Những chiến sĩ thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch ở Tây Nguyên
VOV.VN - Tất cả đều hiểu rằng, phải chạy đua với thời gian để cho kết quả xét nghiệm chính xác và nhanh chóng chính là góp phần chặn dịch Covid-19.
Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, vượt lên tất cả những khó khăn đặc thù, trong đó có cả nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh, các y, bác sĩ và nhân viên y tế - những người nơi tuyến đầu chống dịch tại Đắk Lắk đang tạm gác lại cuộc sống riêng tư, ngày đêm lặng thầm cống hiến, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Chiều 30/7, ca bệnh Covid-19 đầu tiên của Đắk Lắk được chuyển tới Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, cũng là lúc ê kíp đầu tiên vào khu cách ly, bước vào cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Chị Lê Thị Bình, Điều dưỡng trưởng khoa nội 2 Bệnh viện lao và bệnh phổi là 1 trong số 54 cán bộ y tế của Bệnh viện, cho biết, qua hơn 1 tuần làm việc trong khu cách ly, bên cạnh nỗi lo thường trực đề phòng lây nhiễm, điều chị luôn cánh cánh là cuộc sống của 2 con nhỏ ở nhà.
“Ngay hôm mình đi, chỉ kịp nói 2 đứa con ở nhà đợi bố về và gọi điện cho bố là mẹ phải đi cách ly không biết bao giờ về. Đến ngày thứ 2 thứ 3, mình mới gọi điện được cho mẹ chồng, lúc đó mình mới nói là 2 vợ chồng con đều phải đi nên 2 đứa cháu con gửi cho mẹ, qua được đợt này thì chúng con về, nếu không thì… 3 ngày đầu không ngủ được tý gì hết, vừa lo dịch bệnh, vừa lo cho gia đình. Nhưng mà đến hôm nay thì tương đối ổn rồi”, chị Bình nói.
Khi UBND tỉnh Đắk Lắk thành lập khu cách ly tập trung thứ 2 tại Trường Đại học Luật Hà Nội - Phân hiệu Đắk Lắk, tiếp nhận các công dân có tiếp xúc gần với người mắc Covid-19, chị Nguyễn Thị Khanh, Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột là một trong những người đầu tiên xung phong đến đây làm việc.
Chăm lo sức khỏe cho hơn 200 công dân tại khu cách ly tập trung, chị cho biết, các y, bác sỹ tại đây được phân làm nhiều ca trực, mỗi ca thực hiện liên tục 6h đồng hồ, mặc những bộ quần áo kín mít, cơ thể lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Điều làm khó cho chị em nhất là trong ca trực không thể uống nước hay đi vệ sinh. Mặt ai cũng hằn lên các vết đeo khẩu trang, người thì mỏi mệt rã rời...
Chị Nguyễn Thị Khanh, tâm sự, nghề nghiệp đã chọn thì phải gắng sức để hoàn thành nhiệm vụ: “Tất cả vì cộng đồng của chúng ta và đây chỉ là góp một phần nhỏ bé vào nhiệm vụ của mình thôi và chúng tôi rất tự hào về việc làm của mình. Trước khi vào đây tôi đã sắp xếp tất cả những công việc của gia đình ổn thỏa để yên tâm vào đây công tác. Con cái của tôi thì hiện tại 2 bạn ấy ở nhà tự chăm sóc nhau vì hai vợ chồng đều trong ngành y”.
Đã nhiều ngày nay, cử nhân Nguyễn Hồng Quân, Phụ trách phòng thí nghiệm hô hấp, Khoa virus, Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên không có ngày nghỉ. Anh cho biết, những ngày qua số lượng mẫu xét nghiệm của các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên gửi về nhiều, 13 anh chị em trong khoa phải làm việc từ 7h sáng đến 10h đêm.
Có những ngày, vừa ra khỏi phòng xét nghiệm, chưa kịp cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, cả êkip lại phải quay vào phòng làm việc vì có thêm mẫu mới. Tất cả đều hiểu rằng phải chạy đua với thời gian để cho kết quả xét nghiệm chính xác và nhanh chóng chính là góp phần chặn dịch Covid-19.
Anh Nguyễn Hồng Quân cho biết, đặc thù công việc các anh đều nắm rõ các biện pháp để bảo vệ mình, tuy nhiên vì còn có định kiến xã hội, vì sự yên tâm của gia đình và hàng xóm nên nhiều cán bộ phải ở lại khoa trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
“Thực ra khi mà làm thì vấn đề an toàn trong phòng thí nghiệm thì chúng tôi luôn luôn đảm bảo, cái khả năng phơi nhiễm hầu như là không có. Nhưng là vì tâm lý người nhà nhiều khi cũng hơi khó nói nên chúng tôi xin lãnh đạo khoa và báo với người nhà là chúng tôi ở trong khoa luôn. Cũng để cho trẻ con nó đi chơi với hàng xóm thì nhiều khi hàng xóm họ cũng đỡ dị nghị”, anh Quang nói.
Hàng ngày trực tiếp đối mặt với dịch bệnh nguy hiểm, đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế tại Đắk Lắk đang tạm gác lại cuộc sống riêng, căng sức làm tốt nhiệm vụ, vì sức khoẻ cộng đồng, vì niềm tin đẩy lùi dịch bệnh./.