Nhiều hoạt động vui Tết Trung thu trong cả nước
VOV.VN - Hôm nay, tại nhiều địa phương cả nước đã khai mạc nhiều chương trình vui Trung thu dành cho trẻ em.
Tối 30/9, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội khai mạc các hoạt động văn hóa Trung thu truyền thống năm 2017.
Tết Trung thu phố cổ Hà Nội năm nay được tổ chức tại nhiều địa điểm di tích lịch sử của Thủ đô, với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật phong phú được tổ chức. Từ 30/9 đến 4/10, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) diễn ra hoạt động sắp đặt không gian, trưng bày giới thiệu đồ chơi Trung thu truyền thống như: Con giống bột, các loại đèn Trung thu, trống Đọi Tam. Cùng thời gian này, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với nhà nghiên cứu Trịnh Bách, nghệ nhân làng nghề Xuân La, Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) giới thiệu cách làm các con bột giống.
Nhằm tạo cho người dân Thủ đô, đặc biệt là các em nhỏ có một không gian Tết Trung thu truyền thống tại đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), đền Quan Đế (28 Hàng Buồm), đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), các nghệ nhân sẽ trình diễn và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống như: Đèn ông sao, ông Tiến sĩ, ông Đánh gậy, tàu thủy…
Đặc biệt tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Ban Tổ chức trưng bày giới thiệu Tết Trung thu của Hà Nội đầu thế kỷ 20 bằng hoạt động sắp đặt không gian Tết Trung thu truyền thống của một gia đình người Hà Nội xưa; Viện Khoa học xã hội Việt Nam trưng bày các bức ảnh về Tết Trung thu Hà Nội đầu thế kỷ 20.
Bà Trần Thúy Lan, Phó Trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: “Tết Trung thu truyền thống là hoạt động văn hóa được của Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức hàng năm. Thông qua hoạt động văn hóa này, chúng tôi hy vọng và mong muốn là góp một phần vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời đem đến cho các em nhỏ một sân chơi bổ ích để các em thiếu nhi có dịp tìm hiểu về ý nghĩa và được sống trong không khí của Tết Trung thu truyền thống”
Chương trình vui Trung thu "Sắc màu văn hóa Đồng Tháp" tại Bảo tàng Dân tộc Việt Nam |
Chương trình do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Đồng Tháp tổ chức, với điểm nhấn là giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất và con người Đồng Tháp tới người dân và các em nhỏ Thủ đô. Những sắc thái văn hóa của vùng sông nước được thể hiện qua phần biểu diễn các loại hình văn hóa phi vật thể như dân ca, hò; trình diễn dệt choàng, giới thiệu các món ăn đặc trưng và làm các đồ chơi từ lá dừa sẽ được giới thiệu trong chương trình Vui Trung thu “Sắc màu văn hóa Đồng Tháp”.
Các em được tham gia vào các trò chơi, trải nghiệm cách làm đèn ông sao ở Bảo tàng Dân tộc học |
Cùng với những sản phẩm văn hóa của Đồng Tháp, công chúng Thủ đô, đặc biệt là các em nhỏ còn được trải nghiệm một không gian Tết Trung thu truyền thống Bắc Bộ, thông qua nhiều hoạt động tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc như múa lân sư rồng, trải nghiệm làm Cốm làng Vòng, làm bánh Trung thu, làm đồ chơi dân gian và tham gia các trò chơi dân tộc.
Tham gia trải nghiệm không gian Tết Trung thu tại đây, em Bùi Thu Nga và Nguyễn Huy Phong, ở Hà Nội, lần đầu đến Bảo tàng Dân tộc học, cảm thấy rất vui khi được tham gia vào các trò chơi dân gian bổ ích, từ đó giúp các em hiểu thêm về cội nguồn và truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.
Tại thành phố Đà Nẵng, hoạt động vui Tết Trung thu năm nay hướng đến các trẻ em nghèo. Tối 30/9, Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố tổ chức Đêm hội trăng rằm, thu hút hàng trăm thiếu nhi tham gia.
Tại đây, ngoài xem biểu diễn văn nghệ, thi múa lân, các em còn được tặng quà Trung thu. Dịp này, Sở Lao động Thương binh -Xã hội và Thành Đoàn Đà Nẵng trao 150 suất học bổng tặng học sinh nghèo vượt khó học giỏi và trao 330 suất quà tặng trẻ em hoàn cảnh khó khăn tại các quận, huyện.
Trước đó, trong buổi sáng, Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức Ngày hội “Làm lồng đèn Trung thu- kết nối yêu thương” thu hút gần 500 học sinh tham gia. Lồng đèn sau khi dự thi sẽ được gửi tặng trẻ em ở các Trung tâm bảo trợ và bệnh nhi ung thư. Trong khuôn khổ ngày hội, Thành Đoàn Đà Nẵng, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng đã ký kết chương trình phối hợp công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện quyền và bổn phẩn của trẻ em giai đoạn 2017-2020. Ban tổ chức cũng đã trao 150 suất quà, mỗi suất 500.000 đồng tặng trẻ em hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Nam Em, Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long 2015, vui chơi cùng các em thiếu nhi. |
Đắk Lắk là 1 trong 5 tỉnh được công ty CGV chọn tổ chức chương trình “Trăng Cười 2017” cùng với Yên Bái, Hà Tĩnh, Trà Vinh và Kiên Giang.
Tham gia sự kiện này, các trẻ em khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn tại các trung tâm bảo trợ trẻ em, nhà tình thương, trại trẻ mồ côi Đắk Lắk được tham gia nhiều trò chơi vui nhộn và thưởng thức miễn phí bộ phim hoạt hình “Phi vụ hạt dẻ 2: Công viên đại chiến” tại cụm rạp CGV Buôn Ma Thuột.
Ngoài những phần quà Trung thu ý nghĩa, CGV đã tặng 20 suất học bổng, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng cho các học sinh hiếu học vượt khó. Đồng hành cùng chương trình, Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long 2015, Nam Em hy vọng CJ cũng như tất cả các công ty khác có nhiều chuỗi hoạt động từ thiện hơn để giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn giúp các em có thêm động lực để tiếp bước đến trường./.