Hà Lan phát triển vận tải thủy tự lái thân thiện với môi trường
VOV.VN - Nhiều công ty ở Hà Lan đang phát triển các hệ thống vận tải tự lái theo hướng giảm thiểu ô nhiễm không khí, tăng hiệu quả và đảm bảo an toàn.
Chính quyền thành phố Amsterdam (Hà Lan) - nơi có 165 kênh rạch chằng chịt (với tổng số 100 km) và trên 1.500 cầu lớn nhỏ, đã thử nghiệm sử dụng xe buýt không người lái làm phương tiện giao thông công cộng, nhưng cũng không quên các tuyến giao thông đường thủy truyền thống.
Mô hình roboat tự lái do các chuyên gia Viện công nghệ Massachusetts thiết kế. |
Năm 2017, Viện giải pháp đô thị (AMS) bắt đầu thử nghiệm xuồng máy tự động chạy bằng điện, và Amsterdam, nơi hệ thống kênh mương - một trong những cơ sở hạ tầng đô thị chính yếu của thành phố mà ngày nay vẫn đóng vai trò quan trọng trong giải trí và du lịch - là nơi lý tưởng để phát triển phương tiện cải thiện giao thông vận tải đường thủy.
Một dự án với kinh phí 25 triệu euro, kéo dài 5 năm nhằm tạo ra phương tiện giao thông đường thủy mang tên roboat hoạt động độc lập, thân thiện với môi trường do các chuyên gia Viện công nghệ Massachusetts (MTI, Mỹ) phối hợp với Đại học công nghệ Delft, Đại học Wageningen và các viện nghiên cứu của Hà Lan thực hiện.
Các roboat tự lái, chạy bằng điện được thiết kế gọn nhẹ và dễ điều khiển để có thể nhanh chóng tiếp cận tất cả mọi điểm của mạng lưới kênh rạch Amsterdam, dùng để chuyên chở người và hàng hóa, khi cứu trợ thiên tai, giờ cao điểm hoặc dịp lễ hội... Vào các buổi hòa nhạc ngoài trời, có thể ghép roboat lại thành cầu phao (phà), xong lại có thể tách rời ra.
Ngoài dùng vào mục đích thu gom chất thải nổi trên kênh rạch, trục vớt khoảng 12.000 xe đạp bị chìm mỗi năm ở Amsterdam, roboat còn dùng để thu thập dữ liệu về môi trường như chất lượng nước, chất lượng không khí và tiếng ồn. Dữ liệu phản ánh chất lượng không khí và nước ở Amsterdam, và có thể áp dụng ở các nước như Ấn Độ - nơi nước bẩn là một mối đe doạ chết người.
Tháng 8 tới, sau khi trải qua quá trình thử nghiệm, hãng chế tạo tàu thuyền Hà Lan Port-Liner sẽ tung ra 5 chiếc tàu/sà lan tự lái đặc biệt đầu tiên trên thế giới có tên Tesla of the Canals - chạy hoàn toàn bằng điện.
Roboat đang được thử nghiệm trên kênh rạch Amsterdam. |
Theo hãng Port Liner, chi phí cho kíp lái là 3.299 USD/ngày và chiếm khoảng 44% tổng chi phí hoạt động của một chiếc tàu chở container lớn, do đó, tàu tự lái là một lựa chọn tốt để giảm chi phí vận chuyển. Dự án chế tạo tàu chạy bằng ắc quy của Port-Liner được đầu tư 7 triệu EUR từ Liên minh Châu Âu và các cảng thành viên.
Tesla of the Canals sẽ là những tàu vận tải đầu tiên trên thế giới chạy bằng ắc quy trung tính carbon (không thải CO2), có khả năng chạy không cần giám sát, được thiết kế để hoạt động độc lập (được vận hành từ xa). Tàu được trang bị bộ ắc quy dài 6m, đủ cung cấp năng lượng cho con tàu di chuyển suốt chuyến hành trình khi vận chuyển hàng hóa giữa Bỉ -Hà Lan, tối đa lên tới 15 giờ liên tục.
Khi đến cảng container, ắc quy có thể được thay đổi hoặc sạc trong bốn giờ. Các ắc quy được nạp trên bờ bởi nhà cung cấp năng lượng không có carbon Enerco (năng lượng mặt trời, cối xay gió và năng lượng tái tạo khác).
Tesla of the Canals dài 52m và rộng 6,7m, có thể vận chuyển được 24 container và tải trọng tối đa 425 tấn, thay thế cho khoảng 23.000 chiếc xe tải chở hàng tại Hà Lan, và có thể giảm được tới 18.000 tấn khí thải nhà kính mỗi năm. Nhờ không trang bị động cơ, mỗi chiếc có thể vận chuyển thêm 8% hàng hóa.Những chiếc tàu nhỏ sẽ được triển khai giữa Budel (biên giới Bỉ-Hà Lan) và cảng Antwerp, chúng thích hợp cho việc đi lại trên tất cả các kênh Kempen ở Bỉ.
Port-Liner dự định cuối năm nay, sẽ xuất xưởng 6 chiếc tàu khác dài 110 m, rộng 11,4 m, có thể vận chuyển 270 container, chạy bằng ắc quy lớn hơn - trong 35 giờ không phải xạc điện, phục vụ tuyến giữa Rotterdam, Amsterdam, Antwerp và Duisburg. Tất cả các tàu đã được các chủ hàng lớn, các nhà cung cấp dịch vụ logistics và các công ty vận tải container lớn thuê. Năm 2019, 10 tàu khác với kích thước lớn hơn sẽ được đưa vào hoạt động. Port-Liner có thể đóng 500 chiếc mỗi năm.
Hà Lan rất quan tâm và có nhiều kiến thức chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực năng lượng tái sinh và sử dụng hiệu quả năng lượng. Với mục tiêu ngừng bán xe hơi chạy nhiên liệu truyền thống trước năm 2025, xứ sở hoa tulip và cối xay gió đang khuyến khích người dân sử dụng xe điện hoặc hybrid với mục đích cải thiện chất lượng môi trường sống, ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu do hiệu ứng nhà kính mà các dự án roboat và Tesla of the Canals là những bước đi thực tiễn góp phần "xanh hóa" ngành công nghiệp vận tải trong tương lai./. Khuyến khích Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường
Ô tô điện thân thiện môi trường Renault “đổ bộ” vào Việt Nam