“Nổ” là Anh hùng và cán bộ cấp cao, đưa nhiều người sập bẫy lừa
Tự giới thiệu là cán bộ cấp cao trong quân đội, công an, đại biểu Quốc hội, Hưởng và Nhứt đã lừa đảo nhiều người, chiếm đoạt của 8 bị hại hơn 8 tỷ đồng.
Ngày 2/12, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra cáo trạng truy tố 2 bị can gồm: Nguyễn Thiên Hưởng (tức Nguyễn Văn Bảy, Bảy cụt), 65 tuổi, đăng ký nhân khẩu thường trú TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (không có nơi ở nhất định) và Trần Văn Nhứt (tức Út Nhất), 58 tuổi, trú tại xã Phú Hoà Đông, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị can Nguyễn Thiên Hưởng tại cơ quan điều tra. |
Cáo trạng nêu, trong thời gian từ tháng 12/2008 đến tháng 12/2013, bằng thủ đoạn khi tiếp xúc với nhiều người Hưởng và Nhứt thường tự giới thiệu là cán bộ cấp cao trong quân đội, công an và đại biểu Quốc hội đã được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang có nhiều quan hệ quen biết từ trung ương đến địa phương nên có khả năng xin được việc làm, mua hộ đất dự án, chạy chức vụ…
Cụ thể 2 bị can nêu trên đã lừa được 8 bị hại tại TP Hà Nội và các tỉnh Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Đồng Nai. Cơ quan tố tụng xác định bị can Hưởng đã chiếm đoạt của 3 bị hại với số tiền là 1,55 tỉ đồng. Trong số này, đáng chú ý có ông Phùng Minh L. trú tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (thời điểm đó là phó trưởng khoa y dược trường Đại học Tây Nguyên) bị lừa 1 tỉ đồng.
Trong quá trình tiếp xúc, Hưởng cho biết sẽ giúp ông L. giữ chức vụ cao hơn trong ngành y tế của tỉnh Đắk Lắk nhưng với điều kiện phải có chi phí. Ban đầu Hưởng ra giá 400 triệu đồng.
Ngày 22/3/2013, Hưởng yêu cầu ông L. chuyển cho mình trước 200 triệu đồng, do tin tưởng sẽ được giúp nên ông L. đã trực tiếp đưa số tiền này cho Hưởng tại nhà.
Ngày 12/11/2013, Hưởng gọi điện cho ông L. thông báo công việc đã xong và phải mang tiền ra Hà Nội để cám ơn. Tối hôm đó, ông L. ra đến Hà Nội thì được Nhứt báo đến một khách sạn trên phố Lê Đức Thọ. Khi gặp, Hưởng “nổ” đã nhờ được một cán bộ cấp cao giúp đỡ và chỉ cần đem tiền đến cám ơn.
Ngày 13/11/2013 Hưởng và Nhứt hẹn ông L. cùng nhau ra ngân hàng để rút 800 triệu đồng trong tài khoản của ông L. Sau khi rút tiền, Ông L. đã đưa 800 triệu đồng cho Hưởng và thắc mắc trước đây thoả thuận chỉ có 400 triệu đồng mà bây giờ lại lên đến 1 tỉ đồng. Hưởng trả lời do công việc “chạy” này rất khó khăn nên phải tăng giá. ..
Chiều cùng ngày, ông L. muốn Hưởng đưa đi gặp người đã giúp mình nhưng Hưởng và Nhứt đưa ông L. lên xe ô tô đi lòng vòng trong phố ở Hà Nội.
Để ông L. tin tưởng, thỉnh thoảng Hưởng và Nhứt lại điện thoại nói là người này, người kia bận họp nên không gặp được ai nhưng trấn an là “cứ yên tâm, mọi việc để chúng tôi lo”.
Sáng hôm sau ông L. trở về thành phố Buôn Ma Thuột. Sau khi nhận tiền của ông L. Hưởng không làm bất cứ việc gì như đã hứa hẹn. Thời gian sau ông L. không thấy được bổ nhiệm chức vụ cao hơn nên đã làm đơn tố cáo.
Đối với Trần Văn Nhứt, theo cáo trạng bị can này đã chiếm đoạt của 2 bị hại với tổng số tiền hơn 4,5 tỉ đồng cũng với thủ đoạn tương tự. Trong đó đáng chú ý, ông Trần Văn T. đã bị Nhứt lừa và chiếm đoạt hơn 2,7 tỉ đồng.
Tháng 6/2014, thông qua mối quan hệ xã hội, Nhứt biết bà Nguyễn Thị Ng. ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Qua đó, Nhứt thông tin với bà Ng. là đang công tác ở Bộ Công an rồi đưa cho bà xem thẻ công an giả.
Ngày 9/11/2014, ông T. là Giám đốc một trung tâm… cùng với một số nhân viên trong trung tâm thông qua sự giới thiệu của bà Ng. đã gặp Nhứt để nhờ vả xin được cấp phép xây dựng một ngôi chùa. Nhứt hứa sẽ xin được giấy phép do Thủ tướng cấp, mọi người tin tưởng Nhứt sẽ làm được.
Từ ngày 20/11 đến ngày 24/12/2014, ông T. và một số người của trung tâm đã nhiều lần chuyển tiền cho Nhứt với tổng cộng số tiền Nhứt đã nhận là hơn 2,7 tỉ đồng.
Ngoài ra hai bị can Hưởng và Nhứt còn chiếm đoạt của 3 bị hại khác với tổng số tiền là 2,13 tỉ đồng. Như vậy, tổng số tiền hai bị can này chiểm đoạt của 8 bị hại là hơn 8 tỉ đồng./.
Ba đối tượng U70 cầm đầu đường dây lừa đảo