“Về nhà đi con” trĩu nặng tấm lòng người cha già “gà trống nuôi con”
VOV.VN -Hình ảnh ông Sơn và những khoảng trống với cảnh “gà trống nuôi con” đầy bao dung trong phim “Về nhà đi con” đã chạm đến trái tim khán giả.
Nếu như những thước phim về cuộc hôn nhân thăng trầm của Huệ (Thu Quỳnh) - Khải (Trọng Hùng) cùng những lần thách thức, "đấu khẩu" không hồi kết của Thư (Bảo Thanh) - Vũ (Quốc Trường) rồi tính cách bưởng bỉnh, khó bảo của cô con gái út Ánh Dương (Bảo Hân) mang đến nhiều cảm xúc thì câu chuyện về ông Sơn (NSƯT Trung Anh) - người đàn ông chấp nhận cảnh "gà trống nuôi con" trong bộ phim "Về nhà đi con" lại khiến khán giả phải thổn thức.
Sự hy sinh, thầm lặng và luôn bao dung của ông Sơn
Câu chuyện gia đình trong bộ phim "Về nhà đi con" khắc họa sinh động đời sống gia đình người Việt hiện đại trong một xã hội phát triển quá nhanh chóng, khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng lớn, mâu thuẫn gia đình cũng vì thế mà càng trở nên phức tạp hơn.
Trong phim, NSƯT Trung Anh vào vai ông Sơn - người đàn ông trung niên làm nghề lái xe. Vì hai lần sinh nở đầu tiên, vợ toàn sinh con gái nên ông luôn khao khát có được con trai để nối dõi tông đường. Nhưng không may, vợ ông đã mất khi đẻ con gái Ánh Dương ngay trong bệnh viện. Từng có tư tưởng trọng nam khinh nữ nhưng sau khi thấm thía nỗi đau mất vợ do sự bảo thủ của bản thân, ông Sơn đã thay đổi quan điểm sống. Ông không đi thêm bước nữa mà quyết ở vậy để chăm sóc, nuôi nấng các con khôn lớn, trưởng thành.
Thế nhưng, trong cuộc sống, không phải điều gì cũng diễn ra theo ý muốn. Trong cuộc đời vừa làm cha vừa làm mẹ của mình, ông Sơn chưa bao giờ hết lo lắng cho các con. Kinh nghiệm của người cha dù nhiều đến đâu cũng không thể giúp ba cô con gái tránh khỏi sai lầm và những vấp ngã trên bước đường đời vốn lắm chông chênh. Ông liên tục rơi vào những tình huống bị thử thách trước những tin không hay liên quan đến các con của mình.
Nghệ sĩ Trung Anh đảm nhận vai ông Sơn trong phim "Về nhà đi con" |
Cụ thể, con gái cả tên Huệ, mặc dù là người khiến ông Sơn ít phải lo lắng nhất nhưng những sóng gió trong cuộc hôn nhân của cô đã khiến người cha già phải bạc đầu vì những suy nghĩ thầm lặng. Biết con giấu mình câu chuyện về người chồng vũ phu, mang hết tài sản trong nhà đổ vào sới bạc, thậm chí xô ngã vợ đến mức sảy thai, một mặt ông Sơn đã an ủi con gái rằng, "Hạnh phúc của con còn quan trọng hơn nỗi buồn của người khác. Chỉ cần con quyết định thế nào, bố cũng ủng hộ" nhưng mặt khác, ông đã "dằn mặt" con rể theo cách của riêng mình.
Con gái thứ hai Anh Thư là người được ông Sơn yêu quý vì sự khéo léo, thông minh và yêu thương bố vô bờ bến. Có lúc hai bố con giận nhau, Thư bị tát vì nói quá vụ việc hiểu lầm bố có tình cảm với cô hàng xóm. Để hóa giải hiểu lầm, ông Sơn khẳng định: "Nếu ở một trường hợp nào đó mà bố phải lựa chọn giữa mong muốn của cá nhân mình với các con, bố luôn lựa chọn các con".
Ông Sơn luôn bao dung, dang rộng vòng tay bảo vệ cho các con. |
Không dừng lại ở đó, sau khi nhận cú "sốc" Anh Thư mang bầu và con gái ngày càng suy sụp, bế tắc, thậm chí có ý định đi phá thai, ông Sơn như ngồi trên đống lửa vì lo lắng cho con và sinh mệnh của đứa trẻ chưa kịp chào đời. Thay vì trách mắng, nhiếc móc, ông Sơn lại chính là bờ vai, chỗ dựa cho con tựa vào.
Chưa bao giờ yếu đuối, gục ngã, ông Sơn vẫn cố gắng tạo cho con gái một khoảng không gian chỉ ngập tràn niềm vui và sự thoải mái nhất có thể. Để rồi đằng sau đó, ông ngồi câm lặng ngoài vườn uống rượu trong bóng tối, lững thững đi lại trong căn phòng đơn độc, đăm đắm nhìn vào di ảnh người vợ quá cố với nỗi lòng khó chia sẻ. Giây phút bế tắc, đau đớn trong lòng của một người cha đơn độc mỗi đêm đau đáu vì suy nghĩ như được đẩy lên đến cao trào của cảm xúc, lấy đi nhiều nước mắt của khán giả.
Khi biết "tác giả" làm cho Anh Thư mang bầu là Vũ và thấy anh chàng này kiên quyết không chịu nhận đứa bé, lại năm lần bảy lượt yêu cầu Thư đi phá thai, ông Sơn không những không trách mắng mà còn bao dung, dang rộng vòng tay yêu thương, che chở mẹ con Thư.
Không những thế, ông Sơn còn hẹn gặp riêng Vũ nói chuyện. Ông nói cho Vũ nghe nỗi lòng của mình và kể cho Vũ nghe về tuổi thơ của Thư. Lúc này, Vũ phần nào hiểu được con người Thư không xấu xa như anh vẫn nghĩ. Thư không hề có ý dùng đứa bé để lợi dụng moi tiền gia đình Vũ.
Đỉnh điểm của cao trào chính là lúc ông Sơn vào viện thăm ông Luật. Thay vì trách móc, "bắt vạ" nhà trai phải cưới, ông Sơn chỉ nói: "Mấy hôm mất ngủ, tôi mới thấy mong muốn của mình thật đơn giản, mong cho nó hạnh phúc, nhưng hạnh phúc thật sự không thể đo bằng tờ hôn thú. Việc của bọn trẻ để chúng nó tự giải quyết, tôi với ông không để bất cứ lý do gì ảnh hưởng đến sức khỏe. Nghĩ tích cực ra, chúng ta có chung một đứa cháu".
Còn với Ánh Dương, lúc đầu ông Sơn tỏ ra khắt khe và nghiêm khắc nhưng sau khi hiểu được suy nghĩ của con gái út, ông Sơn đã xin lỗi và hứa sau này, khi có chuyện gì ông sẽ lắng nghe con trước. Dù có hiểu lầm hay gặp nhiều sóng gió, ông Sơn vẫn luôn yêu thương và che chở các con. Ông dạy Ánh Dương phải biết bao dung, vị tha. Lời răn dạy của ông Sơn là bài học đắt giá để Ánh Dương trưởng thành, nhìn nhận sự việc thấu đáo, chín chắn hơn.
Ông Sơn – “ông bố quốc dân” trong lòng khán giả Việt
Trong phim “Về nhà đi con”, ba cô con gái của ông Sơn mỗi người một phận, nhưng dù bất hạnh ở đâu thì đằng sau vẫn luôn có một ngôi nhà với người cha luôn dang tay chào đón các con trở về sau những vấp ngã. Thương con, yêu con, khuyên bảo con điều hay lẽ phải là vậy nhưng ông Sơn chưa bao giờ nhu nhược, câm lặng khi các con bị “bắt nạt”. Khi chứng kiến Khải đánh Huệ, Vũ xúc phạm Thư, ông lập tức lên tiếng, ép con gái đầu lòng phải ly hôn, còn con gái thứ 2 sinh em bé mà không cần bất cứ trách nhiệm gì từ phía Vũ.
Nghệ sĩ Trung Anh nhận được nhiều lời ngợi khen cho vai ông Sơn trong phim "Về nhà đi con". |
Tình phụ tử trong phim “Về nhà đi con” đã lấy rất nhiều nước mắt và sự đồng cảm của khán giả, khi ông Sơn luôn tâm niệm rằng: "Giờ bố chẳng có gì ngoài sự già nua, giáo điều, lẩm cẩm, nhưng bố còn tình yêu và một ngôi nhà để bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về"... Sau tất cả những biến cố, cuối cùng, 3 cô con gái của ông Sơn đều nhận ra hạnh phúc lớn nhất mà họ có được chính là một người bố luôn sẵn sàng bao bọc và nói “Về nhà đi con” bất cứ khi nào họ cần một mái ấm.
Chẳng vậy mà, trên trang fanpage của phim “Về nhà đi con”, hình ảnh ông Sơn và tình yêu của một người cha thầm lặng, dõi theo sự trưởng thành của các con đã khiến nhiều người phải rơi nước mắt vì cảm động. Độc giả có tên Thúy Nhi cho biết, “Thật sự cảm động với tấm lòng của bậc làm cha mẹ, quan tâm tới hạnh phúc của con cái hơn là danh dự, sĩ diện của gia đình. Ông Sơn không sợ mất mặt với người đời mà chỉ sợ những cô con gái của ông không hạnh phúc. Thật cảm phục”.
Đồng quan điểm đó, một độc giả khác có tên Bùi Thu Trang thừa nhận, “Lâu lắm rồi mình mới theo dõi 1 bộ phim truyền hình hay đến như vậy. Bố Sơn trong phim là 1 người bố thật tuyệt vời. Ngưỡng mộ bác! – ông bố quốc dân”.
Độc giả khác có tên Dương Kim Liên bày tỏ, “Mình thích nhân vật bố Sơn nhất, đúng là một người bố tuyệt vời, hy sinh, chịu đựng và luôn đồng hành cùng các con. Lời thoại của ng bố này rất sâu sắc, xem mà cứ chảy nước mắt vì thương”.
Bên cạnh đó, rất nhiều độc giả dành lời ngợi khen cho diễn xuất của nghệ sĩ Trung Anh với vai diễn ông Sơn một cách hoàn hảo. Độc giả có tên Mai England chia sẻ, “Đạo diễn lựa chọn diễn viên tuyệt vời, hình ảnh khắc khổ suy tư dằn vặt lo lắng đôi khi chẳng cần một câu thoại nào cũng đủ để khán giả chảy nước mắt, cảm giác quen thuộc. Không thoại mà sức nặng thể thiện tâm lý nhân vật còn mạnh mẽ hơn rất nhiều việc gào, thét,... Bác Trung Anh thật tuyệt vời, một vai diễn vô cùng hoàn hảo”./.