Ô nhiễm từ nhà máy AB Mauri Việt Nam, Đồng Nai có “xử” mạnh tay?
VOV.VN -Liên tục phát tán mùi hôi thối trong quá trình sản xuất, nhà máy sản xuất men của Công ty AB Mauri Việt Nam bị người dân Đồng Nai phản đối dữ dội.
Mới đây nhất, người dân lên tiếng “tố” công ty AB Mauri Việt Nam gian dối khi mời họ đến tham quan nhà máy nhưng yêu cầu ký vào biên bản tham vấn cộng đồng mà người dân không hề hay biết. Trong khi đó, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ sớm có chế tài nặng tay với công ty này.
Dân “tố” bị lừa ký biên bản tham vấn cộng đồng?
Đầu năm 2019, Công ty AB Mauri Việt Nam được UBND tỉnh Đồng Nai cho phép nâng công suất từ 5.000 tấn/năm lên 6.000 tấn/năm. Theo quy định, doanh nghiệp sẽ phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó có nội dung tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực. Tuy nhiên, khi nhắc đến vấn đề này, người dân La Ngà lập tức phản ứng vì cho rằng, họ đã bị công ty lừa.
Bên trong nhà máy AB Mauri Việt Nam.
|
Người dân cung cấp cho phóng viên một bản sao “danh sách các thành phần tham dự buổi họp tham vấn cộng đồng” lập ngày 30/11/2017, đây là thời điểm Công ty Mauri đang thực hiện các thủ tục xin nâng công suất nhà máy. Trong danh sách này có tên và chữ ký của 34 người, gồm người dân và cả cán bộ ấp 4, xã La Ngà. Thế nhưng, những người có tên và chữ ký trong danh sách này đều khẳng định rằng, họ không được “dự” bất kỳ buổi tham vấn nào cả. Chữ ký trong văn bản tham vấn cộng đồng chính là chữ ký vào cổng tham quan.
Không chỉ người dân, ngay cả Bí thư chi bộ ấp, trưởng ấp cũng khẳng định mình “bị lừa”.
Ông Trần Ngọc Thắng, trưởng ấp 4, xã La Ngà cho biết: "Lúc vào cổng bảo vệ họ yêu cầu tôi ký. Tôi có hỏi lại ký để làm gì thì họ nói là lý do an ninh của công ty nên khách vào cổng phải ký. Đến ngày tiếp xúc giữa dân và UBND xã thì chủ tịch xã mới nói là dân đã đồng thuận và có văn bản, đồng thuận cho Công ty men Mauri nâng công suất, nhưng thực ra là không phải như vậy, dân không đồng thuận".
Trưởng ấp 4, xã La Ngà khẳng định bị lừa ký vào biên bản tham vấn cộng đồng. |
Với danh sách này, AB Mauri Việt Nam đã đầy đủ hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, và được cấp phép nâng công suất.
Sẽ tạm dừng hoạt động?
Thế nhưng, khi chỉ vừa mới nâng công suất theo giấy phép, thì một lần nữa, mùi hôi thối lại khiến người dân phản ứng quyết liệt, sự việc ngày 17/4 đã buộc nhà máy phải tạm dừng hoạt động trong 2 tuần để khắc phục. Song bà Phạm Mỹ Linh, Giám đốc nhân sự Công ty Mauri vẫn khẳng định, dù nâng công suất nhưng chỉ là nâng từ 30% lên 36% so với thiết kế của nhà máy, còn sự việc ngày 17/4 là “sự cố” không mong muốn.
"Nhà máy AB Mauri Việt Nam được thiết kế để vận hành 100% công suất, điều chỉnh từ 30% lên 36% công suất thì nó cũng chỉ là 1/3 trên công suất thiết kế của nhà máy. Cho nên không phải máy móc thiết bị không đáp ứng được mà vấn đề duy nhất không đáp ứng được chính là năng lực vận hành", bà Linh nói.
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, trước những phản ánh về hoạt động gây ô nhiễm không khí của Công ty Mauri, Sở đã trình và đang chờ ý kiến của UBND tỉnh Đồng Nai về phương án xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm không khí tại công ty này. Theo đó, dự kiến ngay trong đầu tháng 6 sẽ yêu cầu công ty tạm dừng hoạt động có thời hạn để đánh giá lại hoạt động gây phát tán mùi hôi ra môi trường, từ đó có phương án xử lý cụ thể.
Ông Đức cho hay: "Chúng tôi đã trình UBND tỉnh rồi, đang chờ chỉ đạo. Nhưng tinh thần là tạm dừng hoạt động của công ty để đánh giá lại việc vận hành mà phát sinh ô nhiễm không khí và xử lý một số vấn đề liên quan trong quá trình vận hành ở các khâu. Khi đủ điều kiện thì cơ quan có thẩm quyền mới cho hoạt động lại. Thậm chí là khi triển khai ở thực địa thì sẽ mời người dân, các sở ngành, các đơn vị có liên quan để chứng kiến và đưa ra các phương án".
20 năm kể từ khi nhà máy đóng trú tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, là ngần ấy năm người dân ở La Ngà phải hứng chịu mùi hôi khó chịu mỗi khi nhà máy hoạt động. Bởi vậy, ngay lúc này, người dân đang mong chờ sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng trong xử lý vấn nạn ô nhiễm không khí ở đây./.
Doanh nghiệp xả thải tại Củ Chi bị đề nghị xử phạt 162 triệu đồng
Nhà máy đường An Khê bị phạt 468 triệu đồng vì xả thải gây ô nhiễm
Công ty con của nhà máy mía đường xả thải gây ô nhiễm sông Cái Lớn