Bãi giữa sông Hồng thành công viên sẽ nâng thêm giá trị gì cho Hà Nội?
VOV.VN - Đề xuất cải tạo khu vực bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hoá, du lịch được xem là có cơ sở khi Hà Nội “chốt” được Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng sau 30 năm chờ đợi.
Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, thuộc địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân, với diện tích khoảng 23ha. Thời gian qua, cùng với việc khảo sát để tiếp tục mở rộng các dự án làm sạch sông Hồng trên địa bàn, UBND quận Hoàn Kiếm đang hướng tới mục tiêu phát triển bãi giữa, bãi ven sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch của Thủ đô.
Theo đó, sẽ tập trung khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn.
Ngành chức năng cũng sẽ tôn tạo các không gian xanh, cảnh quan, mặt nước, giải quyết vấn đề lấn chiếm đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, vi phạm trật tự xây dựng, cải thiện vệ sinh môi trường.
“Nếu được phê duyệt và triển khai sớm, bộ mặt đô thị của phường Phúc Tân sẽ thay đổi hoàn toàn, đời sống dân sinh cũng có bước phát triển mới. Bà con có muốn sửa chữa nhà cửa gì còn được cấp phép xây dựng mới, chứ bao năm nay bà con chỉ được cấp phép xây dựng sửa chữa, giữ nguyên hiện trạng...”, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm cho biết.
Thông tin về việc nghiên cứu, cải tạo bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hoá du lịch của quận Hoàn Kiếm đã nhận được sự quan tâm của người dân khu vực ven sông cũng như người dân Thủ đô. Theo ông Nguyễn Văn Tạo, người dân phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, khi bãi giữa và hai bên bờ sông Hồng được quy hoạch, chỉnh trang, xây dựng sẽ tạo diện mạo mới hoàn toàn cho khu xưa nay vực vốn nhếch nhác bậc nhất thành phố.
“Bà con nhân dân chúng tôi rất phấn khởi. Việc có thêm khu công viên sinh thái văn hóa giúp cho chúng tôi có điều kiện sinh hoạt sạch đẹp. Chúng tôi mong quận triển khai càng sớm càng tốt…”, ông Tạo bày tỏ.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, việc đề xuất nghiên cứu, cải tạo bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hoá du lịch của quận Hoàn Kiếm sát với mục tiêu cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, đây là đề xuất có tính pháp lý, kế thừa tất cả các đề án đã có từ trước, nhằm tạo ra sự hấp dẫn mới cho khu vực bờ bãi sông Hồng. Mục tiêu của đề án, trước hết là khai thác tiềm năng quỹ đất, vì khu vực bãi sông Hồng quỹ đất rất lớn, cần được khai thác. Việc xây dựng công viên văn hóa, du lịch ở bãi giữa sông Hồng không chỉ phục vụ mỗi mục tiêu phát triển kinh tế, mà còn nâng cao chất lượng sống của người dân, đồng thời tạo lập trục cảnh quan mang tính đặc thù của Thủ đô Hà Nội.
“Nếu chúng ta có nghiên cứu khai thác hợp lý thì sẽ nâng được giá trị không gian xanh Thủ đô Hà Nội, tạo ra chất lượng sống mới cho người dân, nhất là giới trẻ. Đây là một trong những yêu cầu rất quan trọng bởi quỹ đất trong nội đô rất hiếm. Giải quyết được quỹ đất thế này chúng ta sẽ có đột phá mới về chất lượng sống của người dân và đây là việc nên làm”, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nêu ý kiến.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu), việc xây dựng, hình thành các công trình ngoài đê cần phải tập trung đánh giá, gắn chặt và tuân thủ một cách tuyệt đối quy hoạch thoát lũ, bảo vệ môi trường; những công trình nào được làm và không được làm để có sự ứng xử phù hợp.
Sau nhiều năm chờ đợi, với hàng chục đề án, dự án quy hoạch “trôi trượt”, việc mới đây Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng được coi dấu mốc quan trọng để Thủ đô hiện thực hóa giấc mơ “thành phố hai bên bờ sông Hồng”; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ dòng sông có bề dầy lịch sử, văn hoá này…/.