Nắng nóng kéo dài, người dân, doanh nghiệp chủ động tiết kiệm điện
VOV.VN - Cả nước đang bước vào cao điểm mùa nắng nóng, theo dự báo, trong các tháng tiếp theo, nắng nóng tiếp tục kéo dài, phụ tải hệ thống điện quốc gia tiếp tục có xu hướng tăng và nguy cơ thiếu điện có thể xảy ra. Do đó, rất cần sự chung tay của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng điện tiết kiệm.
Trong tháng 4 - 5, trên cả nước đã xuất hiện nhiều đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài. Nền nhiệt có lúc lên tới 39-40 độ C. Năm nay, dự báo nền nhiệt độ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C. Do đó, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao trong thời gian tới. Nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện sinh hoạt.
Việc cung cấp điện trong giai đoạn mùa khô năm 2023 cũng như những năm tới dự báo sẽ khó khăn do nhu cầu sử dụng điện có xu hướng tăng mạnh.
Gần 2 tháng trở lại đây, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) đã chủ động tìm cách cắt giảm bớt điện sinh hoạt. Để tiết kiệm điện, hàng ngày, thay vì bật tất cả hệ thống đèn chiếu sáng vào buổi tối như trước đây, thì nay, nhà chị chỉ sử dụng một nửa hệ thống đèn. Cùng với đó, chị luôn nhắc nhở các thành viên trong gia đình tắt bớt bóng đèn và hạn chế sử dụng các thiết bị làm lạnh. Vào thời gian nắng đỉnh điểm trong ngày hoặc ban đêm khi đi ngủ, gia đình chị chỉ bật điều hòa ở mức 27-28 độ, khi phòng đã mát thì tắt điều hòa đi, chỉ sử dụng quạt điện.
“Tôi đọc báo thấy nói về tình trạng thiếu điện nên tôi luôn nhắc nhở cả gia đình tiết giảm điện đến mức có thể. Cùng với đó là giá điện tăng, nếu không tiết kiệm điện thì chi phí hàng tháng sẽ tăng lên rất nhiều”, chị Hoa nói.
Nắm bắt được thực trạng nguồn cung điện khó khăn trong mùa nắng nóng năm nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã tích cực, chủ động thực hiện nhiều giải pháp cụ thể nhằm tiết kiệm điện trong sản xuất, kinh doanh.
Tổng Công ty May Hưng Yên hiện có 13 nhà máy, 16.000 lao động và 300 dây chuyền may đang hoạt động, chính vì vậy, nhu cầu điện sử dụng điện rất lớn. Để tiết kiệm điện, công ty đã áp dụng nhiều giải pháp cụ thể như: tuyên truyền tiết kiệm điện đến từng người lao động, xây dựng quy trình tiết kiệm điện trong quá trình làm việc. Cùng với đó, thay thế thiết bị điện bằng công nghệ mới tiêu thụ ít điện năng; bật điều hòa ở các không gian chung trên 26 độ; tắt điện tại các phòng không có người sử dụng; hạn chế thiết bị chiếu sáng hành lang và tận dụng ánh sáng ngoài trời để tiết giảm các hệ thống bóng đèn...
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty may Hưng Yên cho biết, để tiết kiệm điện, công ty đã tăng cường dùng điện áp mái, lật mái để thay thế nguồn điện cấp của nhà nước, vì theo dự báo của Quy hoạch điện 8 là miền Bắc sẽ phải đối diện với vấn đề thiếu điện trong thời gian dài.
Hiện nay, các doanh nghiệp may có mái nhà tương đối rộng, Tổng công ty may Hưng Yên định hướng mỗi doanh nghiệp sẽ phải lắp điện mặt trời để tăng cường nguồn điện. Về vấn đề cắt điện luân phiên, căn cứ vào phụ tải của các trạm điện, các đường dây điện, công ty có kế hoạch giảm tải ở một số điểm, cắt giảm điện ở điều hòa trung tâm. Bình thường trong các phân xưởng luôn để nhiệt độ điều hòa khoảng 22-25 độ thì nay tăng lên 28-29 độ. Đồng thời, giảm 1/2 - 1/3 lượng máy chạy điều hòa trong xưởng; Hạn chế thiết bị chiếu sáng hành lang và tận dụng ánh sáng tự nhiên; tắt sớm các biển quảng cáo ngoài trời... Với những giải pháp này, lượng điện tiêu thụ trong xưởng đã giảm đi đáng kể.
“Chúng tôi đang thực hiện cắt giảm điện trong mùa nóng, với những cách thức đã và đang triển khai, công ty giảm được khoảng 20% lượng điện năng. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, điều chỉnh và tắt các thiết bị điện không cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền đến người lao động trong công ty cùng nâng cao ý thức tiết kiệm điện. Qua đó góp phần làm lợi cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh”, ông Nguyễn Xuân Dương nói.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay, trong bối cảnh nắng nóng còn kéo dài thì triển khai tiết kiệm điện là điều rất cần thiết, cần thực hiện ngay và luôn.
Theo ông Ngãi, không những mùa hè năm nay mà mùa hè những năm tới tình trạng thiếu điện vẫn sẽ xảy ra. Từ nhiều năm nay, nước ta không xây dựng được nhà máy bán điện nào. Hiện nay, rất nhiều nhà máy phát điện kể cả đường dây và trạm 500 KV đều chưa thực hiện xong, do vậy, không chỉ năm nay mà các năm tới vẫn thiếu điện nghiêm trọng, trừ khi Chính phủ tạo điều kiện cơ chế chính sách và vốn để hoàn thành các dự án xây dựng điện còn đang dang dở, lúc đó mới tăng được nguồn điện kể cả năng lượng tái tạo. Còn hiện tại thiếu điện là đương nhiên.
“Tiết kiệm điện là quốc sách, việc tiết kiệm điện là vô cùng quan trọng và rất cần thiết. Không chỉ ngành điện mà mọi thành viên trong các gia đình đều phải nâng cao ý thức tiết kiệm điện. Nếu không có giải pháp khắc phục triệt để thì tình trạng thiếu điện vẫn sẽ tiếp diễn. Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần tạo điều kiện cho ngành điện, ngành dầu khí, than - khoáng sản và những ngành hoạt động trong lĩnh vực năng lượng xây dựng thêm nhà máy, xây dựng thêm đường dây và trạm thì khi đó mới khắc phục được tình trạng này”, ông Trần Viết Ngãi cho biết.
Tại Hà Nội, thành phố đã tuyên truyền đến người dân về chủ trương tiết kiệm điện, đảm bảo cung cấp điện giai đoạn hè 2023. Theo đó, đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, tòa nhà văn phòng, trường học, điều chỉnh máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên. Tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng. Khuyến khích sử dụng hoạt động 50% số thang máy tùy theo tần suất phục vụ, khuyến khích di chuyển bằng cầu thang bộ giữa các tầng gần nhau. Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên tại phòng làm việc, sử dụng trang phục phù hợp với điều kiện thời tiết và đảm bảo với quy tắc ứng xử theo quy định trên địa bàn thành phố.
Đối với các cơ sở kinh doanh, thương mại và dịch vụ, điều chỉnh máy nhiệt độ điều hòa từ nhiệt độ 26 độ C trở lên, mở máy điều hòa trễ trên 60 phút và tắt máy điều hòa sớm trên 60 phút so với giờ bắt đầu và giờ kết thúc hoạt động. Tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên các khu vực công cộng; khuyến khích sử dụng 50% số thang máy tùy theo tần suất phục vụ; Tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí, quảng cáo, bảng hiệu từ 22h; Thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải khi có đề nghị từ công ty điện lực địa phương phù hợp với tình hình kinh doanh của đơn vị; Khuyến khích sử dụng máy phát điện dự phòng, điện mặt trời nếu có thể chủ động thêm nguồn cung cấp điện.
Thực tế tại Hà Nội những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua nhiều nơi bị cắt điện từ 8h đến 24h, nhiều gia đình ở các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình, Long Biên… đã đổ xô tới các trung tâm thương mại để nghỉ ngơi. Một số gia đình kết hợp mua sắm, vui chơi và sử dụng phòng chờ làm chỗ tá túc qua trưa. Khu vực ghế ngồi tại trung tâm thương mại luôn trong tình trạng không còn chỗ trống.
Việc cắt điện luân phiên khiến cuộc sống của nhiều hộ gia đình xáo trộn, đặc biệt là vào thời điểm trẻ em đang nghỉ hè và ở nhà cả ngày. Ngoài ra, việc cắt điện cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Người dân, doanh nghiệp mong muốn, ngành điện sẽ có giải pháp điều tiết điện hợp lý, đảm bảo không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của người dân và việc kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp./.