PTT Vũ Đức Đam: Chính phủ sẽ ban hành đề án thí điểm cho mô hình mới
VOV.VN - Chính phủ sẽ sớm ban hành đề án thí điểm cho các mô hình mới nhằm sản xuất ra các sản phẩm mới của quá trình chuyển đổi số.
Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp lần thứ tư, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu thuộc 3 nước dẫn đầu Khu vực Đông Nam Á.
"Để thực hiện được mục tiêu này, Nghị quyết số 52 cũng đề ra 8 chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Chính phủ cũng sẽ phải ban hành các đề án thí điểm cho các mô hình sản xuất nhằm tạo nên các sản phẩm mới", Phó Thủ tướng cho biết thêm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn cấp cao Công nghiệp lần thứ tư - Industry 4.0. |
Theo Phó Thủ tướng, từ năm 2017, 2018 trong các Nghị quyết điều hành đầu năm của Chính phủ như Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 đều giao cho các bộ ngành và việc này tùy vào các sản phẩm, dịch vụ đặc thù, thì những bộ ngành phụ trách các lĩnh vực đó phải có trách nhiệm xây dựng cụ thể.
"Rất khó có thể có một đề án bao quát toàn bộ, hoặc dù có thì cũng vẫn cần sự tham gia của các bộ ngành xử lý những mô hình cụ thể, cần tất cả các bộ ngành phải cùng vào cuộc. Và đúng như Thủ tướng Chính phủ nói năm ngoái, Việt Nam đã nhìn nhận chuyển đổi số một cách chiến lược và các chiến lược này bây giờ đã được thể hiện bằng Nghị quyết Bộ chính trị", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng vĩ đại của loài người và đây là lần đầu tiên loài người bước vào một thế giới khác. Sẽ xuất hiện kinh tế số và xã hội số. Và chỉ lúc này thì các công nghệ số mới phát huy hết sức mạnh của nó, bao gồm cả sức mạnh xây dựng và sức mạnh huỷ diệt.
"Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Tuy nhiên, Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh", Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, năm nay, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Các yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh, được đầu tư trước, sẽ đi trước, phải có thứ hạng cao trên thế giới, phải nằm trong Top 50 vào năm 2025 và Top 30 vào năm 2030. Chúng ta nhấn mạnh 5 yếu tố nền tảng bao gồm: Thể chế, Hạ tầng, An ninh mạng, Platform và Đào tạo.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại diễn đàn. |
Cụ thể, về thể chế thì quan trọng nhất là chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, là sự chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, các mối quan hệ mới trong thế giới ảo. Đi đôi với việc bảo vệ các giá trị căn bản của nhân loại, của văn hoá Việt Nam, luôn lấy con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số.
"Cái mới thì chưa biết nên cũng không thể biết cách quản lý, do vậy cơ chế sandbox - tức là cho thí điểm, nhưng giới hạn trong một không gian và thời gian nhất định, là cách tiếp cận cái mới tốt nhất mà Nghị quyết 52 đã chỉ ra", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.
Về hạ tầng thì quan trọng nhất là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT và làm chủ các công nghệ nền tảng của chuyển đổi số như IoT, Big Data, AI. Rất nhiều công nghệ mới đang xuất hiện cho phép Việt Nam chuyển đổi nhanh chóng hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT thế hệ mới. Và không chỉ là việc mua công nghệ và thiết bị mà còn là cơ hội cho Việt Nam làm chủ công nghệ và sản xuất thiết bị hạ tầng ICT.
Bộ trưởng cho rằng nếu chúng ta coi mục tiêu của chuyển đổi số là phát triển quốc gia hùng cường, động lực của chuyển đổi số là thể chế, là công nghệ và đổi mới sáng tạo thì tiền đề của chuyển đổi số chính là an toàn, an ninh không gian mạng.
"Việt Nam muốn dựa vào chuyển đổi số để phát triển thành quốc gia hùng cường thì Việt Nam phải là cường quốc về an ninh mạng để đảm bảo an toàn cho quá trình này, tạo niềm tin số cho mọi người", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Quá trình chuyển đổi số quốc gia bao gồm chuyển đổi số Chính phủ, chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số xã hội. Muốn đi nhanh thì Chính phủ phải đi đầu. Trên cơ sở đó, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã yêu cầu Chính phủ phải đi tiên phong trong chuyển đổi số./. Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để Việt Nam bứt phá
Ba nền tảng xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng 4.0