Cảnh sát “gạt tay trúng má” hay “gây thương tích” cho phóng viên?
VOV.VN - Giới phân tích luật cho rằng, nếu “gạt tay” thì cảnh sát hình sự đang ở thế bị động, còn gây thương tích là hành vi của người đang làm chủ tình huống.
Liên quan đến vụ việc Cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh và phóng viên Quang Thế của báo Tuổi Trẻ TP.HCM mà Công an Hà Nội gọi là “xô xát”, chiều 29/9, phát biểu với báo chí, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc – Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an Hà Nội đưa ra kết luận.
Theo quan điểm của cơ quan điều tra: “Qua điều tra đã có thể kết luận chính xác, khách quan đối với sự việc xảy ra xô xát giữa hai bên là có.
Cảnh sát hình sự huyện Đông Anh xô xát với phóng viên Quang Thế - báo Tuổi Trẻ TP.HCM |
Khi đó các lực lượng đang bảo vệ hiện trường, có cả cảnh sát công khai, cảnh sát hiện trường, trinh sát, công an xã, cảnh sát hóa trang cùng các đơn vị nghiệp vụ tổ chức các biện pháp theo chỉ đạo của cơ quan cảnh sát điều tra.
Lúc này, có một số các phóng viên tiến tới hiện trường để tác nghiệp. Lúc bấy giờ cũng không xuất trình được thẻ nhà báo, giấy giới thiệu cần thiết theo yêu cầu của những người bảo vệ hiện trường.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, đồng chí Hưng và Thuyên là cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh đã có yêu cầu. Trong quá trình yêu cầu, giữa hai bên đã xảy ra xô xát.
Đồng chí Hưng có “dùng tay gạt nhà báo Quang Thế trúng vào má” và có hành vi “giơ chân đá, mặc dù không trúng”. Đồng chí Thuyên đưa tay gạt vào một máy quay.
Chúng tôi đã tổ chức đưa nhà báo Quang Thế đi khám thương tích, quá trình khám khẳng định không có thương tích. Nhà báo Quang Thế cũng từ chối yêu cầu đi trưng cầu giám định sức khỏe”.
Hành vi của hai cảnh sát hình sự huyện Đông Anh, Hà Nội bị cơ quan công an xử lý kỷ luật khiển trách và kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Đối với phóng viên Quang Thế thì bị xử phạt hành chính 6 nội dung với tổng số tiền hơn 14,4 triệu đồng.
Trong khi đó, đêm 30/9, báo An ninh thủ đô – cơ quan ngôn luận của Công an Hà Nội đăng tải thông tin “Làm rõ những căn cứ pháp lý trong vụ việc liên quan đến phóng viên và chiến sỹ Công an trên cầu Nhật Tân”.
Bài viết đăng tải biên bản đối thoại giữa lãnh đạo Công an Hà Nội với đại diện báo Tuổi Trẻ, đồng thời có sự chứng kiến của đại diện Hội Nhà báo Việt Nam.
Theo nội dung tại buổi đối thoại, về phía phóng viên Quang Thế được cơ quan điều tra xác định là vào khu vực hiện trường vụ án quay phim, chụp ảnh là vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước; vi phạm các quy định về giao thông trật tự; Khi lực lượng bảo vệ hiện trường ngăn căn không cho vào khu vực hiện trường nhưng vẫn xông vào hiện trường.
Biên bản đối thoại được đăng tải trên An ninh thủ đô |
Về phía Công an huyện Đông Anh, công an xác định Thượng sỹ Ngô Quang Hưng – cán bộ đội Cảnh sát Hình sự có hành vi gây thương tích cho anh Trần Quang Thế.
Xác định Trung tá Nguyễn Văn Thuyên – Đội phó Đội Cảnh sát Hình sự có hành vi dùng tay gạt máy quay phim của một người tự xưng là phóng viên báo Pháp luật Việt Nam….
(Phát biểu kết luận vụ việc của Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - Công an Hà Nội)
Trả lời phỏng vấn VOV.VN, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, diễn biến sự việc mà người ta có thể cảm nhận được bằng mắt thường khi xem các clip đăng tải có nội dung không liền mạch từ đầu đến cuối về vụ việc là thấy rằng, nhiều phóng viên cố gắng tiếp cận khu vực xảy ra một vụ án chưa rõ nguyên nhân.
Trong một clip thì thấy có người mặc thường phục, có người mặc quân phục ra ngăn cản phóng viên không cho tiếp cận. Ở clip khác thì thấy một người mặc thường phục dùng tay đấm vào mặt và đá về phía người phóng viên.
Nghe giải thích từ hai bên trên báo chí thì thấy có những điểm mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, có một điều không khó để nhận ra là có một phóng viên, được biết là anh Trần Quang Thế của báo Tuổi Trẻ, bị một người mặc thường phục, được biết là cán bộ Cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh, đấm vào mặt và đá vào người một cách cố ý chứ không phải vô tình.
Theo luật sư Thanh, nếu phóng viên hoặc bất cứ người nào không có nhiệm vụ mà cố tình xâm phạm làm xáo trộn hiện trường, cản trở việc tiến hành điều tra dù đã được cảnh báo trước thì có nhiều biện pháp đúng pháp luật để xử lý những người này và rất cần thiết phải xử lý nghiêm minh để làm gương.
Trong công tác điều tra hình sự, việc bảo vệ hiện trường được đặc biệt coi trọng vì sự xáo trộn dù nhỏ nhất có thể sẽ làm ảnh hưởng xấu đến công tác điều tra, thậm chí khiến việc điều tra đi vào ngõ cụt.
Nhưng trên phương diện pháp lý, dù phóng viên có sai sót ở điểm nào đi chăng nữa, thì việc đấm, đá họ là điều không được phép thực hiện.
(Phát ngôn chính thức của báo Tuổi Trẻ)
Liên quan đến hành vi “dùng tay gạt nhà báo Quang Thế trúng vào má”, mà trong biên bản đối thoại giữa Công an Hà Nội với báo Tuổi Trẻ được xác định là “hành vi gây thương tích”, Luật sư Nguyễn Ngọc Tấn – Công ty luật Ngọc Tấn và cộng sự - Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, ở đây có sự khác nhau về bản chất. Hành vi “gạt tay” là chẳng may, không mong muốn.
Hành vi “gạt tay” thể hiện cảnh sát hình sự là người bị động. Còn “hành vi gây thương tích”, cảnh sát hình sự Hưng đã làm chủ hoàn toàn hành vi của mình, là hành vi cố ý.
Trong vụ việc này, ông Tấn cho rằng, nếu có sự việc phóng viên thâm nhập hiện trường kể cả có giải phân cách, cơ quan chức năng cũng chỉ có thể yêu cầu phóng viên rời khỏi vị trí. Nếu phóng viên không rời vị trí thì công an mới được tiến hành cưỡng chế.
“Cưỡng chế ở đây là hành vi nhẹ nhàng chứ không phải là đấm đá người ta được”, luật sư Tấn nêu quan điểm.
Phân tích hành ảnh ghi lại sự việc trên báo chí, luật sư Tấn cho hay, đấy là hành vi cố ý, chứ không thể là “gạt tay trúng má”./.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Nói công an 'gạt tay vào má’ phóng viên sẽ chỉ để lại tiếng xấu trong dân
Ngày 30/9, trả lời PV VTC News về kết luận của Công an Hà Nội đối với sự việc phóng viên Báo Tuổi Trẻ bị hành hung trên cầu Nhật Tân, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, chỉ cần đọc thông báo cũng thấy sự biến báo ngôn từ của người có trách nhiệm của Công an Hà Nội.
“Nói thế để giảm nhẹ trách nhiệm của một chiến sĩ công an. Chắc chắn điều này sẽ để lại ấn tượng xấu trong người dân. Lúc này, đáng nhẽ Công an Hà Nội cần thành khẩn, hợp tác với các cơ quan báo chí để tránh những sự việc tương tự có thể xảy ra”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Ông Dương Trung Quốc cho rằng, việc Công an Hà Nội kết luận vụ việc chỉ dừng lại ở việc “gạt tay vào má” phóng viên là chưa thành khẩn, không thể hiện sự thiện chí.
“Chắc chắn thiện cảm của dân mất đi rất nhiều. Cơ quan công an phải gương mẫu chuyện này. Anh cứ nhận sai, xử lý nội bộ và rút kinh nghiệm chứ dùng ngôn từ buồn cười lắm. Tôi không thấy sự thành khẩn, không thấy sự thiện chí ở đây”, đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng có nhiều cách để lực lượng công an bảo vệ cán bộ của mình và việc “xử lý đúng mức cũng là một cách bảo vệ”.
“Thậm chí, nếu bao che thì chính là làm hại cán bộ”, ông Quốc khẳng định.
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng nhận định việc Công an Hà Nội kết luận như vậy sẽ gây phản cảm đối với người dân chứ không gây được thiện cảm.
Do thường xuyên tiếp xúc với nhân dân nên người chiến sĩ công an phải tranh thủ được nhiều thiện cảm nhất từ người dân.
“Mặc dù biết rằng, các đồng chí công an phải làm trong môi trường khó khăn nhưng cách nói của Công an Hà Nội như thế sẽ gây tác động ngược lại”, đại biểu Dương Trung Quốc thêm một lần nhấn mạnh.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng việc hợp tác giữa nhà báo và công an là vô cùng cần thiết và “nếu công an hợp tác với báo chí thì chỉ có tốt cho công việc mà thôi”.
Bên cạnh việc đánh giá về kết luận của công an Hà Nội về vụ việc, đại biểu Dương Trung Quốc cũng bày tỏ băn khoăn về một số chi tiết của vụ việc.
“Vụ việc như thế nhưng không có biển báo cấm chụp ảnh, không có dấu hiệu quy định khu vực cách ly mà gọi ngay đó là khu vực bí mật quốc gia thì tôi nghĩ đó là hơi lạm dụng. Có thể nói là khu vực ảnh hưởng đến việc điều tra thì được chứ nói là bí mật quốc gia thì tôi thấy lạ”, đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ.
Sau sự việc này, ông Quốc cho biết sẽ làm việc với các cơ quan chức năng để làm rõ khái niệm bí mật quốc gia để không có việc lạm dụng khi làm việc của các cơ quan chức năng.
“Một khu vực mà người dân đứng xung quanh, có thể chụp ảnh mà cho là khu vực bí mật quốc gia là chưa phù hợp”, đại biểu Dương Trung Quốc băn khoăn.
Bình luận về hình thức xử lý phê bình và khiển trách với 2 cán bộ cảnh sát hình sự huyện Đông Anh, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng tùy thuộc vào cách đánh giá của Công an Hà Nội.
“Chắc Công an Hà Nội cho đó là mức độ vi phạm nhẹ và phóng viên báo Tuổi trẻ cũng không đặt vấn đề đi kiểm tra sức khỏe nên chỉ xử lý cán bộ như thế. Để đánh giá mức độ kỷ luật thì cần phải xem hành vi đó tác động đến mức độ nào”, ông Quốc nói.
Qua sự việc này, vị đại biểu tỉnh Đồng Nai cho rằng Hội nhà báo Việt Nam, ban biên tập báo Tuổi Trẻ cần phải lên tiếng mạnh mẽ và làm rõ sự việc.
Phóng viên, nhà báo và cơ quan công an cũng cần thực thi đúng trách nhiệm của mình để mục đích cuối cùng tạo ra sự hợp tác chứ không phải tạo ra khoảng cách không đáng có.
Cũng trong sáng 30/9, trả lời PV VTC News, một đại diện của Hội Nhà báo Việt Nam cho biết mới chỉ nhận được thông tin kết luận vụ việc của Công an Hà Nội trên các phương tiện thông tin đại chúng.
"Hiện tại, Hội Nhà báo báo Việt Nam vẫn chưa nhận được văn bản trả lời chính thức từ công an Hà Nội về vụ việc. Ngoài ra, Hội Nhà báo Việt Nam cũng chưa nhận được yêu cầu từ phía báo Tuổi trẻ sau khi có kết luận từ công an Hà Nội.
Sau khi Hội Nhà báo Việt Nam nhận được trả lời chính thức từ công an Hà Nội và kiến nghị của báo Tuổi trẻ thì sẽ có ý kiến về vụ việc”, vị đại diện Hội Nhà báo Việt Nam thông tin.