Bí quyết giúp trẻ sơ sinh thông minh hơn
Nói lời tạm biệt đúng cách, ôm ấp bé, đưa bé đi dạo… sẽ giúp trẻ sơ sinh mỗi ngày học thêm được nhiều điều mới và phát triển não bộ.
Nói lời tạm biệt đúng cách
Theo tiến sĩ Richard So, bác sĩ nhi khoa tại Cleveland Clinic Children’s, bé sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn khi phải trực tiếp chứng kiến cha mẹ rời xa mình, đặc biệt ở hai giai đoạn từ 6 đến 8 tháng tuổi và từ 15 đến 18 tháng tuổi.
Do đó, khi cha mẹ phải ra ngoài hoặc gửi bé ở nhà ông bà, đừng lén lút. Nếu không, bé sẽ cảm thấy bị bỏ rơi. Vì vậy, hãy nói với bé rằng: “Tạm biệt con. Bố/mẹ sẽ quay lại sớm thôi.” Điều này không giúp bé an tâm ngay lập tức, nhưng theo thời gian, bé sẽ hiểu ra rằng tạm biệt không có nghĩa là rời xa mãi mãi.
Bố mẹ luôn vui vẻ, bình tĩnh
Việc cố gắng giữ thái độ điềm tĩnh trong những tình huống căng thẳng sẽ dạy cho bé làm thế nào để điều hòa cảm xúc. Tiến sĩ tâm lý Kirsten Cullen Sharma cho biết: “Trẻ rất nhạy cảm với những biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt của cha mẹ. Nếu trẻ thấy cha mẹ sợ hãi hay bực bội, chúng sẽ bắt chước hành vi đó.”
Ôm ấp bé hàng ngày
Thể hiện tình cảm trước mặt bé giúp bé hiểu rằng các thành viên trong gia đình luôn đối xử với nhau bằng sự ấm áp và tình yêu thương. Bé càng nhiều lần chứng kiến cha mẹ thể hiện tình cảm với nhau, với anh chị của mình hoặc nựng thú cưng trong nhà thì những hành vi này càng ăn sâu vào trong tiềm thức và định hình nên tính cách của bé.
Ảnh minh họa |
Cho bé ăn đúng cách
Cho bú (trực tiếp hoặc bú bình) là cách hiệu quả nhất để tạo mối liên kết với bé. Bé cảm thấy được yêu thương và bao bọc mỗi khi được cha mẹ bế và nâng niu. Sự hiện diện của cha mẹ giúp bé yên tâm khi phải đối mặt với thế giới lạ lẫm bên ngoài tử cung. Thực tế, mỗi liên kết được bồi đắp những lúc cho ăn như thế này cũng quan trọng với bé như chất dinh dưỡng trong thực phẩm vậy.
Vệ sinh cho bé
Các hoạt động như thay tã hay tắm cho bé có thể đem lại cảm giác an toàn và hình thành thói quen ở bé. Đây là cũng cơ hội để cha mẹ giúp bé có nhận thức về tầm quan trọng của cơ thể mình. Mỗi hoạt động mang tính gắn kết giữa cha mẹ và bé đều có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển cảm xúc của bé.
Ăn cùng với bé
Khi cha mẹ để bé cùng ăn với mình, điều này giúp củng cố niềm tin rằng bé chính là một phần của gia đình. Một khi bé bắt đầu ăn đồ ăn rắn, hãy để bé mặc sức khám phá với đôi tay của mình thay vì bón cho bé bằng thìa. Điều này giúp bé hiểu rằng, thức ăn không cần phải được điều khiển bởi người lớn, và cha mẹ đã tin tưởng vào khả năng của bé.
Đi bộ
Cho dù đó là một buổi đi dạo trong công viên hay là một chặng đi bộ dài, cách cha mẹ thể hiện thái độ sẽ ảnh hưởng đến cảm nhận của trẻ về những hoạt động ngoài trời như thế này. Nếu cha mẹ thở hổn hển và tỏ ra mệt mỏi, bé sẽ học được rằng đó không phải là một hoạt động hấp dẫn. Ngược lại, nếu cha mẹ cho thấy sự sảng khoái, bé sẽ biết rằng được vận động và hòa mình vào thiên nhiên là một cảm giác thú vị.
Chơi nhạc
Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, âm nhạc giúp cải thiện cảm xúc và nâng cao khả năng tập trung ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, khả năng toán học của trẻ cũng phát triển thông qua âm nhạc. Các yếu tố như giai điệu hay nhịp điệu tạo cơ hội để bé có những nhận thức ban đầu về các chuỗi, sự lặp lại hay hoạt động đếm số. Vì thế, để giúp con thông minh, đừng bỏ qua yếu tố âm nhạc vô cùng quan trọng và cần thiết./.