Quảng Ninh khánh thành công trình cấp điện lưới quốc gia ra Đảo Trần
VOV.VN - UBND tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Lễ gắn biển công trình Cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần, huyện Cô Tô và đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà (giai đoạn 2).
Ngày 2/9, tại thôn Đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ gắn biển công trình Cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần, huyện Cô Tô và đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh (giai đoạn 2). Đây cũng là công trình chào mừng đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ 15, giúp tỉnh Quảng Ninh hoàn thành mục tiêu cấp điện cho 100% hộ dân trên địa bàn (kể cả khu vực hải đảo).
Giai đoạn 2 của Dự án đưa điện lưới quốc gia từ xã Vĩnh Thực (thành phố Móng Cái) ra thôn Đảo Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô) có tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Đây là công trình có địa hình thi công phức tạp, nhất là trong việc vận chuyển thiết bị, tập kết vật tư. Với quyết tâm chính trị và nỗ lực của các đơn vị thi công, sau 7 tháng (từ tháng 1/2020), công trình đã hoàn thành bao gồm việc xây dựng mới gần 20km đường dây trung áp 22kV, trong đó có trên 13,5 km cáp ngầm dưới biển; xây dựng các trạm biến áp và đường dây hạ áp 0,4 kV trên bờ, lắp đặt hệ thống đo đếm điện năng… bảo đảm cấp điện lưới quốc gia phục vụ nhân dân và cán bộ chiến sỹ trên đảo.
Chị Ngần Thị Minh, giáo viên đang dạy học trên đảo không giấu nổi niềm vui chia sẻ: “Có điện, người dân ở đây sẽ phát triển hơn rất nhiều và gieo cho họ hy vọng làm giàu. Ánh điện về cũng tạo điều kiện mang tri thức đến cho các em học sinh, tạo điều kiện để các em được hưởng chương trình học tốt nhất”.
Việc đầu tư xây dựng điện lưới quốc gia cho đảo Trần, huyện Cô Tô có ý nghĩa hết sức to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và hoàn thành mục tiêu cấp điện cho 100% hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (kể cả khu vực hải đảo).
Ông Trần Như Long, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, cho biết: “Với hạ tầng đã được đầu tư, chúng tôi sẽ cố gắng động viên bà con nâng cao giá trị các sản phẩm thủy hải sản của mình, tiếp cận với những công nghệ dây chuyền để nâng cao năng suất, phát triển kinh tế. Chắc chắn tới đây, đảo Trần sẽ là điểm đến và thu hút rất nhiều người dân làm ăn và định cư tại đây, điều đó sẽ đặt ra thách thức với Cô Tô về việc quản lý đất đai, xây dựng đô thị hay tài nguyên môi trường, an ninh trật tự… Tôi tin rằng, với truyền thống giữ đất giữ đảo cũng như truyền thống của người dân Cô Tô nói chung và Đảo Trần nói riêng, bà con sẽ yên tâm bám biển, bám đảo và làm tốt hơn công tác bảo vệ lãnh thổ chủ quyền biên giới biển đảo của Tổ quốc”./.