Những người lính PCCC được luyện rèn trong lửa
VOV.VN - Những người lính Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ luôn dũng cảm, bất chấp mọi hiểm nguy lao vào dập lửa, cứu tài sản, cứu người bị nạn.
Mỗi khi có cháy xảy ra, trong hoảng loạn, người dân tìm mọi cách để thoát khỏi ngọn lửa hung tàn thì những chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy lại không màng hi sinh, gian khổ, nỗ lực hết mình trong trận chiến với “giặc lửa” để cứu người, cứu tài sản của nhân dân. Đó là hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân hết lòng vì dân phục vụ.
Cảnh sát PCCC số 1 Hà Nội chữa cháy tại Bát Đàn.(Ảnh minh họa)
Ngoài 20 tuổi, Thượng sĩ Nguyễn Văn Quang, Đội Tổng hợp, Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 7, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội đã có khoảng 50 lần cùng đồng nghiệp trực tiếp tham gia chữa cháy, cứu hộ người dân. Quá trình công tác tại đơn vị, người lính trẻ luôn thể hiện sự mưu trí, dũng cảm trong các cuộc chiến chống “giặc lửa”.
Năm 2015, trong một lần tham gia chữa cháy tại xưởng bao bì, tái chế nhựa ở huyện Thường Tín, Thượng sĩ Nguyễn Văn Quang bị bỏng nặng, được đồng đội đưa đi cấp cứu tại Viện Bỏng quốc gia.
Dù trải qua rất nhiều lần phẫu thuật, đôi bàn tay anh vẫn không thể lành lặn trở lại.
Không thể trực tiếp tham gia chữa cháy như trước, nhưng ước mơ là người lính cứu hỏa kiên cường vẫn chưa bao giờ tắt đối với người lính trẻ Nguyễn Văn Quang. Trở về với một vị trí công tác mới, chưa một lần anh thấy ân hận với quyết định của mình và tiếp tục công hiến cho công tác phòng cháy, chữa cháy.
Nguyễn Văn Quang chia sẻ: “Tôi thật sự không thấy hối hận khi cùng đồng đội tham gia chữa cháy vụ cháy ngày hôm đó. Nếu thời gian quay lại, tôi được lựa chọn, tôi vẫn lựa chọn đi chữa cháy”.
Những người lính chữa cháy phải thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường làm việc nhiệt độ cao, nhiều khói khí độc, công trình có thể sụp đổ, điện giật, ga nổ...
Khi nhiệt độ trên 50 độ, cơ thể con người có thể bị rơi vào tình trạng mất nước, chuột rút, kiệt sức. Trong khi đó, nhiệt độ tại các đám cháy có thể lên tới 1000 độ C trở lên.
Khó khăn, gian khổ nhưng theo Đại úy Bùi Duy Long, Đội chữa cháy cứu nạn cứu hộ, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 7, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết: Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy luôn nỗ lực từng ngày trong công tác huấn luyện; bản lĩnh, kiên cường trong chiến đấu; hết lòng vì sự an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
“Khi có lệnh, chúng tôi cố gắng xuất xe nhanh chóng nhất đến đám cháy và triển khai đội hình kỹ chiến thuật hiệu quả, đảm bảo chữa cháy an toàn, cứu được tài sản, tính mạng của nhân dân. Tinh thần phục vụ nhân dân, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu”, Đại úy Bùi Duy Long chia sẻ.
Một mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng mỗi lần xung trận, chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn lại phải đối mặt với hiểm nguy, nhiều khi nguy hiểm cả đến tính mạng, như vụ cháy ở cảng Hải Phòng năm 2015, đã có 52 cán bộ chiến sĩ bị ngộ độc và nhiều đồng chí khác bị thương.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, trong khi chữa cháy ở TP.HCM, một chiến sĩ đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Trong khi các trang thiết bị bảo hộ cho lính chữa cháy hiện vẫn còn thiếu về số lượng và chưa thể trang bị đồng bộ cho toàn lực lượng, để có thể hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy nổ gây ra.
(Ảnh minh họa) |
Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, Bộ Công an cho biết: “Điều mà lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy luôn ghi nhớ, đó là phải đảm bảo an toàn cho chính mình thì mới có khả năng để cứu người khác. Theo phương châm 'Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu', những người lính trước khi làm nhiệm vụ trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đều đã được đào tạo chuyên nghiệp tại các trường, trung tâm huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Sau đó, về đơn vị, ngoài thời gian trực tiếp chiến đấu những người lính chữa cháy hàng ngày phải tham gia các chương trình huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ theo chế độ khắt khe của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy”.
Những người lính Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ luôn dũng cảm, bất chấp mọi hiểm nguy lao vào dập lửa, cứu tài sản, cứu người bị nạn. Sự hy sinh thầm lặng ấy của họ luôn tỏa sáng, góp phần bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân; đồng thời khẳng định hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân trong lòng người dân./.
Cháy lớn tại nhà thờ Tin Lành ở Bạc Liêu, nhiều tài sản bị thiêu rụi
Ảnh: Hiện trường vụ cháy lớn ở TP HCM khiến 1 người tử vong
Cháy lớn tại kho hàng của công ty nhựa Tiền Phong, Hải Phòng
Cháy lớn trong Khu công nghiệp Tân Bình, TP HCM
Không cấp điện, nước cho các chung cư xây dựng không đảm bảo PCCC
HĐND TP Hà Nội chất vấn về PCCC, quản lý đô thị, an toàn thực phẩm