Phát hiện thịt lợn có chất cấm tại Hà Nội
Ông Nguyễn Như Tiệp cho biết, Bộ NN&PTNT vừa phát hiện chất cấm tạo nạc Salbutamol trên các mẫu thịt lợn lấy tại Hà Nội.
Theo ông Tiệp, trong tháng 8 và tháng 9, cơ quan chức năng lấy 35 mẫu thịt lợn, trong đó phát hiện 5 mẫu có vết chất cấm Salbutamol. Tuy nhiên, qua phân tích chỉ có 1 mẫu dương tính với Salbutamol- vượt mức cho phép (13,3 ppb).
Có 3/35 mẫu thịt lợn chứa chất kháng sinh sulfadimidine vượt giới hạn cho phép. Ngoài ra, có 5/35 mẫu nhiễm khuẩn gây tiêu chảy Salmonella.
Trong khi đó, trên thịt gà, qua phân tích 30 mẫu giám sát lấy ở Hà Nội, có 4 mẫu nhiễm vi khuẩn Salmonella; 6/30 mẫu chứa kháng sinh Enroflaxacin (3 mẫu có mức dư lượng cao hơn quy định của Nhật Bản); 6/30 mẫu chứa kháng sinh Florfennicol nhưng dưới mức giới hạn cho phép của EU và Nhật Bản.
Tình trạng sử dụng chất cấm, chất kháng sinh đang diễn ra tràn lan |
Tương tự, tại TP HCM, trong tháng 9/2015, phát hiện 2/17 mẫu thịt lợn chứa vi khuẩn Salmonella; 1 mẫu có “vết” chất cấm Salbutamol nhưng thấp hơn quy định mẫu dương tính với chất cấm trên (hàm lượng dương tính 5 ppb).
Còn trên thịt gà ở TP HCM, có 5/18 mẫu chứa vi khuẩn Salmonella; 5/18 mẫu chứa kháng sinh Florfennicol và 5/18 mẫu chứa kháng sinh Enroflaxacin, nhưng dưới ngưỡng so với quy định của EU và Nhật Bản.
Theo ông Tiệp, vấn đề sử dụng chất cấm tạo nạc và các loại kháng sinh bổ sung nhằm kích thích tiêu hóa, tăng trưởng trong quá trình chăn nuôi đáng báo động kể cả tại Hà Nội và TP HCM. Mặt khác, tỷ lệ nhiễm khuẩn còn cao do khâu giết mổ, vận chuyển, kinh doanh chưa đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ông Tiệp nói: “Việc sử dụng các chất cấm và loại kháng sinh là hành vi gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm các quy định của pháp luật, cần phải lên án. Gần đây, còn xuất hiện chất vàng ô - (loại chất sử dụng trong công nghiệp nhuộm, xây dựng) tạo màu trên gia cầm có thể giết chết ngành chăn gia cầm trong nước”.
Trước đó, ngày 19/10, tại cuộc họp về an toàn thực phẩm trong nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận, có cơ sở chăn nuôi mua cả bịch nilong chất cấm để trộn vào thức ăn. Tình trạng sử dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản vẫn gia tăng, khiến dư lượng kháng sinh tồn đọng lớn trong cá tôm, tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Còn Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long lại cho biết, với y tế, sabutamol về bản chất là thuốc chữa hen phế quản, buộc phải nhập khẩu để chữa bệnh. Thuốc trôi nổi có thể là thành phẩm hoặc do buôn lậu nguyên liệu, hàng xách tay,...
Để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Hội Nông dân, Hội Phụ nữ vào cuộc, cảnh báo tới từng hộ dân, người tiêu dùng về nguy cơ chất cấm trong thực phẩm, tập trung vào 3 chất là vàng ô, chất tạo nạc và thuốc bảo vệ thực vật./.