Giá mà bố yêu mẹ, thương con…

VOV.VN - Giá như bố chỉ là một người nông dân, giá như con ma men, tính ham chơi
không dính lấy bố, có lẽ gia đình em đã rộn rã tiếng cười.

Em năm nay 20 tuổi, sinh ra trong một gia đình thuần nông. Tuy điều kiện kinh tế gia đình không khá giả nhưng em cũng được ăn học đầy đủ như bạn bè cùng trang lứa.

Mẹ em là người hiền lành, nhân hậu lại nhanh nhẹn, chịu thương chịu khó, lúc nào cũng chỉ biết lam lũ lo cho gia đình, chiều chồng, yêu con hết mực, còn bố em thì ngược lại. Bố là người gia trưởng, độc đoán, sĩ diện và không chí thú làm ăn. Bố là người nghiêm khắc hay quát mắng nên hai chị em rất sợ bố, chỉ cần bố lườm hoặc dọa đánh là hai chị em im re.

Cách đây 8 năm, vì điều kiện gia đình ngày càng khó khăn, lại muốn cho hai chị em ăn học nên bố em quyết định đi xuất khẩu lao động. Một người cô của em định cư bên Cộng hòa Czech đã đưa bố em sang đó làm ăn.

Sau khi sang đó 4 năm, bố em về nước thăm nhà. Không biết có phải do nỗi sợ hãi bố từ lúc nhỏ hay không mà em thấy bố như một nỗi ám ảnh. Em lúc nào cũng sợ bố mắng, bố đánh. Em thực sự mong sau quãng thời gian dài đi xa như vậy, bố sẽ có chút thay đổi. Em mong bố hiền hơn một chút và biết thương vợ con nhiều hơn, nhưng em đã thất vọng hoàn toàn



Nghe câu chuyện ở đây
Về nhà chỉ được nửa tháng, bố lại tụ tập bạn bè bài bạc, rượu chè và vẫn quát mắng mẹ con em. Khoảng 3 – 4 tháng sau, bố lại bay sang nước ngoài để làm ăn. Lần này đi được hai năm thì bố em trở về ăn Tết. Lúc này em đang học năm thứ hai cao đẳng, nghe tin bố về, em sợ lắm nhưng thấy mẹ em kể dạo này bố đỡ hơn, không còn nóng tính như trước nữa, em cũng cảm thấy yên tâm hơn. Nào ngờ, cũng chẳng khác gì đợt trước, chỉ được dăm bữa nửa tháng, bố lại quay về với tính cách và thói quen cũ.

Bố thường xuyên tụ tập chơi bời, rượu chè, còn mẹ em thì phải tất tả phục vụ cơm bưng nước rót. Trong số những người bạn của bố có một bác rất tốt tính, rất yêu vợ, thương con. Hôm 30 Tết năm ngoái, trong bữa ăn gia đình, em buột miệng nói một câu rằng, giá mà bố cũng như bác ý thì tốt quá. Bố tỏ vẻ tức giận và bực bội nhưng không nói gì.

Hôm sau là sáng mùng 1, mẹ con em định ra chùa lễ Phật, mà ra đến cổng lại gặp bố đi đâu về đang say khướt. Nhìn thấy em và mẹ, bố liền mắng chửi hai mẹ con, rồi còn bảo mẹ xúi em nói hỗn với bố. Chuyện như vậy khiến mẹ em chẳng còn tâm trạng đâu mà đi chùa nữa mà đành ở nhà, đến bữa thì làm cơm tiếp khách. Nhìn mẹ vừa làm vừa khóc trong sáng mùng một Tết mà em cũng không sao cầm được nước mắt, em chỉ mong bố đừng uống rượu nữa và yêu thương vợ con hơn chứ có nói gì hỗn láo với bố đâu.

Trưa mùng 6 Tết, bố được các bác hàng xóm mời sang ăn cơm, uống rượu nhưng hôm đó là ngày em được lên trường, nên mẹ bảo bố ở nhà để cả nhà cùng ăn bữa cơm. Lúc đấy bố bắt dọn cơm ăn ngay, em còn đang nấu dở và ấm ức vì thấy thái độ không thoải mái của bố, nên trả lời trống không là “đã xong đâu mà dọn”. Bố xuống bếp đẩy em ra, xong lấy đũa tự nấu ăn. Thấy em đứng nhìn, bố quay lại tát em một cái, nói em là đứa mất dậy. Cứ thế, bố liên tục mắng chửi em cho đến khi dọn cơm ra.

Trong bữa cơm, bố lại uống rượu. Vừa uống, bố lại đuổi em ra khỏi nhà và bảo không có đứa con như em. Sau khi uống say, bố đi ngủ còn em xin phép về trường. Sau thời gian nghỉ Tết, bố lại bay sang Cộng hòa Czech để đi làm ăn. Khi ở nhà bố em như một ông vua chuyên chế, độc quyền và bảo thủ, mọi ý kiến bố đưa ra đều là đúng hết, không ai được phép làm trái. Thế nhưng trong những cuộc gọi điện thoại về nhà, bố luôn tỏ ra là một người dễ chịu và biết quan tâm mọi người.

Mấy tháng gần đây, do tình hình làm ăn bên kia khó khăn nên bố muốn về nhà. Biết tin đó, hai mẹ con em thực sự lo lắng vì không biết bố về nhà thì sẽ làm gì. Ruộng đồng trồng trọt thì bố chưa bao giờ động tay, bố lại bảo thủ, tự ái cao như vậy thì liệu sẽ làm được gì. Đến người trong nhà nhiều khi còn không chịu được, thì khi đi làm ai sẽ thông cảm với bố em.

Em biết rằng bố mẹ dù có thế nào đi nữa, thì sẽ vẫn mãi là đấng sinh thành, ban cho mình cuộc sống. Em chưa bao giờ ghét bố mà luôn biết ơn bố cho em ăn học. Nhưng em mong bố một lần nhìn lại bản thân rồi suy nghĩ lại mà thay đổi. Em mong bố hiểu được mẹ đã lam lũ, vất vả như thế nào khi chăm lo cho gia đình để bố thương mẹ nhiều hơn.

Giá như bố chỉ là một người nông dân chân chất, giá như con ma men, tính ham chơi không dính lấy bố, như thế có lẽ gia đình em đã rộn rã tiếng cười, luôn vui vẻ ấm áp. Chẳng còn bao lâu nữa bố em sẽ về, chính vì bản tính của bố như thế nên em chẳng thấy vui mà cảm thấy lo lắng thêm. Giờ em và mẹ có thể làm gì để bố nhìn nhận lại và thay đổi bản thân?/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên