Tâm sự của một bác sĩ nhận giải thưởng Đặng Thùy Trâm
VOV.VN - Tâm sự tâm huyết của PGS.TS Võ Trương Như Ngọc, BV Đại học Y Hà Nội, một trong số 10 thầy thuốc trẻ được nhận giải thưởng Đặng Thùy Trâm.
Đúng dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2016, 10 thầy thuốc trẻ Thủ đô xuất sắc được tuyên dương và nhận Giải thưởng Đặng Thùy Trâm năm 2016. Đây là những gương mặt thầy thuốc trẻ tiêu biểu của Hà Nội đã có nhiều đóng góp trong công tác khám chữa bệnh, công tác xã hội và tham gia các hoạt động tình nguyện.
PGS.TS Võ Trương Như Ngọc (Phó phòng quản lý khoa học và công nghệ, Trưởng bộ môn răng trẻ em, Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật cao Răng Hàm Mặt, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) là một trong số 10 thầy thuốc trẻ vừa được nhận giải thưởng tối 25/2.
Hình ảnh thầy thuốc tận tình chữa bệnh khắc sâu vào tâm trí
Được nhận giải thưởng cao quý này, PGS. TS Võ Trương Như Ngọc tâm sự: “Tôi rất bất ngờ và hạnh phúc khi được nhận giải thưởng này. Bất ngờ bởi mình chưa bao giờ nghĩ hoặc phấn đấu để đạt giải thưởng này. Giống như những bác sĩ khác, “được nghề y chọn” và bản thân cũng thật sự thích nghề này, nên việc chăm sóc người bệnh, hoạt động thiện nguyện giúp đỡ cộng đồng, bà con, đặc biệt ở vùng khó khăn, là trách nhiệm, niềm vui”.
Bác sĩ Võ Trương Như Ngọc điều trị cho bệnh nhân |
Bác sĩ Võ Trương Như Ngọc tự hào: Có lẽ tôi may mắn hơn nhiều bạn bè đồng nghiệp là được bình chọn và nhận giải thưởng cao quí này. Tuy nhiên, đây không phải chỉ là giải thưởng cho cá nhân mình mà là dành cho tất cả cán bộ, sinh viên, học viên của Trường Đại học Y Hà Nội, Viện đào tạo răng hàm mặt và nhiều đơn vị bạn”.
Nói về lý do lựa chọn ngành y, BS Ngọc nhớ lại: “Đây có lẽ là cơ duyên. Không phải do tôi chọn ngành Y mà ngành Y đã chọn tôi. Từ khi còn học phổ thông, tôi chưa nghĩ mình sẽ trở thành bác sỹ. Tuy nhiên, vào những năm cuối cấp PTTH, tôi thường xuyên bị ốm và phải vào bệnh viện liên tục. Hình ảnh các thầy thuốc tận tình chữa bệnh cho tôi cũng như những bệnh nhân khác đã khắc sâu vào tâm trí của tôi. Và tôi cảm thấy yêu thích ngành y. Tôi đã thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội. Trong suốt thời gian học đại học đến nghiên cứu sinh, được các thầy cô giáo và bạn bè, gia đình giúp đỡ nhiệt tình để tôi có được thành quả như ngày hôm nay”.
PGS.TS Võ Trương Như Ngọc sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con ở đất võ Bình Định. Bố làm ruộng, mẹ là giáo viên, cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng gia đình vẫn vượt qua để nuôi các con trong gia đình được học hành đến nơi đến chốn.
Do xuất thân từ gia đình nghèo, khi làm bác sĩ chứng kiến cảnh các bệnh nhân khó khăn, không có tiền chữa bệnh... , thậm chí có những ca đã tử vong, PGS.TS Ngọc đã không ngừng hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh tình nguyện và thấy mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, dù rất mệt, khó khăn nhưng vui.
Hạnh phúc khi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của bệnh nhân
BS Như Ngọc chia sẻ: “Theo tôi, khi làm việc gì chúng ta phải đam mê, quyết tâm và nhiệt huyết. Nhiều khi công việc có áp lực, mệt mỏi, nhưng nghĩ đến việc giúp được người khác chữa bệnh, nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của bệnh nhân khỏi bệnh tôi hạnh phúc và có thêm nghị lực để làm việc”.
Vừa làm thầy thuốc, vừa làm thầy giáo và kiêm nhiệm thêm các công tác khác, nhiều khi mệt mỏi nhưng với niềm đam mê và chính nhờ việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học mà bác sĩ Ngọc có nhiều cơ hội để cập nhật kiến thức nâng cao chuyên môn và kinh nghiệm.
10 gương mặt thầy thuốc trẻ đoạt giải thưởng Đặng Thùy Trâm năm 2016 (ảnh: Dân Trí) |
Bác sĩ Ngọc cho biết: Bệnh viện vẫn phải làm việc 24/24, ngày nghỉ, ngày lễ cũng phải làm việc, đang điều trị cho bệnh nhân dù đã đến giờ ăn trưa hay ăn tối cũng phải làm cho xong việc mới được ăn, có những hôm chúng tôi cũng phải làm thông qua cả trưa vì có các ca phẫu thuật khó, khi quá bữa đến 1 hay 2h chiều thì cũng không còn cảm giác muốn ăn nữa, một cốc sữa hoặc bát mỳ, ổ bánh mỳ là đủ.
Buổi tối, trong khi mọi người đang yên giấc thì bệnh viện và phòng mổ vẫn sang đèn để làm việc. Sáng, chiều, trưa tối đều phải ở bệnh viện, và cũng chính vì vậy nhiều thầy thuốc từng bảo nếu có trách nhiệm với gia đình lại có lỗi với xã hội và ngược lại. Đã thế, còn phải làm thêm vào thứ 7 và Chủ nhật, ngoài giờ để tăng thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống gia đình.
Theo BS Ngọc, bác sĩ rất cần biết sống vì cảm xúc của người khác, giàu lòng nhân ái, cẩn thận, tỉ mỉ và trung thực, kiên trì, nhẫn nại, can đảm và bình tĩnh trước mọi tình huống. Như thế mới hiểu và cảm thông với người bệnh.
"Đặc biệt, ngày nay trong cơ chế thị trường, kinh tế phát triển, nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng cao, với đồng lương ít ỏi như hiện nay, nếu thầy thuốc không can đảm, không vững lập trường rất dễ bị sa ngã và đánh mất lương tâm của thầy thuốc"- bác sĩ Ngọc nói.
Bác sĩ Ngọc mong muốn nhà nước đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành y tế về trang thiết bị và nhân lực để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh cho nhân dân. Nhà nước cũng cần có chế độ ưu đãi hơn cho ngành y, để tốt nghiệp được ngành y, cầm được tấm bằng bác sỹ, ít nhất cũng phải mất 6 năm, trong khi đó nếu học 6 năm với ngành khác đã có thể cầm tấm bằng thạc sỹ.
Mong xã hội hãy cảm thông hơn với thầy thuốc
Bác sĩ Ngọc nhấn mạnh: “Cũng như bao ngành nghề khác, không phải chỉ có ngành y mới cần có đạo đức nghề nghiệp, do vậy xã hội cũng cần thông cảm và chia sẻ với ngành y, không áp đặt quá nhiều thứ. Tôi đồng ý là lương y như từ mẫu nhưng thầy thuốc cũng là con người, cũng phải sống làm việc, lo cho gia đình con cái, cũng phải đối mặt với cuộc sống và xã hội. Ngành y cũng như mọi ngành khác, có người tốt, người xấu. Chúng ta thử hỏi hàng ngày, các thầy thuốc đã và đang âm thầm, lặng lẽ khám bệnh, chữa bệnh, cứu sống bao người và xã hội".
Theo bác sĩ Ngọc, trách nhiệm phải làm, nhưng nếu rủi ro nghề nghiệp xảy ra ngay lập tức bị chỉ trích, chỉ vì một vài cá nhân trong ngành sai trái mà cả ngành bị lên án và phê phán thì áp lực đã nhiều lại càng nhiều. Do vậy, rất mong xã hội nhìn người thầy thuốc với một góc nhìn cảm thông, chia sẻ hơn. Bất cứ bác sĩ nào cũng mong muốn chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân tuy nhiên không phải lúc nào cũng được như ý muốn.
Vì vậy, bác sĩ Ngọc tin chắc rằng, phần lớn các thầy thuốc vẫn đang âm thầm hoàn thành tốt trách nhiệm của mình và cống hiến cho xã hội, các dịch bệnh đã được đẩy lùi, tuổi thọ ngày càng tăng cao, sức khoẻ con ngừoi ngày càng được cải thiện. Đó là những minh chứng rất rõ cho cống hiến của ngành y tế, còn rủi ro nghề nghiệp trong y tế thì đâu cũng có không chỉ có ở đất nước chúng ta.
Là thầy giáo, bác sĩ Ngọc luôn chia sẻ cho sinh viên, học viên những kinh nghiệm về nghề nghiệp cũng như cuộc sống. Bác sĩ Ngọc nói: “Tôi thường nói với sinh viên rằng, đã chọn ngành y thì phải chấp nhận và biết hi sinh, tận tuỵ với nghề, làm việc phải có trách nhiệm, chia sẻ và cảm thông. Việc học trong ngành y không bao giờ dừng lại mà phải học tập suốt đời. Trí tuệ cần phải đi kèm theo với lương tâm nghề nghiệp”./.