VOV.VN - Tình trạng lấn chiếm đất rừng, tranh chấp đất lâm nghiệp giữa người dân và công ty lâm nghiệp, lâm trường là vấn đề nổi cộm hiện nay tại Quảng Trị.
Hơn 40 năm nay, gia đình Bà Nguyễn Thị Nòng, ở thôn Tân Lập, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ làm ăn ổn định trên 15 ha đất rừng gần Lâm trường Đường 9.
Gia đình bà Nòng đã vay mượn 150 triệu đầu tư khai hoang, cải tạo đất để trồng rừng. Đến năm 2016, Lâm trường Đường 9 bất ngờ ra thông báo đòi lại đất rừng, vì cho rằng người dân lấn chiếm đất của lâm trường: "Tôi thấy bức xúc, trước đây khai hoang chứ không phải tự nhiên lấn chiếm đất của lâm trường. Đến hôm nay, Lâm trường Đường 9 tự nhiên nói thu hồi đất nên dân rất bức xúc", bà Nòng nói.
Rừng trồng của người dân tại xã Cam Tuyền xảy ra tranh chấp với Lâm trường Đường 9.
Vụ tranh chấp đất rừng dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại kéo dài xảy ra giữa Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 với hàng trăm hộ dân các xã Cam Chính, Cam Thành, Cam Tuyền, huyện Cam Lộ thu hút sự quan tâm của dư luận. Mấy chục năm qua, người dân nơi đây làm ăn yên ổn, nay Công ty Đường 9 thu hồi đất rừng vì cho rằng có tình trạng bị xâm lấn, hàng trăm hộ dân trồng rừng tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị bức xúc và hoang mang.
Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 thừa nhận, đã có sự yếu kém, buông lỏng trong công tác quản lý: "Các hộ xâm canh, xâm lấn đất của công ty thì vận động bà con khai thác xong trả lại đất cho công ty. Sau này xây dựng phương án sẽ giao cho địa phương một phần. Quyết định là của cơ quan có thẩm quyền, công ty không thể quyết định được".
Trường hợp dân khiếu kiện Công ty TNHH Lâm nghiệp đường 9 chỉ là một trong rất nhiều vụ tranh chấp đất rừng diễn ra tại tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua.
Ông Đào Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Cam Lộ, Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho biết, nhiều người dân ở các vùng Tây Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa khiếu kiện người dân thiếu đất sản xuất, trong khi các lâm trường sử dụng diện tích đất quá lớn. "Nhiều đơn vị còn quản lý đất đai lỏng lẻo để xảy ra tình trạng lấn chiếm, tạo kẽ hở cho một vài đối tượng, tổ chức lợi dụng bao chiếm đất đai. Trong khi đó, người dân đang bế tắc vấn đề mưu sinh do thiếu đất đai, cần có chủ trương giải quyết sớm".
Cả khoảnh rừng hàng trăm ha bị đốn hạ không thương tiếc. Tại hiện trường nhiều gốc cây trơ gốc, nhiều cây bị hạ xuống vẫn nằm ngổn ngang và cháy nham nhở.
Giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho người dân, tỉnh Quảng Trị cũng đã cắt bớt 1 phần diện tích đất của các công ty, lâm trường giao về cho các địa phương. Tuy nhiên, đất giao cho dân lại manh mún, phân tán. Ông Phan Ngọc Tư, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh đơn cử từ năm 2012, UBND tỉnh Quảng Trị quyết định cắt 318 ha đất rừng của Công ty lâm nghiệp Bến Hải giao cho UBND xã Vĩnh Sơn quản lý sử dụng và cấp cho dân. Tuy nhiên, trong số đó có đến 160 ha là đường giao thông và đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc Dự án 327 trước đây. Diện tích còn lại không tập trung, phân tán, manh mún nên không thể giao cho dân để tổ chức sản xuất.
Người dân thiếu đất sản xuất, trong khu rừng thông của Lâm trường Đường 9 để chết héo.
Ông Phan Ngọc Tư, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh cho biết: "Lãnh đạo huyện Vĩnh Linh cùng với Công ty lâm nghiệp Bến Hải và xã Vĩnh Sơn bàn bạc rất nhiều phiên để có đất cho người dân sản xuất, nhưng không thực hiện được".
Tỉnh Quảng Trị hiện có 3 công ty lâm nghiệp đều được hình thành từ thời kỳ bao cấp với nhiệm vụ phủ xanh đất trống đồi trọc. Mỗi đơn vị được giao quản lý từ trên 30.000 ha đất rừng. Qua nhiều lần cắt giảm, đến nay 3 đơn vị này còn quản lý 18.000 ha, chiếm khoảng 5% diện tích rừng toàn tỉnh.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, do nhu cầu nguyên liệu gỗ tăng cao, chủ yếu dựa vào rừng trồng, nên xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm, tranh chấp đất rừng. Hiện không thể cắt thêm rừng của các lâm trường, vì để đảm bảo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến dăm gỗ. "Nếu cắt thêm nữa sẽ đi đến giải tán, phá vỡ quy hoạch. Hiện nay, về diện tích cắt được bàn giao, chúng tôi đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cắm mốc ranh giới giữa thực địa và hồ sơ phải khớp với nhau, không để bàn giao trên giấy như trước đây", ông Đồng cho biết.
Thiếu đất sản xuất, người dân lấn chiếm đất rừng lâm trường để canh tác, gây ra các vụ tranh chấp. Thực tế này đang diễn ra khá nhức nhối tại tỉnh Quảng Trị, nếu không được giải quyết hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp thì xem ra tình trạng này khó chấm dứt./.
VOV.VN - Sự giảm sâu của giá mủ cao su đang là thách thức quá lớn với chương trình chuyển đổi rừng nghèo và đất lâm nghiệp sang trồng cao su ở tỉnh Kon Tum.
VOV.VN - Sự giảm sâu của giá mủ cao su đang là thách thức quá lớn với chương trình chuyển đổi rừng nghèo và đất lâm nghiệp sang trồng cao su ở tỉnh Kon Tum.