Vì sao gia tăng tội phạm xâm hại trẻ em?
VOV.VN - Theo thống kê, trong 5 năm gần đây, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em với gần 10.000 nạn nhân. Số trẻ bị xâm hại tình dục nhiều hơn trước.
“Trong những năm gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng. Số trẻ em nhỏ tuổi bị xâm hại tình dục nhiều hơn trước, trong đó có cả trẻ em trai”.
Đây là thông tin được đưa ra tại “Diễn đàn các tổ chức xã hội và Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trong phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục”, do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 10/12.
Theo thống kê, trong 5 năm từ 2011-2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em với gần 10.000 nạn nhân. Số trẻ em bị xâm hại tình dục nhiều hơn trước. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em có tính chất nguy hiểm, phức tạp như: bố đẻ xâm hại con gái ruột, cha dượng hiếp dâm con riêng của vợ, ông xâm hại cháu, thầy giáo xâm hại học sinh…
Diễn đàn các tổ chức xã hội và Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trong phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục. |
Đối tượng xâm hại trẻ em đa số từ 20-25 tuổi. Nhiều trường hợp trẻ em bị hại không biết mình bị xâm hại tình dục, đa số trẻ bị hại không dám tố giác hoặc tố giác muộn. Các nạn nhân thường xấu hổ, sợ mọi người chê cười, xa lánh. Gia đình các em bị xâm hại sợ ảnh hưởng đến danh dự, lo ngại gặp rắc rối, nhiều đối tượng phạm tội là người thân trong gia đình… nên không tố cáo.
Bà Tô Thị Kim Hoa cho biết: “Có nhiều trường hợp không khởi tố vụ án vì tội nghiệp trước những lời năn nỉ của người pháp tội. Bên cạnh đó là sự bàng quang, vô cảm của cộng đồng, công tác quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em còn nhiều bất cập. Cán bộ trẻ em cấp xã thì không chuyên trách, kiêm nhiệm nhiều việc, trình độ, năng lực có hạn, khó xử lý kịp thời và lúng túng khi có tình huống xảy ra. Giáo viên giáo dục giới tính trong trường học hầu hết là kiêm nhiệm, đầu tư nội dung và sinh hoạt giáo dục giới tính chưa đạt yêu cầu…”.
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân tình trạng xâm hại tình dục trẻ em do ảnh hưởng từ lối sống lệch lạc, xem nhẹ giá trị đạo đức truyền thống, cổ súy cho lối sống thực dụng, hưởng thụ. Phương tiện truyền thông bùng nổ như mạng internet, điện thoại di động đa tính năng, sách, đĩa, băng nhạc, phim ảnh bạo lực khiêu dâm…khiến giới trẻ có thể tiếp cận dễ dàng và chưa được kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Chương trình giáo dục giới tính, kỹ năng sống trong các nhà trường còn hạn chế. Nhiều gia đình thiếu quan tâm quản lý con và chưa có thói quen giáo dục giới tính cho con.
Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em được thống kê chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, là vấn đề gây nhiều bức xúc cho cộng đồng, xã hội.
Thời gian qua, nhiều tổ chức xã hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và Mạng bảo vệ quyền trẻ em đã có nhiều tích cực trong công tác phòng chống xâm hại tình dục dưới các hình thức liên kết với đoàn thể, cơ quan truyền thông để tuyên truyền, tư vấn, nâng cao nhận thức về luật pháp, kỹ năng phòng ngừa cho các gia đình, cộng đồng, học sinh các trường học, hỗ trợ, chăm sóc kịp thời cho các nạn nhân… Tuy nhiên, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em còn gặp nhiều khó khăn”.
Bà Đào Hồng Lan nói: “Việc này phản ánh vấn đề nhức nhối của thực tiễn, đòi hỏi giữa các cơ quan, các tổ chức phải có những giải pháp làm thế nào giảm được tình trạng xâm hại trẻ em nói chung trong đó có xâm hại tình dục. Chúng ta phải tìm có giải pháp, cơ chế để tập trung trong thời gian tới nhằm giảm thực trạng này. Giải quyết vấn đề này không chỉ cần vai trò của một đơn vị mà cần có sự phối hợp chặt chẽ của cộng đồng xã hội, kể cả việc nâng cao nhận thức, xử lý vụ việc, đặc biệt là vai trò của gia đình”./.