Kịch bản chiến tranh hạt nhân nếu NATO can thiệp vào Ukraine
VOV.VN - Kịch bản chiến tranh hạt nhân có thể bắt đầu bằng việc NATO can thiệp vào Ukraine và sau đó cuộc chiến giữa Nga và Mỹ bùng nổ.
Vũ khí hạt nhân và vũ khí theo quy ước khác nhau như thế nào?
Vũ khí lớn nhất mà hiện Mỹ sở hữu trong kho vũ khí phi hạt nhân được gọi là "mẹ của các loại bom" hay bom GBU-43/B (MOAB). Nó có đương lượng nổ tương đương với 11 tấn thuốc nổ TNT, hay 0,01 kiloton. Đây là một vũ khí khá lớn nhưng so với quả bom nguyên tử 15 kiloton thả xuống thành phố Hiroshima trong Thế chiến II thì nó sức công phá nhỏ hơn 1.000 lần.
Đương lượng nổ chỉ là một cách để miêu tả sự khác nhau giữa vũ khí theo quy ước và vũ khí hạt nhân. Theo Giáo sư Steven Starr thuộc Đại học Missouri, vũ khí hạt nhân cũng giống như một phần của Mặt trời. Khi nó phát nổ, bề mặt của quả cầu lửa mà nó tạo ra nóng hơn cả bề mặt Mặt trời và có thể khiến mọi thứ gần nó bốc hơi, đồng thời gây ra những vụ cháy ở các khoảng cách lớn.
Cả Mỹ và Nga đều sở hữu loại vũ khí nữa gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật. Bom Trọng lực Hạt nhân B61 của Mỹ có đương lượng nổ trải rộng từ 0,3 cho tới 50 kiloton. Những vũ khí này đã làm mờ ranh giới giữa vũ khí hạt nhân và vũ khí theo quy ước. Tuy nhiên, vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng rất nguy hiểm bởi các chỉ huy có thể ra lệnh sử dụng chúng trong những trường hợp muốn giành lại ưu thế trên chiến trường. Mỹ có khoảng 100 quả bom B61 tại các căn cứ của NATO hiện nay. Còn theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), Nga có từ 1.000 - 2.000 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược trong kho vũ khí của mình.
Các vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu
Mỹ có các bãi phóng tên lửa ở Ba Lan và Romania, bố trí hệ thống Aegis Ashore. Trong khi hệ thống Aegis được thiết kế để sử dụng trên tàu chiến thì hệ thống Aegis Ashore đặt trên đất liền, nằm cách Nga chỉ 1.300 - 1.600 km, vì thế Nga luôn coi chúng là một mối nguy hiểm. Nếu Nga có các địa điểm bố trí tên lửa nằm cách thủ đô Washington khoảng 1.300km thì có lẽ Mỹ cũng sẽ "đứng ngồi không yên". Aegis Ashore sử dụng hệ thống phóng tên lửa MK41. Đây là một bệ phóng lưỡng dụng bởi nó cũng có thể phóng các tên lửa hành trình Tomahawk.
Đối với Hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS) MK41, các tên lửa được đặt trong các thùng đóng kín nên Nga không thể xác minh loại tên lửa. Việc bố trí các hệ thống tên lửa ở Ba Lan và Romania theo ông Steven Starr thực sự vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung nhưng Mỹ hiện đã rút khỏi hiệp ước này.
Ngày nay, các loại vũ khí hạt nhân chiến lược được phát triển thường mạnh hơn quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima từ 7 - 87 lần.
Thậm chí, có những vũ khí còn lớn hơn như vậy. Nga sở hữu ngư lôi hạt nhân Posideon mà nước này thông báo là có thể mang một đầu đạn có đương lượng nổ là 100 megaton. Ngư lôi này có thể di chuyển với vận tốc hơn 185km/h. Về cơ bản, nó có tầm hoạt động không giới hạn bởi nó chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nó cũng có thể di chuyển ở độ sâu 300 mét dưới nước. Nếu được kích hoạt trên mặt đất, nó sẽ tạo ra một cơn bão lửa trong phạm vi hơn 3.100 km2. Nếu được kích hoạt dưới biển, nó sẽ làm bốc hơi một lượng lớn nước và tạo ra một cơn sóng cao hơn 300 mét di chuyển với vận tốc hàng trăm km/h.
Chiến tranh hạt nhân sẽ diễn ra như thế nào?
Nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân nổ ra, trong 5 - 15 phút, Mỹ và Nga có thể phóng mỗi bên 800 - 1.000 đầu đạn hạt nhân chiến lược. Các tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể mất 30 phút để di chuyển từ Mỹ tới Nga hoặc từ Nga tới Mỹ. Nếu một tàu ngầm đang ở ngoài khơi bờ biển của Nga hoặc Mỹ, vũ khí hạt nhân có thể tấn công mục tiêu này trong 7 - 10 phút.
Nếu quan sát tên lửa trên radar, đối phương sẽ mất 2 - 3 phút để phát hiện cuộc tấn công bằng Hệ thống Cảnh báo Sớm. Mỗi bên sẽ có 30 giây để quyết định sẽ làm gì tiếp theo và có 5 phút để thực hiện phóng tên lửa. Đối với Mỹ, trình tự này sẽ diễn ra như sau: Washington mất 3 phút để phát hiện, xác nhận cuộc tấn công và Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORD) chịu trách nhiệm thông báo việc này. Sau đó, sẽ có một cuộc điện đàm kéo dài 30 giây với Tổng thống hoặc lâu hơn. Nếu Tổng thống ra lệnh tấn công hạt nhân, quy trình này sẽ mất 2 - 3 phút để đưa ra và truyền lệnh phóng. Quá trình phóng ICBM mất khoảng 2 phút. Đối với các tàu ngầm, việc này sẽ mất 15 phút. Nếu cảnh báo tấn công là giả, điều đó sẽ bắt đầu một cuộc chiến hạt nhân.
Hiện nay, Nga và Mỹ đều sở hữu kho hạt nhân khổng lồ dù các kho vũ khí này đã giảm bớt phần nào so với những năm 1980. Hiện Nga có khoảng 6.200 vũ khí hạt nhân với 1.600 vũ khí đã được triển khai trong khi Mỹ có 5.650 vũ khí hạt nhân với 1.700 trong số đó đã được triển khai. Mỹ và Nga có khoảng 11.900 vũ khí hạt nhân, trong khi số lượng vũ khí hạt nhân của tất cả quốc gia còn lại cộng vào là 798 vũ khí.
Cả Mỹ và Nga đều triển khai Hệ thống Cảnh báo Sớm. Vì thế, một cuộc đáp trả hạt nhân sẽ được thực hiện khi Hệ thống Cảnh báo Sớm phát hiện cuộc tấn công hạt nhân của đối phương. Cuộc tấn công đáp trả được tiến hành trong khi tên lửa của đối phương vẫn ở trên không và trước khi bất kỳ vụ nổ hạt nhân nào xảy ra. Nếu cảnh báo hạt nhân là giả, điều đó sẽ khiến cuộc tấn công đáp trả trở thành cuộc tấn công hạt nhân thứ nhất.
Do đó, Mỹ và Nga luôn theo dõi sát sao hoạt động của đối phương. Tại trung tâm chỉ huy NORAD, tất cả màn hình đều hiển thị những hình ảnh tìm kiếm các tên lửa đang được phóng. Nga cũng có một trung tâm chỉ huy tương tự ở Krasnoznamensk luôn đặt trong trạng thái cảnh báo. Một khi các tên lửa được phóng đi, chúng sẽ không thể thu hồi.
Nga và Mỹ sẽ đáp trả nhau như thế nào?
Kịch bản chiến tranh hạt nhân có thể bắt đầu bằng việc NATO can thiệp vào Ukraine và sau đó cuộc chiến giữa Nga và Mỹ bùng nổ.
Theo đó, nhằm đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Mỹ nhắm vào các lực lượng của Nga, Moscow sẽ phóng tên lửa và đánh chìm tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường của Washington trên Biển Đen. 2 máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ cất cánh mang theo bom trọng lực hạt nhân B61. Các vụ nổ hạt nhân đánh chìm tàu Nga trên Biển Đen cũng sẽ xảy ra. Nga có thể sẽ đáp trả bằng cách tấn công vào các mục tiêu của NATO ở châu Âu bằng vũ khí hạt nhân trong khi Mỹ tiến hành cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn nhằm vào Nga. Các hệ thống cảnh báo sớm của Nga sẽ phát hiện ra cuộc tấn công của Mỹ và Moscow sẽ đáp trả bằng cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn nhằm vào Mỹ và châu Âu. Hơn 3.000 vụ nổ hạt nhân sẽ xảy ra trong 1 giờ.
Các cơn bão lửa sẽ thiêu rụi các thành phố lớn của châu Âu, Mỹ và Nga. 150 triệu tấn tro và khói bụi do các cơn bão lửa gây ra nhanh chóng bay lên tầng bình lưu. Tro bụi cũng sẽ ngăn cảnh ánh sáng Mặt trời chiếu tới bề mặt Trái Đất.
Tại Bán Cầu Bắc, 70% ánh sáng mặt trời bị cản lại trong khi 35% ánh sáng bị cản lại ở Bán cầu Nam. Tro bụi sẽ tồn tại ở tầng bình lưu trong ít nhất 10 năm. Điều này sẽ tạo nên thời tiết khí hậu giống như thời kỷ Kỷ Băng hà trên khắp Trái Đất. Nhiệt độ sẽ giảm xuống dưới ngưỡng đóng băng trong 3 năm tới. Các loại thực vật không thể phát triển khiến con người và động vật đứng trước nguy cơ chết đói. Đó thực sự sẽ là một sự kiện tuyệt chủng trên quy mô lớn.
Dù vậy, một cuộc chiến hạt nhân dù là khả năng không thể loại bỏ, song vẫn là viễn cảnh xa vời. Mới đây, ngày 1/12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo, bất kỳ cuộc xung đột nào giữa các quốc gia hạt nhân đều có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện, vì thế cần tránh điều này xảy ra bằng mọi giá.
Mối đe dọa chiến tranh hạt nhân là chủ đề nóng gần đây khi Tổng thống Putin khẳng định hồi cuối tháng 9 rằng sẽ bảo vệ lãnh thổ Nga bằng các phương tiện quân sự và nguồn lực sẵn có. Bình luận của ông đã được phương Tây hiểu là lời cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Tổng thống Putin xác nhận sau đó rằng Moscow thậm chí không muốn đề cập đến vũ khí hạt nhân chiến thuật chứ chưa nói tới vũ khí hạt nhân chiến lược. Trong cuộc họp báo ngày 1/12, ông Lavrov đã nhắc lại học thuyết hạt nhân của Nga, theo đó, việc sử dụng vũ khí này chỉ được cho phép trong trường hợp đáp trả các cuộc tấn công hạt nhân của đối thủ hoặc các cuộc tấn công theo quy ước khiến nhà nước Nga gặp rủi ro./.