Hà Nội sẽ sớm hiện thực hóa “thành phố hai bên bờ sông Hồng”?
VOV.VN - Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt là dấu mốc quan trọng trong chiều dài phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thành phố Hà Nội phê duyệt được đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sau 1 năm công bố dự thảo là mốc quan trọng để Hà Nội xử lý những tồn tại trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất khu vực bờ bãi sông Hồng cũng như khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ dòng sông…Đây sẽ là tiền đề để Hà Nội hiện thực hóa giấc mơ “thành phố hai bên bờ sông Hồng”.
Theo quy hoạch được duyệt, phân khu đô thị sông Hồng có quy mô gần 11.000ha, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.
Phân khu đô thị sông Hồng có chức năng chính là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm. Đây cũng được quy hoạch là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch giải trí biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt là dấu mốc quan trọng trong chiều dài phát triển của Thủ đô. Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, từ đồ án phân khu cần tập trung vào đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư, tổ chức thi tuyển ý tưởng những khu chức năng... để sông Hồng thực sự trở thành một trục cảnh quan thiên nhiên và dòng chảy lịch sử tạo nên dấu ấn của nền văn hóa Thăng Long.
“Quan điểm khai thác sông Hồng phải là quan điểm làm thế nào để tổ chức bố cục cảnh quan và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận sông Hồng. Sông Hồng phải trở thành nơi vui chơi, giải trí, văn hóa lớn… Trong quy hoạch này quan trọng nhất là phải làm được 2 tuyến giao thông từ bắc xuống nam sông Hồng. Đó chính là cơ sở pháp lý để tất cả các công trình bám theo mạch sông Hồng”, KTS Trần Ngọc Chính nêu ý kiến.
Phân khu quy hoạch có diện tích khoảng gần 11.000ha, trong đó, sông Hồng chiếm 3.600ha (33%), đất bãi sông trên 5.400ha (50%), phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử lâu đời như xã Bát Tràng, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá....
Việc Hà Nội sớm “chốt” được quy hoạch hai bên bờ sông Hồng không chỉ tạo động lực mới cho thành phố phát triển, “tháo gỡ” được “nút thắt” về thực trạng đô thị còn nhếch nhác, nhộm nhoạm bấy lâu nay, mà còn giúp người dân trong vùng bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống, cải tạo chỉnh trang nhà cửa…
“Theo tôi thành phố nên phối hợp sớm cùng các bộ, ban, ngành nhanh triển khai để đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, giúp cho toàn bộ các phường ngoài sông ổn định, đảm bảo vệ sinh môi trường, đời sống xã hội…”, ông Hồ Văn Liên, trú tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai chia sẻ./.