đất rồi lại đến cơ chế vốn… , tôi phải nói là quá nhiều cửa. Thủ tục hành chính đè lên các doanh nghiệp làm về nhà ở xã hội quá nặng nề. Tôi nghĩ các bộ, ngành phải kiểm tra giám sát, Quốc hội, hội đồng nhân dân cũng phải kiểm tra, giám sát. Nhưng tôi cho rằng, đối với tổ chức triển khai thực hiện, cái yếu nhất của chúng ta chính là vận hành thủ tục hành chính ở các cơ sở, địa phương đang có vấn đề”.
Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong kế hoạch hàng năm của các địa phương, phần về nhà ở xã hội rất mờ nhạt, cơ bản không có, thậm chí cũng không có kiến nghị bố trí về nguồn vốn. Chính các địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đúng mức đến yêu cầu phát triển nhà ở xã hội, ngay cả tại các đô thị có nhu cầu rất lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Quy định về việc bắt buộc dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội chưa được thực hiện nghiêm, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội. Các địa phương chưa đầu tư ngân sách để hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội…
VOV.VN - Nhu cầu quá cao trong khi nguồn cung khan hiếm, nhiều đối tượng đã lợi dụng để trục lợi, đẩy rủi ro, thiệt hại cho những người cần nhà ở.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị, trước mắt cần thực hiện tốt quy định của Luật Đất đai về việc tạo quỹ đất sạch, các trung tâm phát triển quỹ đất sử dụng 10% tiền thu từ đất đầu tư vào việc tạo ra quỹ đất sạch; các nhà đầu tư phải sử dụng 20% quỹ đất các khu thương mại để lo đầu tư nhà ở xã hội. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Nhà nước cần có các chính sách kích cầu để giảm giá thành, giúp các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội đảm bảo lợi nhuận.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: “Tôi đề nghị, các khu vực hạ tầng công cộng, thiết chế văn hóa xã hội, cây xanh môi trường thì coi đây là các khu vực công cộng và có chính sách hoàn toàn không thu tiền, có vậy nhà đầu tư nhà thương mại cũng như nhà xã hội mới thực hiện được. Đồng thời chính sách giá cũng phải làm sao để các nhà đầu tư tham gia xây dựng phát triển nhà ở xã hội cũng có lợi ích, có thể không bằng nhà thương mại nhưng cũng phải theo cơ chế thị trường, trên cơ sở Nhà nước sẽ có các gói hỗ trợ đối với các đối tượng và hỗ trợ các khu công cộng liên quan đến phát triển các khu nhà ở xã hội. Tôi cho rằng như vậy có thể thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư”.
Một vấn đề quan trọng dẫn đến phát triển nhà ở xã hội đang ách tắc hiện nay là thiếu nguồn vốn hỗ trợ. Sau khi gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng kết thúc, việc xây dựng nhà ở xã hội cũng chậm lại, doanh nghiệp và người dân không còn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Chương trình cho vay mua nhà theo Nghị định 100 tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 4,8% có thời hạn đến 31/12/2016, nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được vốn để triển khai.
Đại diện Tổng Công ty Viglacera kiến nghị: “Tôi thấy chính sách đủ rồi, bây giờ chỉ còn vấn đề là làm thôi. Tôi đề nghị Chính phủ có gói tín dụng hoặc hỗ trợ lãi suất, biết là hiện nay rất khó khăn về tài chính, nhưng theo tôi đây là nhu cầu rất cấp bách. Qua quá trình triển khai tôi thấy nhu cầu rất lớn, dân nghèo hiện chưa có nhà ở rất nhiều, nên có thứ tự ưu tiên giải quyết tập trung cho gói tín dụng”.
VOV.VN - Nhà ở xã hội có khả năng tăng nguồn cung khi được hỗ trợ về thuế, nguồn vốn, thủ tục đầu tư và nguồn vật liệu xây dựng ổn định.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân diễn ra ngày 7/12 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, muốn thành công, UBND các tỉnh, thành phố cần tập trung nguồn lực, giải quyết các vấn đề đang làm ách tắc việc phát triển nhà ở xã hội, có thể cho phép xây dựng nhà cao tầng hơn ở các khu vực ngoại thành, xa trung tâm, chọn nhà đầu tư có tâm, có năng lực. Bên cạnh việc nghiên cứu, sắp xếp, bố trí nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, thì yếu tố lãnh đạo của chính quyền địa phương, trong đó có việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn cho nhà đầu tư có ý nghĩa quyết định cho thành công của nhà ở xã hội./.
VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi tham quan khuôn viên dự án, thăm nhà sinh hoạt cộng đồng, trường mầm non, các thiết chế văn hóa ở Khu nhà ở Đặng Xá.
VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi tham quan khuôn viên dự án, thăm nhà sinh hoạt cộng đồng, trường mầm non, các thiết chế văn hóa ở Khu nhà ở Đặng Xá.