Đường dây bán dâm 25.000 USD: Sao không công khai danh tính người mua dâm?
VOV.VN - Công khai danh tính người mua dâm thay vì người bán dâm sẽ là cách hữu hiệu để hạn chế những đường dây mua bán dâm hàng chục nghìn USD?
Liên quan đến Đường dây bán dâm nghìn USD chấn động showbiz vừa bị triệt phá, nhiều người đặt câu hỏi tại sao không công bố danh tính người mua dâm như một hình thức răn đe, từ đó hạn chế tình trạng mua bán dâm, làm cho xã hội tốt lên.
Đa số ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần phải công khai danh tính người mua dâm để răn đe, không tái phạm.
"Tăng mức xử phạt hành chính đối với người mua dâm, công khai danh tính của người mua dâm đến các đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục, là cách khiến những kẻ mua dâm chùn bước, không dám làm điều sai trái", một độc giả nữ nêu ý kiến.
“Đây là cách tốt nhất để hạn chế tình trạng mại dâm. Mua bán dâm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và hạnh phúc gia đình. Phải có những biện pháp mạnh như vậy mới khiến những kẻ dám bỏ ra cả chục nghìn USD để mua dâm á hậu, MC, người đẹp chân dài kia phải sợ hãi. Đáng ra, nên công bố và phạt tiền người mua dâm, không nên phạt người bán”, độc giả tên Hoàng Vương nêu quan điểm.
Một số ý kiến khác cho rằng, việc bêu tên người mua dâm có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan chịu trách nhiệm phòng chống mại dâm. Dẫu vậy, cần phải cân nhắc cách thực hiện để tránh ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình.
"Phòng chống mại dâm cũng như việc quản lý, điều hành hoạt động xã hội nói chung là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chớ nên dồn trách nhiệm đó lên vai người dân", độc giả Phan Đăng Huỳnh nhận định.
Năm 2014, Hà Nội từng đề nghị công khai danh tính người mua dâm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục.
Đề xuất đó của Hà Nội không được chấp thuận.
Theo đại diện Văn phòng luật sư Đồng đội, việc công khai danh tính người mua bán dâm là vi phạm Hiến pháp năm 2013, gây ảnh hưởng đến đời sống bí mật riêng tư cá nhân gia đình. Nếu bị công khai danh tính, người mua dâm có thể tố cáo hoặc khởi kiện.
"Bộ luật Hình sự năm 2015 không xem hành vi mua dâm là tội phạm, mà chỉ xử lý hình sự đối với hành vi tổ chức, môi giới, chứa chấp mại dâm. Việc công khai tên người mua bán dâm là trái với quy định của Luật xử phạt vi phạm hành chính, bởi luật chỉ quy định phạt tiền, không có quy định công khai danh tính.
Nên việc công khai danh tính của người mua dâm là vi phạm điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho rằng không nên nêu tên người mua dâm vì đây là vi phạm nhỏ, chỉ bị xử phạt hành chính, còn người tổ chức, môi giới mua bán dâm sẽ bị xử lý hình sự.
Theo ông Tuấn, việc truyền thông, báo chí đưa rõ tên người bán dâm lên cũng không sai vì đây là vi phạm hành chính, tuy nhiên nếu là vi phạm dân sự, sẽ có thể bị kiện.
Theo một số luật sư, để tăng tính răn đe, cần cần nhắc điều chỉnh mức phạt nặng hơn nữa dành cho người mua dâm./.
Giữa tin đồn bị bắt vì bán dâm, Á hậu Thư Dung bị thu hồi danh hiệu