Vụ sập mỏ đá tại Thanh Hóa: Người sống sót kể lại giây phút kinh hoàng
“Lúc đấy khoảng tầm hơn 10h một tý, đột nhiên nghe thấy rào rào cái rồi đá tụt luôn, chỉ có mấy giây là rơi hẳn xuống...", anh anh Trương Văn Long tâm sự.
Đó là những hồi tưởng về giây phút kinh hoàng của anh Trương Văn Long (SN 1972), ở làng Cú, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước trong vụ sập mỏ đá xảy ra trên địa bàn xã Yên Lâm, huyện Yên Định khiến 8 người tử vong.
Anh Long làm việc tại mỏ đá của doanh nghiệp Tuấn Hùng được hơn một năm, công việc chính của anh là chạy xe tải chở đá hộc xuống xưởng mà không trực tiếp khai thác đá. Là một trong những người may mắn sống sót thời điểm tụt đá vùi lấp nhiều người, anh Long chưa hết bàng hoàng kể lại: “Xe mới hỏng hai ngày, tôi đi khoan đá với anh em chơi thôi, đi trông xe cũng buồn và lạnh”.
Anh Trương Văn Long kể lại giây phút kinh hoàng |
Theo anh Long, trong buổi sáng ngày xảy ra tai nạn, trời mưa lạnh, mọi người định nghỉ, tuy nhiên 6h30 những công nhân vào mỏ làm việc và dự kiến 10h30 sẽ rời mỏ. “Lúc đấy khoảng tầm hơn 10h một tý, đột nhiên nghe thấy rào rào cái rồi đá tụt luôn, chỉ có mấy giây là rơi hẳn xuống. Chắc những người ở dưới nhìn thấy nhưng chạy ra không kịp. Tôi đứng sát trong vách cùng một người khác. Nhìn ra chả thấy con cháu nào ở đâu cả. Nếu mà 20 phút nữa thì đến giờ nghỉ của anh em rồi, đâu đến nỗi tang thương thế này”.
Cũng như thường ngày, những công nhân tin tưởng, lâu rồi không vấn đề gì nên cứ làm bình thường. Lúc đó, những người khác đang khoan để cắt đá, ai ngờ sự việc lại xảy ra nghiêm trọng như vậy.
“Tôi định làm hết năm rồi nghỉ về kiếm cái xe chạy loanh quanh ở nhà cho gần vợ, gần con. Tôi báo cách đây hơn tháng rồi, cố gắng chạy hết tháng tết rồi nghỉ... Lúc xảy ra sự việc, chỉ nghe ùm một cái rồi thấy tối sầm luôn. Ra thấy mấy đứa cháu ở ngoài khóc, tưởng chú cũng bị kẹt rồi nhưng khi nghe tôi la to trong này ra chúng nó mới biết tôi còn sống. Khoảng 15 phút sau hết mù tôi mới ra được, chứ lúc đó mù mịt không đi được”, anh Long vẫn còn bàng hoàng.
“Sập cái chết cả, không ai bị thương, cả xe tải và mấy xe máy nát bét hết. Trên xe tải có một tài xế thấy đá tụt đã nhảy xuống khỏi xe thoát chết. Mũ cối tôi đang đội trên đầu, không biết nó cuốn kiểu gì mà mất đâu không biết nữa. Lúc đó chân tay run, đi không vững, ra cái nhìn thấy được mấy đứa đang ở ngoài tự tin còn đi được, chứ không thấy ai nữa thì chắc không đi nổi”, anh Long kể lại.
Khăn tang phủ trắng bản Mường
Bà con dân bản nơi đây chưa bao giờ phải chứng kiến cảnh tượng đau đớn, tang thương đến thế. Dọc con đường 217, đâu đâu cũng bắt gặp những vành tang trắng. Những dòng người mỗi lúc một đông khiến cho cả bản Mường như phủ trắng khăn tang. Đâu đó vọng ra từ những ngôi nhà sàn tiếng khóc ai oán của người thân các nạn nhân càng khiến cho không khí bản làng thêm ảm đạm, thê lương.
Chị Túc - vợ nạn nhân Danh đau đớn trước cái chết của chồng |
Vừa hoàn tất việc an táng thi thể anh Trương Văn Danh, những người dân bản lại lặng lẽ hướng về gia đình anh Đinh Văn Hoàng chỉ cách đó chưa đầy một cây số. Nằm vật vã bên cạnh chiếc quan tài chồng, chị Trương Thị Tứ - vợ của Đinh Văn Hoàng càng cô quạnh khi sau mười năm cưới nhau hai người vẫn chưa có con. Những ngày qua, chị Tứ như không còn sức lực để gượng dây trước sự ra đi đột ngột của chồng. Cả bản lại cùng nhau đưa tiễn thi thể anh Hoàng về với núi rừng./.
Vụ sập mỏ đá: Hội Chữ thập Đỏ hỗ trợ các gia đình có người thiệt mạng
Ông Phạm Ngọc Tưởng - Trưởng bản Cú, xã Thiết Ống chia sẻ: “Từ chỗ quê hương thiếu thốn công ăn, việc làm, đi làm thuê, làm mướn rồi gặp họa như thế này. Làng Cú có tổng cộng 13 người đi làm đá ở xã Yên Lâm, thu nhập cũng được trên dưới 200 nghìn đồng/ngày. Lúc đầu nghe tin mà rụng rời chân tay, cứ nghĩ là chết hết cả rồi. Đây là lần đầu tiên trong bản có ba người chết cùng một ngày là những người trẻ tuổi, các cháu đều là những người trụ cột trong gia đình. Một thôn có mấy hộ mà có ba cái đám tang, từ sáng tới giờ bà con phải chia người đi đào huyệt, chia thời gian để đưa tang”./.