Xử phạt hành chính đối với người không tham gia phòng chống dịch
VOV.VN - TP HCM đang áp dụng những biện pháp xử phạt hành chính đối với những cá nhân tập thể không tham gia phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Từ tháng 7 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh liên tục gia tăng. Cùng với công tác vận động tuyên truyền diệt lăng quăng, phun hóa chất trên diện rộng, thành phố đang áp dụng những biện pháp xử phạt hành chính đối với những cá nhân tập thể không tham gia phòng chống dịch.
Dù không phải là một trong 8 điểm nóng về nguy cơ sốt xuất huyết tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ngay từ đầu tháng 9, quận Bình Thạnh đã tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý các phường xã về công tác phòng chống dịch và việc thực hiện xử phạt hành chính đối với các cá nhân, tập thể không tham gia phòng chống dịch. Sáng 27/9, Tổ kiểm tra phòng chống dịch của quận Bình Thạnh đã phát hiện 8 vật phế thải có lăng quăng tại một số hộ dân trên địa bàn phường 26.
Phun hóa chất để dập dịch sốt xuất huyết tại TP HCM |
Ngay lập tức, Tổ kiểm tra đã lập biên bản giám sát và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với một quán cà phê và một bãi xe vì hành vi thải, bỏ các vật dụng có khả năng làm lây lan bệnh truyền nhiễm gây dịch. Mức tiền xử phạt cho hành vi này là 750.000/1 cơ sở.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường 26 quận Bình Thạnh cho biết, trong tháng 9 vừa qua, UBND phường đã ra 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm các quy định về môi trường y tế, theo Nghị định 176 của Chính phủ.
Ông Tùng nói: “3 trường hợp bị xử phạt là những nơi mà chúng tôi đã đi kiểm tra, giám sát nhiều lần nhưng ý thức chưa đảm bảo. Do đó, xử phạt là biện pháp để họ thay đổi tốt hơn trong thời gian tới. Họ cũng nhận thấy sai và chấp hành mức phạt. Tuy nhiên, chế tài chỉ là phương pháp cuối cùng, phải tuyên truyền vận động trước”.
Ngoài phường 26, còn có một số địa phường khác đã ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi người dân không chịu tham gia phòng chống dịch như phường 22, phường 25 của quận Bình Thạnh, phường Hòa Thạnh của quận Tân Phú.
Ghi nhận của các địa phương, đa số người bị xử phạt đều chấp hành việc đóng phạt và không có khiếu nại. Có thể nói, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết. Việc xử phạt được thực hiện chặt chẽ và theo qui trình. Đó là sau khi nhắc nhở 2 lần, kiểm tra 1 lần thấy vẫn còn lăng quăng trong các vật chứa nước tổ kiểm tra mới lập biên bản giám sát. Sau đó, ủy ban nhân dân phường ra quyết định xử phạt.
Ông Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh cho biết: “UBND phường 25 đã ra 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong công tác phòng chống sốt xuất huyết. Một trường hợp bị phạt 750.000 đồng và trường hợp kia bị phạt 1.500 triệu đồng. Trước khi xử phạt, đã cho chủ công trình xây dựng cam kết diệt lăng quăng. Nhưng khi kiểm tra lại vẫn còn lăng quăng nên phường phải ra quyết định xử phạt”.
Hiện nay, ý thức của người dân chính là một trong những rào cản rất lớn trong phòng chống dịch, không chỉ tại TP HCM mà trong cả nước. Mới đây nhất, vào cuối tháng 9, sau khi kiểm tra phòng chống dịch tại TP HCM, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định: “Người dân vẫn thờ ơ với việc phòng chống dịch sốt xuất huyết. Tại một số quận huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh, có đến 30% hộ gia đình không chịu hợp tác với cơ quan chức năng để được phun hóa chất diệt muỗi, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch”.
Trước tình hình này, theo Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, việc áp dụng các chế tài để thay đổi ý thức và hành vi của người dân trong chống dịch sốt xuất huyết là rất cần thiết.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo Nghị định 176 của Chính phủ sẽ giúp cho công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả tốt hơn. Ông Lân nói: “Đi kiểm tra phòng trọ hay ở nơi nào, nếu phát hiện các ổ bọ gậy nguồn phải có hình thức xử lý. Nếu không, suốt ngày bên y tế dự phòng đi chống dịch”.
Có thể nói với tình hình dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh mẽ như hiện nay trong khi ý thức của người dân còn chưa cao thì việc sử dụng chế tài là cần thiết và đúng lúc./.