"Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương" - "Trả lại em yêu khung trời đại học"

VOV.VN -Trái ngược với không khí phố thị sầm uất của đường Charner (nay là Nguyễn Huệ), tản bộ theo đường Catinat (nay là Đồng Khởi) về phía nhà thờ Đức Bà, chúng ta sẽ được chứng kiến một nhịp sống bình lặng và ít hối hả hơn với một không gian xanh mát và thơ mộng. Đây chính là “khung trời đại học” nổi tiếng trong thi ca trước năm 1975.

Hai ngôi trường trái ngược nằm cạnh nhau

Một buổi sáng cuối tuần, chúng tôi ngồi ở khu vực “cà phê bệt” góc ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Pasteur của sinh viên Đại học Kiến trúc và Đại học Kinh tế và cảm nhận được phần nào không khí ngày xưa với những hàng cổ thụ cao vút.

Nguyễn Xuân Hoàng - chàng cựu sinh viên Luật khoa - khóa 1973-1974 nhớ lại: “Hồi đó học sinh ghi danh học luật đông lắm, trường lớp không đủ chỗ ngồi. Ghi danh học luật mấy chục ngàn đứa thì trường lớp lúc đó nhỏ xíu làm sao đủ chỗ ngồi được. Hồi đó học đại học không điểm danh nên sinh viên tản ra xung quanh “ôm cua”  (cours nghĩa là khóa học, lớp học, giáo trình học; tạo nên từ “cúp cua” mà giờ học trò vẫn xài) là chuyện bình thường. Quanh trường toàn thấy sinh viên đứng ngồi, đi lại...”.

Trường Luật trước 1975 có tên chính thức là Luật khoa Đại học đường Sài Gòn, cổng trường ở số 17 Duy Tân (nay là số 17 Phạm Ngọc Thạch, Quận 3). Chiều dài trường nằm dọc theo nửa đoạn đường từ ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Phạm Ngọc Thạch đến Nguyễn Đình Chiểu - Pasteur hiện nay. Trường nhận hàng vạn sinh viên ghi danh học mỗi khóa mới.

Theo giáo sư Nguyễn Văn Canh - Tiến sĩ Công pháp, nguyên Phụ tá Khoa trưởng từ 1973-1975, năm 1970 số sinh viên ghi danh học năm thứ nhất ban cử nhân là 13.000 sinh viên; bốn năm sau (1974) số sinh viên tốt nghiệp chỉ 715 (khoảng 5,5%). Nghĩa là rớt đến 94,5% và đây là tỉ lệ phổ biến suốt nhiều năm. Trong số sinh viên rớt có cô tiểu thư “Bắc 54” trong mộng của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên:

Nghe nói em vừa thi rớt Luật

Môi trâm anh tàn héo nụ xa vời

Mắt công nương thầm khép mộng chân trời

Xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng!...

(Duyên tình con gái Bắc)

Tỉ lệ rớt này xem ra không làm sờn lòng sĩ tử vì đến niên khóa 1974-1975 (niên khóa cuối cùng của trường) thì số sinh viên ghi danh học lên đến... 58.000 người. Trong khi đó, số sinh viên ghi danh học Kiến trúc chỉ năm, bảy trăm mỗi khóa, cụ thể như năm 1969 chỉ có 689 người. Tỉ lệ tốt nghiệp của trường này còn “đáng sợ” hơn. Giáo sư Nguyễn Quang Nhạc, Khoa trưởng Kiến trúc từ 1967-1970 (cha đẻ lễ hội “rửa tội” truyền thống của “dân Kiến” lâu nay) cho biết suốt 24 năm, từ 1951-1975 chỉ có 252 kiến trúc sư tốt nghiệp nơi đây.

Không chỉ giảng dạy, giáo sư Nguyễn Quang Nhạc còn là một trong ba vị kiến trúc sư của Văn phòng Kiến trúc sư tư vụ Nguyễn Văn Hoa - Phạm Văn Thâng - Nguyễn Quang Nhạc nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn - Gia Định trước 1975. Văn phòng kiến trúc này nằm ở số 12 Duy Tân. Từ văn phòng này, hàng loạt tòa nhà, ngôi nhà, biệt thự tư nhân… có thiết kế lam đứng, lam ngang đặc trưng kiến trúc Sài Gòn trước 1975 đã ra đời.

Văn phòng ấy nay là số 12 Phạm Ngọc Thạch, tòa soạn báo Khăn Quàng Đỏ - Mực Tím mà tôi làm việc tám năm (1985-1993). Khi tôi làm việc ở đây, khối nhà và khuôn viên tòa soạn vẫn còn như trước 1975 (hiện đã xây mới), nằm mát rượi, bình yên dưới những tàng cây sao dầu. Mùa hè, hoa sao bay rợp trời, lãng mạn cả một khung trời đại học đẹp như tranh và tới giờ những cánh hoa ấy vẫn còn bay trong thơ, nhạc: “Cánh hoa dầu xoay tít bay bay…” (Cánh hoa dầu - Nhạc sĩ Giáp Văn Thạch).

Khung trời đại học đầu tiên của Sài Gòn

Cả hai trường Luật khoa và Kiến trúc đều có lưng kề với trụ sở Viện Đại học Sài Gòn (nay là trụ sở Văn phòng đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo). Trước 1975, Viện Đại học Sài Gòn gồm các trường đại học là phân khoa thành viên. Khoa trưởng của các phân khoa tương đương với hiệu trưởng trường đại học hiện nay.

Gần đó còn có trường Đại học Y khoa Sài Gòn (nay là Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh) ở số 28 Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần). Chuyện sinh viên trường Luật khoa, Kiến trúc, Y khoa qua lại giao lưu tình cảm, hẹn hò nhau khá phổ biến trên những cung đường này. Cũng trên đường Trần Quý Cáp còn có một khu ký túc xá dành cho nữ sinh viên là Đại học xá Trần Quý Cáp (nam sinh viên thì ở Đại học xá Minh Mạng, nay là ký túc xá Ngô Gia Tự).

Con đường Duy Tân cây dài bóng mát,

Buổi chiều khuôn viên, mây trời xanh ngắt

(Trả lại em yêu - Phạm Duy)

Khu vực này chính là khung trời đại học đầu tiên nổi tiếng của Sài Gòn trước 1975 với trục lộ chính là đường Duy Tân. Cho đến nay, khung trời này vẫn rợp bóng những vòm cây xanh mát, không chỉ trên đường Duy Tân mà cả những con đường lân cận xung quanh các ngôi trường như đường Pasteur, Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), Trần Quý Cáp…

Khi xưa, những vòm cây này có tán lá rất dày (có thể vì ít tỉa cành như hiện nay). Hồi đầu thập niên 1970, ngày Chủ nhật, ba tôi hay gọi taxi từ nhà ở vùng Ông Tạ chở các con lên Sở Thú (Thảo Cầm viên) chơi.

Tôi nhớ mãi những vòm cây đường Trần Quý Cáp để ra hồ Con Rùa, như đi trong một đường hầm rợp cây lá. Khi ra khỏi những hàng cây cổ thụ là tới hồ Con Rùa lãng mạn với tàng cây soi bóng nước. Qua khỏi hồ Con Rùa đi về phía nhà thờ Đức Bà sẽ gặp trụ sở Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (số 4 Duy Tân, nay là Nhà Văn hóa Thanh niên TP. HCM) thì vẫn được che mát bởi hai hàng cây cao vút. Nhà thờ Đức Bà nằm cạnh công viên Thống Nhứt (nay là công viên 30-4) như một khu rừng với mật độ dày đặc của những hàng cây xanh làm say mê bao thế hệ học trò, sinh viên.

Ông Hoàng nhớ lại: “Trường Luật chật hẹp mà sinh viên lại quá đông, chúng tôi thường la cà trong những quán cóc. Nhiều nhất là xung quanh công trường Quốc tế, thường gọi là hồ Con Rùa, bên ngoài trụ sở Tổng hội Sinh viên hay góc Thư viện Quốc gia (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. HCM) trên đường Gia Long” (nay là Lý Tự Trọng).

Không chỉ vậy, nhiều anh sinh viên Luật, Kiến trúc còn la cà sang trường Đại học Văn khoa Sài Gòn ở tận đường Gia Long. Không ít duyên tình đại học đã góp phần mở rộng thêm khung trời đại học Sài Gòn lúc ấy. Khi Đại học Văn khoa chuyển về đại lộ Cường Để (nay là Đinh Tiên Hoàng) từ sau năm 1966, ngôi trường Văn khoa xưa bị phá đi để xây Thư viện Quốc gia thì đây vẫn tiếp tục là địa chỉ mà nhiều sinh viên tìm đến như một nơi học tập, kiếm tìm tư liệu và... tâm sự./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương" - Thước phim sống động về Sài Gòn xưa
"Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương" - Thước phim sống động về Sài Gòn xưa

VOV.VN - “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương” tập hợp những bài viết của nhà báo Cù Mai Công về thành phố Hồ Chí Minh trong hai thời kỳ: đô thành Sài Gòn phồn hoa trước năm 1975 và Gia Định thời “rừng rậm, đầm lầy, kinh rạch”.

"Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương" - Thước phim sống động về Sài Gòn xưa

"Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương" - Thước phim sống động về Sài Gòn xưa

VOV.VN - “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương” tập hợp những bài viết của nhà báo Cù Mai Công về thành phố Hồ Chí Minh trong hai thời kỳ: đô thành Sài Gòn phồn hoa trước năm 1975 và Gia Định thời “rừng rậm, đầm lầy, kinh rạch”.

Nhạc sĩ Lê Thành Trung giải mã "Bóng đá - World Cup - những góc khuất"
Nhạc sĩ Lê Thành Trung giải mã "Bóng đá - World Cup - những góc khuất"

VOV.VN - Nhà báo, nhạc sĩ Lê Thành Trung ghi lại những thứ mình biết và thấy hay, thỏa mãn đam mê về bóng đá của mình trong cuốn sách "Bóng đá - World Cup - những góc khuất".

Nhạc sĩ Lê Thành Trung giải mã "Bóng đá - World Cup - những góc khuất"

Nhạc sĩ Lê Thành Trung giải mã "Bóng đá - World Cup - những góc khuất"

VOV.VN - Nhà báo, nhạc sĩ Lê Thành Trung ghi lại những thứ mình biết và thấy hay, thỏa mãn đam mê về bóng đá của mình trong cuốn sách "Bóng đá - World Cup - những góc khuất".

Nhà văn Phó Đức An - "Rong chơi một kiếp người"
Nhà văn Phó Đức An - "Rong chơi một kiếp người"

VOV.VN - Ngày 13/11, nhà văn Phó Đức An (Peter Pho) giới thiệu tới đông đảo công chúng tác phẩm mới nhất mang tên "Rong chơi một kiếp người".

Nhà văn Phó Đức An - "Rong chơi một kiếp người"

Nhà văn Phó Đức An - "Rong chơi một kiếp người"

VOV.VN - Ngày 13/11, nhà văn Phó Đức An (Peter Pho) giới thiệu tới đông đảo công chúng tác phẩm mới nhất mang tên "Rong chơi một kiếp người".

Nhà văn Lê Lựu: Cả đời sống đúng chất “quê”
Nhà văn Lê Lựu: Cả đời sống đúng chất “quê”

VOV.VN - "Suốt đời văn, Lê Lựu chỉ viết về chất nhà quê trong người mình và những người quanh mình, dù cho họ có sống ở thị thành bao năm đi nữa. Có lẽ vinh quang, thành công và cả cay đắng của Lê Lựu trong đời và văn cũng là từ đấy", nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên nói.

Nhà văn Lê Lựu: Cả đời sống đúng chất “quê”

Nhà văn Lê Lựu: Cả đời sống đúng chất “quê”

VOV.VN - "Suốt đời văn, Lê Lựu chỉ viết về chất nhà quê trong người mình và những người quanh mình, dù cho họ có sống ở thị thành bao năm đi nữa. Có lẽ vinh quang, thành công và cả cay đắng của Lê Lựu trong đời và văn cũng là từ đấy", nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên nói.