Hành trình vượt qua ung thư đầy kỳ diệu của nữ nhà báo
VOV.VN -Với chị Cẩm Bào dù có bỏ tóc, “bỏ ngực”, nhưng chị không bao giờ từ bỏ niềm tin vào cuộc sống, không ngừng lan tỏa tinh thần lạc quan tới các đồng bệnh.
Nụ cười tươi, khuôn mặt rạng rỡ, đôi mắt biết cười, dáng đi nhanh nhẹn và giọng Huế nhẹ nhàng nhưng rắn rỏi là những ấn tượng đầu tiên khi gặp chị Trần Thị Cẩm Bào (KĐT Vĩnh Hòang, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) trong một buổi phát cơm miễn phí cho các bệnh nhân tại bệnh viện Ung bướu Hà Nội do chính chị tổ chức. Nếu không biết, ít ai nghĩ rằng người phụ nữ 44 tuổi ấy đã từng nằm liệt giường do tế bào ung thư di căn vào xương, mấp mé giữa sự sống và cái chết.
“Con không muốn tìm mẹ trên bầu trời”
Hoàn cảnh hiểm nghèo chính là phép thử để con người biết bản thân mạnh mẽ đến mức nào. Với chị Trần Thị Cẩm Bào, dù có bỏ tóc, bỏ ngực, nhưng chị không bao giờ từ bỏ niềm tin vào cuộc sống.
Chị Trần Thị Cẩm Bào. |
Là một nữ nhà báo, giữ chức Phó ban thư ký tại Tạp chí Tri Thức và Công nghệ khi đang ở thời kỳ đỉnh cao, ngòi bút sắc bén, thăng hoa, thì tin dữ ập đến với chị. “Cuối năm 2012, khi tắm, tôi phát hiện vùng da ở ngực có màu hồng, nghĩ rằng có chuyện chẳng lành, nên tôi đến bệnh viện để thăm khám. Đến hôm sau tôi nhận được kết luận của bác sỹ là bị ung thư vú giai đoạn 2. Ngày đó là ngày 15/12/2012”, chị Bào vẫn nhớ như in.
Như bao người khác, khi biết bản thân bị mắc căn bệnh quái ác, chị đã từng cảm thấy hoang mang. Nhưng rồi, chị nhanh chóng trấn an bản thân và đón nhận nó một cách nhẹ nhàng như một phần của cuộc sống.
Tháng 1/2013, chị Bào tiến hành phẫu thuật cắt bỏ một bên vú phải. Lúc này, cơ thể chị suy kiệt. “Tôi không ăn uống được gì, khó thở và toàn thân đau nhức, cái đầu trọc lốc, căng thẳng và giảm cân trầm trọng”.
Tới tháng 7/2013, chị xuất viện trong tình trạng khá ổn định. Nhưng đến tháng 3/2016, trong một lần tái khám định kỳ, bác sỹ thông báo các khối u đã bắt đầu di căn sang xương chậu và chỉ định chị phải nhập viện ngay lập tức để tiến hành truyền hóa chất. Sau đó, chị đã phải ngồi xe lăn, không thể đi lại trong suốt 5 tháng.
“Tôi đã nghĩ mình không qua khỏi. Thậm chí tôi đã dặn dò chồng về việc nuôi dạy con, tìm một người thực sự yêu thương anh để tái hôn và chăm sóc con gái khi tôi mất đi. Lúc đó, tôi nghĩ, mình không phải là người đau khổ, mà người đau nhất chính là những người còn ở lại”, chị Bào rơm rớm nước mắt.
Rồi đôi mắt chị bỗng sáng lên, chị kể tiếp: “Nhưng chính lúc đó, con gái tôi nắm tay mẹ và bảo, con không muốn mỗi ngày đi học về, phải tìm mẹ trên bầu trời. Đó là một trong những động lực lớn nhất giúp tôi tiếp tục điều trị và có được sức khỏe, nụ cười cho đến nay”.
Chị Cẩm Bào chia sẻ, trong thời gian nằm liệt giường, sức khỏe ngày càng đi xuống, nhưng chị vẫn vững tin rằng, nếu mình vươn lên, có niềm tin, thì điều kỳ diệu sẽ xuất hiện. “Đó là giai đoạn tôi đau đớn, có cả nước mắt, mồ hôi và nỗi đau mà tôi không thể nào quên. Nhưng tôi tin vào bản thân mình có thể vượt qua và tin vào y học hiện đại”.
Điều kỳ diệu là chỉ sau 5 tháng, sức khỏe của chị Cẩm Bào đã dần bình phục lại, lần thứ 2 trong đời, chị phải tập đi và có thể đứng vững trên đôi chân của chính mình. Đến nay, đã trải qua 53 lần truyền hóa chất, chị Cẩm Bào xúc động: “Tôi sống được là kỳ tích, vì những bệnh nhân ung thư cùng điều trị với tôi ngày đó đã ra đi rất nhiều. Bản thân chứng kiến đồng bệnh ra đi là một nỗi xót xa”.
Khi sức khỏe đã ổn định, có thể tiếp tục làm công việc tại tòa soạn báo, chăm sóc gia đình và tham gia rất nhiều công tác xã hội như bao người khỏe mạnh khác, chị Bào vẫn luôn kể về bí quyết 4 chữ T mà chị đúc kết được để vượt qua căn bệnh ung thư.
Chị chia sẻ: “Chữ T thứ nhất là tinh thần. Người bệnh cần giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, không nên suy sụp, hoảng loạn; chữ T thứ 2 là thể dục, thể thao; chữ T thứ 3 là thuốc, tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của của các y bác sỹ; chữ T thứ 4 là thực dược, cần ăn uống đa dạng, cân đối để đảm bảo sức khỏe”. Trong đó, chị đặc biệt chú ý đến việc “tập luyện thể dục tâm hồn”, luôn giữ cho tinh thần thoải mái.
Hành trình lan tỏa nghị lực cho bệnh nhân ung thư
“Tôi không quan trọng số lượng ngày sống, mà chỉ quan trọng ý nghĩa và chất lượng của một ngày sống, do vậy còn một ngày tôi sống, tôi luôn mong mỏi những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn vơi đi nhọc nhằn” – với tâm niệm ấy, suốt những năm qua, dù bản thân mang bệnh, nhưng chị Trần Thị Cẩm Bào vẫn luôn mạnh mẽ, truyền nghị lực sống cho những bệnh nhân ung thư khác.
Chị Cẩm Bào thăm hỏi, trao quà cho bệnh nhân khác. |
Suốt 5 năm nay, chị luôn coi Bệnh viện Ưu bứơu Hà Nội như ngôi nhà thứ 2 của mình, coi những bệnh nhân ở đây, như chính những người thân trong gia đình, để cùng chia sẻ, giúp đỡ những lúc khó khăn. Chị đã thực hiện nhiều chương trình như trao quà, phát cơm từ thiện, tặng tóc, xe lăn cho các bệnh nhân ung thư. Thường xuyên tâm sự, tìm hiểu về đời sống của những bệnh nhân khác trong viện, hễ thấy ai có hoàn cảnh khó khăn, chị không ngại đi kêu gọi các tấm lòng từ thiện, hảo tâm để họ có thêm chi phí chữa bệnh.
Điều mà chị muốn trao đi, không chỉ là những món quà về vật chất, mà hơn thế, là nghị lực sống và tinh thần lạc quan, yêu đời cho những bệnh nhân đang phải chống trọi với căn bệnh ung thư quái ác.
Ông Vũ Bá Duẩn vẫn nhắc về những bữa cháo ấm lòng chiều 30 Tết của chị Cẩm Bào: “Năm ngoái, 30 Tết, cô Bào vẫn cùng chồng mang bánh kẹo, cháo đến cho mọi người ở bệnh viện. Nhìn cô ấy, chúng tôi cũng thấy cần quyết tâm chữa trị. Cái Tết trong bệnh viện cũng vơi bớt nỗi buồn và cô đơn”.
Còn chị Lê Thị Loan, quê Phú Xuyên, Hà Nội, căn bệnh ung thư phổi đến khi chị không còn trẻ, nhưng vẫn đang ngổn ngang bao nỗi lo toan, gia đình. Chuyển khẩu vào sống trong bệnh viện, có cơ hội được gặp chị Cẩm Bào, chị Loan cũng như nhiều bệnh nhân khác đã dần thay đổi suy nghĩ ung thư là án tử: “Cô Bào nhanh nhẹn, thân thiện, nhìn không giống một bệnh nhân. Ban đầu, khi biết cô ấy từng nằm liệt giường vì di căn, tôi đã rất bất ngờ. Cẩm Bào thường xuyên vào viện tâm sự, chia sẻ với những người bệnh khác trong bệnh viện. Ai gặp khó khăn, cô ấy lại đi tìm các nguồn tài trợ, giúp đỡ để có chi phí chữa bệnh. Nơi nào cô ấy đến, là nơi ấy vui vẻ. Bởi vậy, mà chúng tôi cũng lạc quan hơn và yên tâm điều trị”.
Trong suốt những năm tháng làm thiện nguyện, đồng hành cùng các bệnh nhân ung thư, đến nay, cái tên Trần Thị Cẩm Bào đã trở nên quá đỗi quen thuộc với những người bệnh và đội ngũ y bác sỹ tại Bệnh viện Ung bứu Hà Nội và Bệnh viện K3 Tân Triều.
Sau tất cả, chị Bào tâm sự, điều chị mong muốn nhận lại, không phải là sự biết ơn ở những người đã từng được chị giúp đỡ, mà là được nhìn thấy nụ cười của những người đồng bệnh./.