Thẩm định lại luận án tiến sỹ cầu lông: Chỉ trấn an dư luận
VOV.VN - Liên quan đến những đề tài luận án tiến sĩ khiến mạng xã hội và dư luận xôn xao những ngày gần đây, trong đó có luận án "tiến sỹ cầu lông", đại diện Bộ GD&ĐT vừa phản hồi, với những luận án có phản ánh và có ý kiến của dư luận, Bộ sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy chế hiện hành.
Vậy việc thẩm định các luận án tiến sỹ là công việc thường xuyên hay phải chờ khi có những phản ánh, khiếu nại hoặc tố cáo thì mới được tiến hành? Cần làm gì để đảm bảo chất lượng đào tạo trình độ tiến sỹ trong các cơ sở giáo dục?
PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với bà Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
PV: Bà đánh giá thế nào về việc thẩm định lại các luận án tiến sỹ bị dư luận phản ánh?
Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Việc thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là cần thiết, tuy nhiên, việc thẩm định này chỉ mang ý nghĩa trấn an dư luận bởi vì công tác thẩm định luận án thì Bộ vẫn làm thường xuyên.
Theo kế hoạch hàng năm, Bộ vẫn thẩm định lại các luận án được bảo vệ thành công với tỷ lệ nhất định. Vậy tại sao công tác được tiến hành thường xuyên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo không phát hiện ra vấn đề gì, phải chờ dư luận lên tiếng.
Thứ hai là Bộ sẽ thẩm định với những luận án đang có ý kiến, vậy những luận án không được thẩm định thì sao.
Tôi tin chắc rằng, còn nhiều luận án mà dư luận chưa có điều kiện tiếp cận. Thẩm định là việc làm trước mắt nhưng tôi nghĩ cần thiết hơn cả không chỉ là đi thẩm định lại mà Bộ cần chấn chỉnh sao cho có sự nghiêm túc thật sự trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
PV: Vậy, về chất lượng của những luận án tiến sĩ khiến dư luận "dậy sóng" trong thời gian gần đây, bà có nhận xét ra sao?
Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi thấy dư luận có lý và cảm thấy bất bình khi có những luận án tiến sỹ với những đề tài nghiên cứu vô cùng dễ dãi.
Tôi đọc những luận án tiến sỹ mà dư luận đang quan tâm từ tên đề tài đến tóm tắt nội dung đều không thể hiện được tri thức khoa học, đề xuất giải pháp mới trong luận án tiến sỹ nên tôi nghĩ chất lượng không đảm bảo.
Để lọt những luận án tiến sỹ này là sự vô trách nhiệm với nền giáo dục, với nền học thuật. Chúng ta để hiện tượng này xảy ra khá dài và phổ biến thì tôi cho rằng cần phải xem xét lại thực trạng đào tạo tiến sỹ của chúng ta.
PV: Cần làm gì để chủ động quản lý chất lượng đào tạo trình độ tiến sỹ trong các cơ sở giáo dục, chứ không chờ có phản ánh rồi mới thẩm định?
Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Cơ quan quản lý là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kiên quyết thực sự và không chạy theo thành tích nữa.
Hành lang pháp lý chúng ta có đầy đủ các quy định, các tiêu chuẩn đưa ra khá chặt chẽ thì vấn đề ở chỗ thực hiện không nghiêm, khâu thẩm định, đánh giá có vấn đề.
Trong thời gian tới, chúng ta cần thực sự nghiêm túc hơn nữa ở khâu tổ chức thực hiện và thẩm định đánh giá để có được những luận án xứng đáng chứ không phải là luận án như dư luận vừa phản ánh.
PV: Xin cảm ơn bà!./.