Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2019: Chia sẻ cơ hội, hợp tác thành công
VOV.VN - Báo chí góp phần quan trọng vào tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, trở thành cầu nối giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Nhằm động viên, khích lệ các doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều đóng góp, thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong hội nhập khu vực và quốc tế, đồng thời tôn vinh các nhà báo luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân, chiều 17/7, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn “Doanh nghiệp và Báo chí 2019: Chia sẻ cơ hội, hợp tác thành công trong bối cảnh mới và Phát động chương trình bình chọn tác phẩm báo chí viết về doanh nhân - doanh nghiệp và môi trường kinh doanh lần thứ VII”.
Toàn cảnh Diễn đàn “Doanh nghiệp và Báo chí 2019: Chia sẻ cơ hội, hợp tác thành công trong bối cảnh mới". |
Tại diễn đàn, Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam cho rằng, Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2019 là cơ hội để trao đổi, bàn bạc giải quyết các vấn đề còn khúc mắc, để báo chí và doanh nghiệp cùng phát triển vì lợi ích đất nước và nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, báo chí và doanh nghiệp đã có sự đồng hành. Theo đó, báo chí có vai trò phản ánh môi trường kinh doanh, những thành tựu kết quả nổi bật, những mô hình tốt, những kinh nghiệm hay. Báo chí thông tin tình hình kinh tế trong và ngoài nước, tham gia vào xây dựng, góp ý và điều chỉnh chính sách.
Ông Hồ Quang Lợi khẳng định: “Báo chí góp phần quan trọng vào tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, trở thành cầu nối giữa nhà nước và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cộng đồng dân cư. Báo chí quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp. Không có một doanh nghiệp nào thành công mà ngoài yếu tố nội lực lại không quan tâm đúng mức tới quan hệ báo chí”.
Cũng theo ông Lợi, công cuộc xây dựng đất nước của doanh nghiệp doanh nhân là đề tài hấp dẫn đối với báo chí. Hoạt động của doanh nghiệp doanh nhân là nguồn lực về tư liệu sống, là nguồn lực tài chính để báo chí hoạt động tốt.
“Trong số 25.000 hội viên của Hội Nhà báo thì số lượng nhà báo trong lĩnh vực kinh tế là rất lớn. Đây là lực lượng khích lệ tinh thần cống hiến và đổi mới sáng tạo cũng như khởi nghiệp của giới doanh nghiệp Việt Nam để cùng chia sẻ hợp tác, nắm bắt cơ hội phát triển thành công”, ông Lợi nhấn mạnh.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI thì ví von, báo chí là “người tình” của doanh nghiệp. Buổi sáng doanh nghiệp mở báo xem tin tức thời sự trong nước và quốc tế, buổi tối doanh nghiệp lại mở báo ra để xem lại các tin tức trong ngày của báo chí.
“Báo chí đã đi sâu vào đời sống doanh nghiệp, doanh nhân. Dẫu có lúc cơm không lành canh không ngọt nhưng với chúng tôi, báo chí vẫn là ân nhân, chúng tôi cảm ơn nhà báo thấu hiểu sẻ chia đồng hành cùng doanh nghiệp và doanh nhân”, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Tuy vậy, ở chiều ngược lại, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, báo chí cũng gây không ít oan sai và đổ vỡ của cho doanh nghiệp khi hình ảnh của doanh nghiệp bị phản ánh sai lệch. Ông hi vọng, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến 2025 tới đây sẽ góp phần ngăn tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, để báo chí ngày càng trong sạch và vững mạnh.
Ở một khía cạnh khác, Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế (VIAC) cho hay, điểm mới và cần quan tâm nhất trong mối quan hệ của doanh nghiệp và báo chí là phải đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật. Đây là một thách thức mới đối với báo chí, dù không mới về nội hàm những mới về tốc độ, bởi tốc độ đang diễn ra ở mức “chóng mặt”.
Ông Huỳnh lấy dẫn chứng, để giải mã được bộ gen người phải mất tới 17 năm và 1,3 tỷ đồng, hiện giờ chỉ mất chi phí khoảng hơn 20 triệu đồng và mất 3h đồng hồ. Hay như câu chuyện về bà Tân Vlog, đã sản xuất ra được các sản phẩm trên youtube và thu hút được hàng triệu lượt xem trên mỗi sản phẩm. Đây thực sự là thách thức đối với báo chí với các sản phẩm từ công nghệ thông tin.
Trong bối cảnh mới như vậy, ông Huỳnh đặt vấn đề, báo chí nên làm gì để giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển?
“Một là, báo chí phải sáng hơn. Sáng hơn ở chỗ phải nhanh nhạy nhìn ra vấn đề hơn. Hai là, báo chí phải sạch hơn. Bởi xã hội phân hóa rất nhiều, trong cộng đồng doanh nghiệp cũng phân hóa nhiều nên tính chất sẽ phức tạp hơn. Ba là, báo chí phải sắc hơn. Báo chí phải có nét sắc sảo riêng để hàng triệu doanh nghiệp khi xảy ra vấn đề gì thì sẽ hướng tìm đến tờ báo để nhận được thông tin một cách chính xác nhất, kịp thời nhất. Bốn là, báo chí phải đáng tin câỵ hơn. Trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin, bão thông tin thì sẽ có sàng lọc trong báo chí. Đây chính là cuộc đua cạnh tranh để dành độc giả ngay với mạng xã hội”, ông Trần Hữu Huỳnh nói./.
Đến năm 2025, giảm 180 cơ quan báo chí