Vụ 2 tàu suýt đâm nhau ở Đồng Nai: Lái tàu SE25 thừa nhận sai sót

VOV.VN -Lái tàu SE25 qua ga Dầu Giây không dừng lại mà tiếp tục chạy vào khu gian Dầu Giây - Trảng Bom, vượt tín hiệu ra ga, mặc dù đã có tín hiệu dừng khẩn cấp

Ngay sau sự cố 2 tàu khách và hàng suýt nữa đối đầu nhau tại khu gian Dầu Giây-Trảng Bom (Đồng Nai) vào sáng 27/2, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR - Bộ GTVT) đã cử đoàn cán bộ vào hiện trường, thu thập thông tin, điều tra, phân tích nguyên nhân của vụ việc.
Sau khi tiến hành phân tích nguyên nhân và kết quả ban đầu của sự cố là do Ban lái tàu của đoàn tàu SE25 đã xác nhận nhầm tín hiệu vào ga và không quan sát tín hiệu ra ga, để tàu thông qua ga Dầu Giây suýt gây ra tai nạn.
Khu vực xảy ra vụ việc
Hiện VNR đang khẩn trương rà soát, làm rõ nguyên nhân và truy trách nhiệm liên quan đến vụ việc.
Theo lãnh đạo VNR, vụ việc xảy ra giữa tàu khách Thống Nhất SE25, máy 708 kéo 13 toa chạy Hà Nội – Sài Gòn và tàu hàng ASY2 chạy hướng ngược lại trên tuyến đường sắt Bắc – Nam.
Cụ thể, tàu khách SE25 (chạy hướng Long Khánh - Trảng Bom) đến ga Dầu Giây sẽ dừng lại để tránh đường cho tàu hàng ASY2 (xuất phát lúc 5 giờ 40 phút tại ga Trảng Bom đi Long Khánh) đang chạy hướng ngược lại thông qua ga.
Tuy nhiên, tàu SE25 khi qua ga Dầu Giây không dừng lại mà tiếp tục chạy vào khu gian Dầu Giây - Trảng Bom (vượt tín hiệu ra ga, mặc dù đã có tín hiệu dừng khẩn cấp của nhân viên gác chắn và điều độ chạy tàu).
Trong khi đó, tàu ASY2 đã có lệnh chạy tàu và chạy vào khu gian này theo hướng ngược lại.
Kíp trực ban chạy tàu ga Dầu Giây khi đón tàu không thấy tàu dừng lại theo kế hoạch đã làm tín hiệu dừng tàu, nhưng tàu vẫn tiếp tục chạy, nên đã ngay lập tức báo ngay cho nhân viên điều độ chạy tàu là SE25 đã thông qua ga lúc 5 giờ 59 phút ngày 27/2.
Phát hiện nguy cơ 2 tàu có khả năng đâm trực diện, nhân viên kíp trực đã gọi điện báo cho lái tàu hai đoàn tàu.
Ngay sau đó, lái tàu đã giảm tốc, dừng lại cách nhau 10 m tại Km 1663+340 Khu gian Dầu Giây - Trảng Bom (Thống Nhất, Đồng Nai). Rất may, sự cố không thiệt hại về tài sản, tính mạng.
Sau đó, tàu SE25 lùi về ga Dầu Giây an toàn để tàu ASY2 thông qua. Sự cố này đã làm nhiều đoàn tàu khách khác bị chậm giờ.
Xử lý trách nhiệm theo Luật đường sắt 2018 Lãnh đạo VNR cho rằng, qua phân tích nguyên nhân, mặc dù chưa có tai nạn xảy ra, nhưng vụ việc vi phạm quy trình quy tắc chạy tàu có tính nghiêm trọng.
Sau khi tìm ra nguyên nhân, cá nhân, tập thể liên quan sẽ bị xử lý kỷ luật nặng hơn cả tai nạn, kể cả xử lý trách nhiệm, kỷ luật người đứng đầu.
Đối với các chức danh lãnh đạo liên quan của Xí nghiệp tự nhận hình thức xử lý theo quy định của Tổng công ty.
Các đơn vị liên quan khác gồm Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn, Đoàn tiếp viên Đường sắt Phương Nam (thuộc Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn) tổ chức phân tích, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các chức danh làm công tác chạy tàu trong công tác phối hợp, xử lý, giải quyết sự cố.
Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc VNR khẳng định, những vụ việc như trên rất nghiêm trọng, tuy hy hữu, nhưng đe dọa trực tiếp đến an toàn chạy tàu và tính mạng hành khách.
Sau vụ việc hai tàu suýt đâm nhau ở Đồng Nai sáng 27/2, VNR ngoài việc tập trung điều tra nguyên nhân, xử lý trách nhiệm cụ thể, đã quán triệt ngay tới tất cả cán bộ, công nhân viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chạy tàu, nghiêm cấm đón 2 tàu ngược nhau vào cùng một khu gian, nhất là tại các khu vực có địa hình hiểm trở, đèo dốc, khó kiểm soát tốc độ.
“Qua vụ việc này, Luật Đường sắt 2017 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 cần bổ sung quy định xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan đến quản lý, thực hiện quy trình, quy tắc chạy tàu thành nội dung riêng để tăng tính răn đe”, lãnh đạo VNR nói./.

Trước đó, vào lúc 5 giờ 59 phút ngày 27/2, theo kế hoạch của điều độ, tàu SE25 máy 708 đến ga Dầu Giây để tránh tàu ASY2 nhưng tàu SE25 đã chạy thông qua ga Dầu Giây vào khu gian Dầu Giây-Trảng Bom (tốc độ tàu SE25 vào ga Dầu Giây là dưới 10km/giờ).

Khi tàu ASY2 đã có lệnh chạy vào khu gian này. Điều độ đã kịp thời liên lạc với hai Ban lái tàu (SE25,ASY2) dừng tàu kịp thời.

Trước đây, một số vụ việc tương tự từng xảy ra do lỗi ngủ quên, thao tác nhầm của nhân viên các nhà ga, kíp trực điều độ chạy tàu.

Ngay sau phát hiện nguyên nhân, VNR cũng đã cho sa thải trực ban chạy tàu ga, đình chỉ nhiệm vụ công tác trưởng các ga và xử lý kỉ luật các cá nhân liên quan.

Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, năm 2017 trên tuyến đường sắt xảy ra 1.367 sự cố chạy tàu.

Con số này tăng so với năm 2016 tới 147 vụ. Trong đó có những sự cố rất nghiêm trọng: điều khiển tàu chạy khi chưa có tín hiệu cho phép, đón hai tàu vào một đường hoặc để tàu hỏa trôi dốc, tàu vượt mốc tránh va chạm ở ga...

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tàu hỏa tông nát xe máy, hai nam thanh niên thương vong
Tàu hỏa tông nát xe máy, hai nam thanh niên thương vong

VOV.VN - Vụ tai nạn khiến một người tử vong tại chỗ một người bị thương nặng.

Tàu hỏa tông nát xe máy, hai nam thanh niên thương vong

Tàu hỏa tông nát xe máy, hai nam thanh niên thương vong

VOV.VN - Vụ tai nạn khiến một người tử vong tại chỗ một người bị thương nặng.

Băng qua đường dân sinh, người phụ nữ bị tàu hỏa tông tử vong
Băng qua đường dân sinh, người phụ nữ bị tàu hỏa tông tử vong

VOV.VN - Trên đường đi chợ mua sắm Tết, khi băng qua đường sắt không có rào chắn, một phụ nữ bị tàu hỏa tông chết.

Băng qua đường dân sinh, người phụ nữ bị tàu hỏa tông tử vong

Băng qua đường dân sinh, người phụ nữ bị tàu hỏa tông tử vong

VOV.VN - Trên đường đi chợ mua sắm Tết, khi băng qua đường sắt không có rào chắn, một phụ nữ bị tàu hỏa tông chết.