Đến hôm nay (6/11), nước lũ tại tỉnh Bình Định mới tạm rút xuống. Lũ đi qua, để lại cho bà con vùng rốn lũ Tuy Phước, Bình Định những căn nhà tan hoang, trơ lại là gạch ngói ngổn ngang. Những gia đình hoàn cảnh khó khăn, neo đơn giờ không biết sẽ sống thế nào khi nhà sập, sinh kế không còn.
|
Sau lũ, Bà Tám lặng lẽ một mình xếp lại từng viên gạch từ căn nhà đã sập. |
Ngày thứ 4 kể từ khi lũ về, chúng tôi mới tiếp cận được những vùng sâu nhất của xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cuối xóm Lộc Bình, thôn Lộc Hạ, ngôi nhà của bà Lê Thị Tám giờ không ai nhận ra. Căn nhà nằm lẻ loi phía cuối thôn, lọt thỏm giữa một bên là bụi tre già, trước mặt là cánh đồng mênh mông nước... nay chỉ còn trơ lại cái chuồng gà và một góc tường, vừa đủ kê chiếc giường cá nhân. Một mình cặm cụi, lặng lẽ, bà Tám nhặt lại từng viên gạch, từng miếng ngói vụn mà lòng quặn chát.
Năm nay 65 tuổi, hộ bà Tám là một trong những hộ nghèo nhất xóm Lộc Bình. Bà Tám sống một mình không chồng, không con, ai thuê gì làm nấy sống tạm qua ngày. Tài sản trong nhà chỉ có 1 bàn thờ cha mẹ, 1 tủ sắt nhỏ đựng quần áo và cái xe đạp mới mua. Khi lũ về bất ngờ, thấy nhà sắp sập, bà Tám chỉ kịp bỏ nhà chạy thoát thân. Lũ rút đi, nhà đổ sụp, bà con hàng xóm chia sẻ từng bữa, cho bà ngủ nhờ.
Bà Nguyễn Thị Nhu, người mấy hôm nay cho bà Tám nương nhờ cho biết: “Đêm đó mưa gió to quá nhà sập nên bà lên đây ở nhờ. Chúng tôi động viên, giúp bà bữa ăn hàng ngày, chờ đến khi nhà nước hỗ trợ”.
Thương cảm với hoàn cảnh già cả đơn thân của bà Lê Thị Tám, bà Võ Thị Hồng Hoa, doanh nghiệp tư nhân đã đến nhà thăm hỏi, động viên và có nguyện vọng muốn đưa bà Tám về nhà chăm lo.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa chia sẻ: “Thấy hoàn cảnh của chị, từ đáy lòng tôi muốn đưa chị Tám về chăm sóc. Đó là tấm lòng của tôi. Lá lành đùm lá rách”.
Cùng trong thôn Lộc Hạ, căn nhà của vợ chồng anh Phạm Văn Lài và bà Nguyễn Thị Oanh cũng bị sập tan hoang sau lũ. Gia đình chị Oanh là một trong những hộ nghèo của xã nhiều năm nay. Cả 2 vợ chồng sống dựa vào biển, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Chị Oanh nhớ lại, chiều ngày 2/11, trời mưa quá nên hai vợ chồng ở nhà không đi làm, đến khoảng 4 giờ chiều khi nước lũ dâng cao ngập vào nhà, căn nhà có dấu hiệu nghiêng nên vợ chồng con cái bồng bế nhau chạy xuống nhà dưới vừa kịp thoát thân. Cả tuần nay, cả gia đình căng tạm tấm bạt ngủ chung trên chiếc giường ở nhà bếp phía dưới.
|
Hầu hết những nhà bị sập thuộc diện hộ nghèo của Phước Thuận.
|
Bà Nguyễn Thị Oanh bộc bạch: “Nhà cửa hư nát chỗ nào cũng ướt. Chúng tôi cố gắng che chút cho hai đứa nhỏ nằm chút xíu. Đang ngủ mưa giọt lên đầu, mùng mắc lên nó chảy ướt rồi nó hôi khổ cực lắm”.
Lũ rút, lãnh đạo xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước đi đến tận nhà đếm những căn nhà bị sập, hư hỏng cụ thể. Cả xã này đã có 42 căn nhà bị sập hoàn toàn. Cuộc sống của bà con đã khó khăn nay rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất".
Ông Trương Đình Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cho biết: “Bà con hiện nay ngoài ở nhờ hàng xóm, thực phẩm cũng đang rất khó khăn phải ăn nhờ nhà hàng xóm xung quanh. Nhà sập đa số là những hộ khó khăn không có đủ điều kiện xây lại nhà mới để ổn định cuộc sống. Trước mắt xã sẽ vận động những hộ lân cận cho họ ở nhờ và tạo điều kiện cho họ chén cơm manh áo để họ sống qua những ngày chưa khắc phục được nhà ở”.
Thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm này, huyện Tuy Phước có gần 140 nhà sập hoàn toàn, là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua ở tỉnh Bình Định. Vẫn biết là vùng rốn lũ của tỉnh Bình Định, với 8 xã khu đông thường xuyên bị ngập lụt, người dân huyện Tuy Phước đã chủ động đối phó với lũ lụt. Thế nhưng, cứ mỗi trận lũ đi qua, tài sản trôi theo dòng nước bạc, tình nghĩa xóm giềng là chỗ dựa cho người dân nơi đây gượng dậy sau lũ lớn./.