Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.
|
Ảnh minh họa. |
Công ty của ông Vũ Văn Việt (Hải Dương) có một lao động làm việc từ ngày 16/10/2017. Ngày 10/12/2017, lao động này bị tai nạn (không phải tai nạn lao động), chấn thương sọ não, mất trí nhớ tạm thời, khó có thể đi làm.
Trong trường hợp này, nếu công ty báo giảm lao động trong tháng thì thẻ BHYT của người lao động sẽ không sử dụng được, nếu công ty không báo giảm thì các khoản tiền bảo hiểm công ty sẽ phải chi trả.
Ông Việt hỏi, có quy định nào về việc công ty phải đóng hoặc không phải đóng bảo hiểm cho người lao động nêu trên không?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT; Khoản 4, Điều 6 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH không phải đóng BHXH, BHYT tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.
Pháp luật về BHYT không quy định đối với trường hợp người lao động nghỉ việc do ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động nhưng không được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật về BHXH, được hưởng quyền lợi BHYT.