Đại biểu Quốc hội: Mức án đề nghị với bác sĩ Lương là không công bằng
VOV.VN -“Khi 1 bản án đưa ra mà có nhiều luồng dư luận thì nên xem xét lại. Danh dự của một con người, mạng sống của bệnh nhân không cho phép sai lầm".
Liên quan đến phiên tòa xét xử vụ chạy thận ở Hòa Bình, bên lề hành lang Quốc hội sáng 24/5, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn đại biểu Bến Tre) chia sẻ, trong khi gia đình các nạn nhân tử vong trong vụ chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đã vượt lên nỗi đau, nhận thức đúng vai trò trách nhiệm của chủ thể; họ tỉnh táo không đồng tình với việc truy cứu bác sĩ Lương, thậm chí họ còn xin cho bác sĩ, mà các cơ quan pháp luật lại truy cứu trách nhiệm bác sĩ Lương là không công bằng.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. |
Vị đại biểu này cho biết, án treo không phải là một hình phạt mà là một trong những biện pháp tư pháp. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa bác sĩ Lương là người có tội trong khi nhìn nhận của xã hội thì bác sĩ Lương vô can.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, cần phải phân khúc rõ ràng rõ đối với các phòng ban khoa của bệnh viện, phải chỉ rõ, phân tách từng ngăn các chức năng nhiệm vụ trong bệnh viện. Riêng giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
“Đã là giám đốc bệnh viện, là người đứng đầu thì phải chịu trách nhiệm. Nhiều người cho rằng việc chúng ta đang bỏ lọt nguyên Giám đốc bệnh viện, thậm chí đang đi nước ngoài và ủy quyền cho một người nhưng cũng không đến phiên tòa thì quả thật đây là điều hết sức đáng buồn”- đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nếu áp dụng mức phạt này với bác sĩ Hoàng Công Lương thì chúng ta không chỉ xâm hại đến quyền lợi của bác sĩ mà còn đang xâm hại đến quyền lợi của người dân đang được bác sĩ phục vụ.
“Nhiều giáo sư, bác sĩ trong ngành y cũng nói với tôi câu chuyện này và họ cũng e ngại, không chỉ chùn tay mà còn rất sợ rằng có thể họ sẽ tiếp tục là những nạn nhân tiếp theo của một việc nhận định, đánh giá, quy kết không công bằng đối với chức năng nhiệm vụ của họ”- ông Nhưỡng cho biết.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng không đồng ý với bản án này và cho rằng phải xử lý đúng người đúng tội. Đồng thời nữ đại biểu này cũng không đồng tình khi Bộ Y tế chỉ được triệu tập với tư cách là người có liên quan.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. |
“Ít ra phải là nhân chứng, nếu không muốn nói là cũng phải chịu trách nhiệm, chia sẻ trách nhiệm với bác sĩ của mình. Còn nhiều bác sĩ điều trị trong ngành nếu nhìn vụ này để làm gương thì họ không còn đủ dũng cảm để làm việc và thấy bất công”- bà Lan nói.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, phải xem xét trách nhiệm của người quản lý. Khi một bản án đưa ra mà có nhiều luồng dư luận, bà Lan mong hệ thống tư pháp nên xem xét lại. Bởi danh dự của một con người và mạng sống của bệnh nhân không cho phép chúng ta sai lầm.
Sáng 23/5, đại diện Viện kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đưa quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với 3 bị cáo trong vụ án 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình.
Trong đó, bác sĩ Hoàng Công Lương bị đề nghị 30-36 tháng tù về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.
Mức án đề nghị được VKS đưa ra dựa trên nhận định là có đủ căn cứ để truy tố bác sĩ này tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng./.
Những diễn biến đáng chú ý ở phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương
“Mức án đề nghị với bác sĩ Hoàng Công Lương là chưa thỏa đáng“