PTT Vương Đình Huệ: Nâng cao kinh tế tập thể lĩnh vực phi nông nghiệp

VOV.VN - Không đưa cuộc sống vào pháp luật, không đưa cuộc sống vào Nghị quyết thì pháp luật và Nghị quyết không thể đi vào cuộc sống.

Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp diễn ra hôm nay (30/9) tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã Vương Đình Huệ nêu rõ, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN).

Sau 15 năm triển khai Nghị quyết 13, kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Việc thực hiện Nghị quyết 13 giúp các hợp tác xã thoát khỏi tình trạng yếu kém. Tính đến năm 2018, cả nước có hơn 64.000 tổ hợp tác, trong đó thành lập mới trên 8.700 hợp tác xã phi nông nghiệp. Đặc biệt là vốn điều lệ tăng gấp 5,2 lần đạt hơn 18.400 tỉ đồng…

Theo các đại biểu, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và pháp luật về kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức về bản chất, nguyên tắc, chủ trương, chính sách và pháp luật hợp tác xã còn hạn chế, chưa nắm bắt được các vấn đề thực tiễn và xu hướng phát triển. Số lượng các loại hình kinh tế tập thể còn thấp so với nhu cầu và tiềm năng liên kết, hợp tác, phát triển trong ngành công nghiệp và dịch vụ…

Để đạt mục tiêu đến năm 2030, số lượng các loại hình kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng trưởng từ 8% đến 15%; có 260.000 Tổ hợp tác, 25.000 hợp tác xã và Liên hiệp hợp tác xã; thu hút 8 triệu thành viên và tạo việc làm cho 4,5 triệu lao động; Cán bộ điều hành hợp tác xã được đào tạo và có năng lực quản trị, các thành viên và người lao động được phổ biến kiến thức và đào tạo nghề; vốn điều lệ tăng 10%/năm; 80% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả… các đại biểu đề xuất, tiếp tục nâng cao nhận thức hơn nữa về vai trò quan trọng của kinh tế tập thể; tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành nhằm củng cố và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời kỳ mới.

“Củng cố, đổi mới, phát triển hợp tác xã cả về số lượng và chất lượng, khắc phục những yếu kém, phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở tôn trọng, đảm bảo các nguyên tắc, giá trị hợp tác xã”, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa nêu quan điểm.

Theo ông Quyền, các chính sách ban hành ưu đãi nhưng khi tiếp cận nguồn lực để thực hiện là rất khó. Để cho hợp tác xã hoạt động đúng phương án sản xuất kinh doanh thì phải có năng lực về tài chính và phải có các điều kiện cần thiết và đảm bảo thì những vấn đề này còn gặp khó khăn.

“Trong lĩnh vực nông nghiệp còn làm được những khâu dịch vụ cho nông dân, kinh tế hộ để đảm bảo phát triển nông nghiệp nhưng đối với phi nông nghiệp bản thân họ không tự làm và hoạt động theo đúng các quy luật kinh tế thì rất khó”, ông Quyền cho hay.

Đánh giá cao những nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương trong phát triển của kinh tế tập thể và hợp tác xã nói chung, lĩnh vực phi nông nghiệp nói riêng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, kinh tế tập thể, hợp tác xã nói chung và hợp tác xã phi nông nghiệp nói riêng vẫn chưa tương xứng tiềm năng, cần có các giải pháp căn cơ, lâu dài để khắc phục những tồn tại, hạn chế vượt qua thách thức.

Theo đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về phát triển kinh tế tập thể; hàng năm tổ chức tiếp xúc giữa chính quyền với các hợp tác xã phi nông nghiệp để đánh giá hiệu quả hoạt động, nắm bắt khó khăn, vướng mắc.

Đồng thời, kiện toàn, tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã, tạo sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, phân tán trong quản lý Nhà nước…

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển hợp tác xã phi nông nghiệp mà địa phương có tiềm năng, lợi thế; ưu tiên thực hiện hiệu quả một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp để phát triển.

Đặc biệt, các sở, ngành phải thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động của kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các hợp tác xã.

Phó Thủ tướng nêu rõ, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và các loại hình trong lĩnh vực phi nông nghiệp chắc chắn có sức sống mới cùng với thực hiện Chương trình "Mỗi xã phường một sản phẩm - OCOP" sẽ đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng, giải quyết việc làm, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

“Trong Nghị quyết 13 đã nói là đánh giá hiệu quả của kinh tế tập thể và hợp tác xã không chỉ đơn thuần về mặt kinh tế mà kể cả về kinh tế, chính trị - xã hội cả về vấn đề phát triển bền vững của đất nước. Không chỉ đánh giá thực trạng mà quan trọng là tới đây chúng ta tiếp tục thực hiện Nghị quyết như thế nào và thể chế hóa chủ trương của Đảng thành pháp luật và chính sách và đưa luật pháp và chính sách vào cuộc sống như thế nào”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

“Không đi vào thực tiễn cuộc sống, không đưa cuộc sống vào pháp luật, không đưa cuộc sống vào Nghị quyết thì pháp luật và Nghị quyết không thể đi vào cuộc sống được. Đây là chân lý”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phát triển kinh tế tập thể mang lại hiệu quả cao ở Đà Nẵng
Phát triển kinh tế tập thể mang lại hiệu quả cao ở Đà Nẵng

VOV.VN - TP. Đà Nẵng có 119 Hợp tác xã với gần 9500 thành viên tham gia. Mô hình kinh tế tập thể, HTX đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế địa phương. 

Phát triển kinh tế tập thể mang lại hiệu quả cao ở Đà Nẵng

Phát triển kinh tế tập thể mang lại hiệu quả cao ở Đà Nẵng

VOV.VN - TP. Đà Nẵng có 119 Hợp tác xã với gần 9500 thành viên tham gia. Mô hình kinh tế tập thể, HTX đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế địa phương. 

PTT Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị tổng kết 15 năm về kinh tế tập thể
PTT Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị tổng kết 15 năm về kinh tế tập thể

VOV.VN - Tính đến tháng 6 năm 2019, cả nước có khoảng 14.500 hợp tác xã, với 8,6 triệu hộ, bình quân 220 hợp tác xã/tỉnh.

PTT Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị tổng kết 15 năm về kinh tế tập thể

PTT Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị tổng kết 15 năm về kinh tế tập thể

VOV.VN - Tính đến tháng 6 năm 2019, cả nước có khoảng 14.500 hợp tác xã, với 8,6 triệu hộ, bình quân 220 hợp tác xã/tỉnh.

Phú Yên phải coi trọng phát triển kinh tế tập thể
Phú Yên phải coi trọng phát triển kinh tế tập thể

VOV.VN - Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với tỉnh Phú Yên về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội...

Phú Yên phải coi trọng phát triển kinh tế tập thể

Phú Yên phải coi trọng phát triển kinh tế tập thể

VOV.VN - Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với tỉnh Phú Yên về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội...