Cơ chế “vượt trội” để vực dậy tăng trưởng của TP.HCM
VOV.VN - Đánh giá về Nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tạo được động lực phát triển mạnh mẽ cho TP.HCM, “đầu tàu” kinh tế của cả nước.
Bởi vậy, một Nghị quyết mới về TP.HCM không chỉ mang tính đặc thù mà phải đột phá với tinh thần “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM”.
Cực tăng trưởng cả nước đang yếu
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả nổi bật nhưng cũng có nhiều nội dung triển khai còn chậm, hiệu quả chưa cao. Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tiếp tục nêu lên vai trò quan trọng của TP.HCM trong dẫn dắt tăng trưởng vùng Đông Nam Bộ.
GS–TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, mục tiêu, tầm nhìn đặt ra cho TP.HCM tại Nghị quyết 31 là rất lớn: “Để thực hiện được nhiệm vụ đó, với loại hình đô thị đặc biệt, mật độ dân cư đông, là vị trí đầu tàu, là cửa ngõ giao lưu quốc tế thì rất mong tìm ra những cơ chế vượt trội nhất để TP.HCM thực hiện những nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Nghị quyết Bộ Chính trị đã ban hành”.
Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, kinh tế - xã hội của TP.HCM đang ở “xu thế đi xuống”, minh chứng là tốc độ tăng năng suất của TP.HCM có xu hướng giảm, thấp hơn trung bình cả nước. Chính bởi vậy, Nghị quyết mới về TP.HCM phải mang tính đột phá, chứ không phải “đặc thù”.
“Phải nói thẳng là Nghị quyết 54 không đủ sức giải quyết những vấn đề đang đặt ra cho TP.HCM và những yêu cầu với TP.HCM. Riêng TP.HCM đầu đề không phải là cơ chế thí điểm đặc thù mà là cơ chế thí điểm những chính sách, cơ chế đột phá cho TP.HCM, tạo sự lan tỏa phát triển cho vùng Đông Nam bộ và cả nước” - TS. Võ Trí Thành nêu ý kiến.
Trao quyền nhiều hơn
Hiện các địa phương trong cả nước đang vươn lên rất mạnh mẽ trong khi năng suất lao động của TP có phần chững lại... Tuy nhiên, tất cả đều hiểu rằng, TP.HCM còn rất nhiều tiềm năng, còn nhiều lợi thế và tạo điều kiện bằng những cơ chế đột phá thì TP.HCM sẽ bật lên.
Chính bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, Nghị quyết mới về TP.HCM cần tiếp cận theo hướng “trao quyền nhiều hơn, kiểm soát ít hơn”. Muốn thế, lãnh đạo TP.HCM phải có trách nhiệm hơn, sở ngành phải có động lực phụng sự hơn. Đi kèm với đó là sớm đưa Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm vào cuộc sống để công chức, viên chức TP.HCM an tâm cống hiến.
Ông Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá, TP.HCM vẫn luôn là đầu tàu của cả nước, nhưng nếu tạo động lực phát triển thật sự thì tác động của TP.HCM với cả nước sẽ lớn hơn nữa. Con số đóng góp còn lớn hơn nhiều con số 25% cả nước.
“Chúng ta đang dừng ở tư duy hệ thống pháp luật hiện nay giải như thế nào, cố gắng ta lách qua chứ không phải tư duy đột phá vượt trội để chúng ta tạo ra và giữ được cực tăng trưởng mạnh như Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đặt ra. Chúng ta vẫn có thể tạo cơ chế hơn nữa và nếu tạo được điều này TP.HCM sẽ bật lên rất nhiều. Và đó là tham vọng, kỳ vọng của chúng ta về một cực tăng trưởng trong giai đoạn mới này” - ông Phan Thanh Bình nói.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, trong Nghị quyết mới, TP không đặt nặng vấn đề nguồn thu mà đề nghị được thí điểm những cơ chế đột phá, vượt trội. Đó là những việc mà luật chưa quy định hoặc luật có quy định nhưng còn chồng chéo, chưa giải quyết được các vấn đề thực tiễn phát triển thành phố từ đó nhằm khai phóng, huy động các nguồn lực phát triển. TP.HCM xác định, xây dựng nghị quyết với những cơ chế chính sách đột phá, vượt trội không chỉ cho TP.HCM mà còn cho cả nước, vì TP phát triển sẽ đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định: “Phân cấp, phân quyền mạnh hơn, tạo sự chủ động hơn cho TP.HCM trong triển khai các chủ trương trên. Chúng tôi cũng muốn Nghị quyết lần này tạo khuôn khổ pháp lý toàn diện hơn để giúp các sáng kiến, suy nghĩ dám nghĩ dám làm, có cơ sở thực hiện và cán bộ các cơ quan được bảo vệ để làm tốt hơn. Chúng tôi rất kỳ vọng khi nghị quyết ban hành sẽ được tổ chức thực hiện ngay và mang lại các kết quả góp phần giải quyết vướng mắc, tạo sự phát triển cho TP.HCM”.
Hiện TP.HCM đang tập trung cùng Bộ Kế hoạch – Đầu tư và các bộ, ngành Trung ương tham mưu Chính phủ để hoàn thiện trình Quốc hội. Song song đó, TP cũng chuẩn bị các đề án kế hoạch triển khai các nội dung cụ thể để ngay khi Quốc hội thông qua, một số nội dung có thể trình ngay HĐND để triển khai./.