Nguồn cơn căng thẳng Nga – Litva và nguy cơ bùng nổ chiến tranh Nga - NATO
VOV.VN - Căng thẳng Nga – Litva có nguy cơ khiến một quốc gia NATO và cũng có thể là toàn bộ liên minh này rơi vào một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Moscow.
Căng thẳng mới giữa Nga và phương Tây ngày càng leo thang sau khi Litva quyết định dừng vận chuyển một số loại hàng hóa qua lãnh thổ nước này tới khu vực Kaliningrad của Nga như một phần trong các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga.
Điện Kremlin cảnh báo sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt theo cách có thể "gây ra những tác động vô cùng tiêu cực" tới người dân Litva, đồng thời làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO.
Khu vực Kaliningrad từng là một phần của tỉnh Đông Prussia thuộc Đức nhưng sau đó đã nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô sau Thế chiến II theo Hiệp ước Potsdam năm 1945 giữa các nước Đồng minh. Từ thời Chiến tranh Lạnh, Kaliningrad đã là một căn cứ lớn của Hạm đội Baltic của Nga.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã và các nước Baltic độc lập, Kaliningrad bị chia cắt với phần còn lại của Nga bởi Litva, Latvia và Estonia - tất cả đều là thành viên của NATO. Phía Nam của vùng lãnh thổ này là Ba Lan - cũng là một thành viên NATO.
Khi mối quan hệ giữa Nga với phương Tây leo thang, vai trò quân sự của Kaliningrad ngày càng gia tăng. Khu vực này đã trở thành tiền tuyến trong những nỗ lực của Nga nhằm đối phó với điều mà Moscow cho là các chính sách thù địch của NATO. Điện Kremlin đã tăng cường các lực lượng quân sự ở đây, trang bị cho họ những vũ khí hiện đại, trong đó có tên lửa dẫn đường chính xác Iskander và một số hệ thống phòng không tiên tiến. Khi vai trò quân sự của khu vực này tăng lên, sự phụ thuộc về hàng hóa của Kaliningrad qua Ba Lan và Litva khiến nó trở nên dễ tổn thương.
Nguồn cơn căng thẳng Nga - Litva
Litva đã nhấn mạnh lệnh cấm các loại hàng hóa nằm trong danh mục bị trừng phạt là một phần trong gói trừng phạt thứ 4 của EU nhằm vào Nga, đồng thời cho biết nó chỉ áp dụng với thép và kim loại đen từ 17/6.
Chính quyền Vilnius bác bỏ việc Nga gọi động thái trên là bao vây và nhấn mạnh các loại hàng hóa không bị trừng phạt và các hành khách đi đường sắt vẫn có thể di chuyển qua Litva. Cũng nằm trong quyết định của EU, Litva sẽ cấm nhập khẩu than đá Nga từ tháng 8 và các chuyến vận chuyển dầu mỏ cũng như các sản phẩm từ dầu mỏ qua nước này sẽ dừng lại vào tháng 12.
Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã ủng hộ Litva khi nói rằng ông lo ngại về hình thức đáp trả của Nga, song vẫn bảo vệ lập trường của Vilnius.
"Chắc chắn tôi luôn lo ngại về phản ứng của Nga", ông Borrell cho hay, đồng thời khẳng định không có sự bao vây nào đối với Kaliningrad.
"Litva không thực hiện biện pháp trừng phạt đơn phương mà chỉ áp dụng các biện pháp trừng phạt của EU".
Nga đã chính thức phản đối việc dừng vận chuyển hàng hóa tới Kaliningrad, đồng thời gọi động thái này là hanh vi vi phạm thỏa thuận Nga - EU về tự do vận chuyển hàng hóa tới khu vực này. Thống đốc Kaliningrad Anton Alikhanov cho biết lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến một nửa hàng hóa được vận chuyển cho khu vực này, trong đó có xi măng và các nguyên liệu xây dựng khác.
Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Nga đã thăm Kaliningrad ngày 21/6 để gặp các quan chức địa phương. Ông đã gọi lệnh hạn chế trên là "các hành vi thù địch" và cảnh báo Moscow sẽ đáp trả bằng một số biện pháp nhất định "có tác động tiêu cực đáng kể đến người dân Litva".
Ông Patrushev không nêu cụ thể nhưng ông Alikhanov cho rằng, phản ứng của Nga có thể sẽ bao gồm việc dừng việc vận chuyển hàng hóa qua các cảng của Litva và những quốc gia Baltic khác.
Litva đã giảm đáng kể sự phụ thuộc về kinh tế và năng lượng vào Nga khi gần đây là nước EU đầu tiên dừng sử dụng khí đốt Nga. Nước này cũng không còn nhập khẩu dầu Nga và đã dừng nhập khẩu điện từ Nga. Hầu hết các chuyến vận chuyển từ Nga qua các cảng của Litva đã dừng lại theo các điều khoản trong lệnh trừng phạt của EU nhưng Moscow có thể sẽ hạn chế việc vận chuyển hàng hóa từ các nước thứ ba qua Litva. Tổng thống Putin sẽ quyết định về phản ứng của Nga sau khi nhận được báo cáo từ ông Patrushev.
Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao tại tổ chức BlueBay Asset Management nhận định "Kaliningrad có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược với Nga", đồng thời đánh giá Nga chắc chắn sẽ bảo vệ vùng đất này.
"Nga sẽ phản ứng, đó là điều chắc chắn. Câu hỏi đặt ra là liệu phản ứng đó là gì và Nga có hành động quân sự hay không".
Chuyên gia Ash cho rằng Nga có thể sẽ sử dụng các lực lượng hải quân ở Biển Baltic để tiến hành một số hình thức bao vây đáp trả với thương mại của Litva, mặc dù điều này có thể khiến NATO và EU coi là sự leo thang căng thẳng nghiêm trọng.
"Đó là sẽ ranh giới mong manh trong việc quyết định liệu có kích hoạt Điều 5 Hiệp ước NATO hay không".
Nguy cơ bùng nổ xung đột trực tiếp Nga - NATO
Căng thẳng giữa Nga và NATO vốn đã leo thang trong cuộc chiến ở Ukraine và càng trở nên tồi tệ hơn sau động thái của Litva. Tình hình hiện nay có nguy cơ khiến một quốc gia NATO và cũng có thể là toàn bộ liên minh rơi vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.
Một số nước phương Tây lo ngại Nga có thể đang cân nhắc đến việc sử dụng các hành động quân sự để kiểm soát hàng lang trên đất liền giữa Belarus và khu vực Kaliningrad gọi là Hành lang Suwalki - dải đất dài 65km ở Ba Lan dọc biên giới với Litva.
Nhà quan sát Vladimir Solovyov đã cáo buộc trên truyền hình nhà nước Nga rằng chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của phương Tây đang đếm ngược thời gian đến Thế chiến III.
Bộ trưởng Quốc phòng Litva Arvydas Anusauskas đã cảnh báo ngày 22/6 về mối nguy hiểm từ những hành vi của Nga giữa bối cảnh căng thẳng ở khu vực Kaliningrad leo thang.
Dù vậy, một số nhà quan sát phương Tây cho rằng trong lúc đang tập trung quân đội ở Ukraine, việc sử dụng bất kỳ lực lượng nào ở Baltic đều sẽ vượt quá khả năng vũ khí theo quy ước của Nga.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho rằng Litva sẽ không đối mặt với đe dọa về mặt quân sự, đồng thời nhận định Nga đang cố gắng gây sức ép với EU để chấm dứt các lệnh trừng phạt.
"Nga rất giỏi trong việc chơi đùa với nỗi sợ hãi của chúng ta để chúng ta lùi bước trong việc ra quyết định", ông Kallas cho hay trong cuộc trả lời phỏng vấn với AP.
Căng thẳng giữa Nga với Ba Lan và Litva có thể gây ra cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO - liên minh quân sự có nghĩa vụ bảo vệ bất kỳ thành viên nào theo nguyên tắc phòng thủ tập thể trong Điều 5 Hiệp ước NATO,
Ngày 21/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã nhấn mạnh "cam kết vững như bàn thạch của Washington với nguyên tắc này", điều mà ông gọi là nguyên tắc "rường cột" của NATO.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã phản ứng bằng cách cảnh báo EU và NATO trước những phát ngôn "nguy hiểm" về Kaliningrad.
"Những lực lượng quyền lực và có tầm ảnh hưởng ở phương Tây đang làm mọi thứ có thể để khiến căng thẳng với Nga trở nên tồi tệ hơn", nhà ngoại giao này cho hay, đồng thời nhận định một số hành động "không có giới hạn gây ra viễn cảnh đối đầu quân sự với chúng tôi dường như là sẽ điều không thể tránh khỏi".
Khi được hỏi liệu Nga chỉ phản ứng ngoại giao hay sẽ đi xa hơn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: "Câu trả lời là không. Đó sẽ không phải là phản ứng ngoại giao mà sẽ là những biện pháp thực tế"./.