Độc đáo “chiếu chèo” giữa sân trường
VOV.VN - Với cách làm linh hoạt, vận dụng phương pháp giáo dục mới, trường THCS Duy Tân (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đã thành công bước đầu trong việc truyền dạy nghệ thuật hát chèo cho học sinh. Điều này minh chứng thế hệ trẻ không quay lưng với văn hóa dân tộc mà quan trọng là cách khơi niềm hứng thú cho các em.
Giờ ngoại khóa của lớp 8A trường THCS Duy Tân rộn ràng. Các em vui thích luyện tập làn điệu đào liễu đã được các nghệ nhân trong Câu lạc bộ chèo phường Duy Tân truyền dạy. Dù kỹ thuật luyến láy, lấy hơi,... đôi khi còn chưa chuẩn xác nhưng sự hào hứng, lôi cuốn trong từng lời hát đã thể hiện nhận thức và trách nhiệm của các bạn trong việc tìm hiểu và giữ gìn một loại hình nghệ thuật truyền thống.
Trần Minh Đức và Lê Quỳnh Anh (lớp 8A trường THCS Duy Tân) cho biết những câu hát được các em yêu thích và thường ngân nga khi ở nhà không phải là những “hot trend” đình đám trên mạng xã hội mà là những câu hát chèo mềm mại.
Em Trần Minh Đức tâm sự: "Làn điệu chèo rất phong phú, đa dạng, giúp mọi người hiểu biết về quê hương mình hơn. Con thích hát chèo vì hát chèo có thể giúp con thư giãn sau những giờ học mệt mỏi, đồng thời giúp con biết mình biết thêm những làn điệu của quê hương mình."
"Con đã được các cô dạy các làn điệu chèo thông qua các tiết sinh hoạt hoặc những giờ hoạt động ngoại khóa. Đây là một loại hình nghệ thuật cần được bảo tồn và phát huy để các thế hệ sau biết được những giá trị nghệ thuật mà ông cha ta đã để lại", em Lê Quỳnh Anh chia sẻ.
Người đưa hát chèo vào trường học, trao niềm đam mê cho các em học sinh trường THCS Duy Tân là cô giáo Nguyễn Thị Thúy, giáo viên dạy môn Địa lý của trường. Từ nhỏ, cô Thúy đã say mê hát chèo, có năng khiếu nghệ thuật và yêu những làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc qua chương trình "30 phút dân ca và nhạc cổ truyền" của Đài Tiếng nói Việt Nam. Là giáo viên dạy môn Địa lý, chưa bao giờ cô Thúy nghĩ mình có thể đứng trên sân khấu truyền dạy hát chèo cho các em học sinh.
Sau khi có thông tư về kỹ thuật dạy học mới, lồng ghép các kiến thức, kỹ năng trong các môn học, chú trọng văn hóa truyền thống địa phương, năm học 2021-2022, cô Thúy đã mạnh dạn đề xuất với ban giám hiệu nhà trường, cho phép đưa hát chèo vào dạy cho học sinh trong những giờ ngoại khóa, môn học Giáo dục địa phương.
Cô Thúy kể, mặc dù chỉ được lồng ghép trong một số giờ học nhưng các em học sinh rất hứng thú: "Đối với nhà trường, rất vui vì được BGH và các thầy cô ủng hộ. Khi được sự ủng hộ rồi, cứ thế mình “gieo” trong các buổi học và được nhà trường ủng hộ là mở các lớp học. Thứ hai, tổ chức các buổi giao lưu ngoại khóa về chèo, cho học sinh đi giao lưu với các chiếu chèo của địa phương và cho học sinh đi biểu diễn trong các lễ hội. Một mình cô Thúy không làm được, phải có trang phục chèo, có đội chèo chuyên nghiệp, họ về, mang lời ca tiếng hát về khơi gợi cho học sinh."
Những buổi thể dục giữa giờ, những tiết sinh hoạt tập thể của trường THCS Duy Tân không còn đơn điệu, tẻ nhạt. Một ngày trong tuần, bài thể dục giữa giờ được các em biến tấu bằng những động tác múa chèo uyển chuyển, nhịp nhàng trên nền nhạc là các làn điệu chèo. Câu lạc bộ “Em yêu làn điệu dân ca” của trường được thành lập với hơn 50 thành viên và hàng tuần, các em được giới thiệu các làn điệu chèo mới, tìm hiểu một số làn điệu chèo cổ và luyện tập cùng nhau. Các thành viên CLB cũng trở thành những “hạt nhân” lan tỏa và truyền đạt các làn điệu chèo cho các bạn trong lớp.
CLB còn lập Fanpage “Em yêu làn điệu dân ca” và kênh Youtube để giới thiệu, quảng bá và lan tỏa tình yêu văn hóa nghệ thuật truyền thống. Dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, các em trong CLB đã biên soạn, viết lời một số bài chèo mới trên làn điệu chèo cổ, luyện tập, dàn dựng, thu âm và quảng bá trên fanpage. Theo cô Nguyễn Thị Thúy, những cách làm này đã giúp các em tiếp cận nhanh hơn với hát chèo và nghệ thuật cổ truyền nói chung.
Điều lớn lao hơn là duy trì văn hóa truyền thống của quê hương, của đất nước mình và ngay địa phương mình. Kinh Môn là “đất chèo” của xứ Đông; Duy Tân và một số xã phường nữa của thị xã Kinh Môn mới có những chiếu chèo. Mình muốn học sinh biết được là mình phải duy trì bản sắc văn hóa của dân tộc, nhưng bảo tồn thôi không đủ, bảo tồn phải phát triển lên.
Không chỉ tạo cơ hội cho các em được hát, múa chèo trên sân khấu và biểu diễn trong các lễ hội tại địa phương, trường THCS Duy Tân còn mời các CLB hát chèo tại địa phương về giao lưu, dạy các em một số điệu chèo cổ. Các bác, các cô mặc trang phục truyền thống, dạy các em các điệu múa chèo, hát chèo cho các em đồng diễn.
Bà Nguyễn Thị Hằng, thành viên CLB Chèo phường Duy Tân là một trong những người đã gắn bó và “truyền lửa” cho các em học sinh đến với nghệ thuật hát chèo: "Qua quá trình truyền dạy, tôi thấy các em học sinh rất hào hứng và say mê với bộ môn nghệ thuật này, tích cực tham gia vào các buổi của câu lạc bộ. Vốn là GV ngữ văn, tôi biết chút ít về nghệ thuật gieo vần trong thơ, tôi đã sáng tác một số bài hát ca ngợi quê hương Duy Tân, ca ngợi trường THCS Duy Tân để dạy cho các em. Từ đó, các em càng yêu thích bộ môn nghệ thuật này."
Giữa ồn ào, hối hả của cuộc sống hiện đại, tiếng hát chèo, những ca từ, giai điệu mang đậm âm hưởng quê hương lại rộn ràng, ngân vang giữa sân trường, sau những giờ học. Đó là hành trình tìm về truyền thống, về nguồn cội và những giá trị văn hóa tinh thần dân tộc của thầy trò trường THCS Duy Tân nói riêng và thế hệ trẻ hiện nay nói chung.