Mặc cảm bệnh tật nên tôi chẳng dám yêu

VOV.VN -Tôi tự biết mình thật mâu thuẫn, nhưng vì khuyết tật của bản thân nên tôi chẳng dám mơ ước xa vời.

Tôi năm nay 32 tuổi. Tôi sinh ra và lớn lên ở một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Đã nhiều lần tôi viết thư lên chương trình, mong thính giả và chương trình cho lời khuyên, nhưng rồi do quá nhút nhát nên tôi lại do dự, không dám gửi. Lần này, tôi lấy hết can đảm để viết thư lên chương trình, nhờ ban biên tập và các thính giả giúp đỡ. Câu chuyện của tôi như thế này:

Cách đây hơn 10 năm, khi tôi đang học cấp 3 thì không may, tôi bị tai nạn giao thông. Đang là một chàng trai khỏe mạnh, bỗng dưng tôi chẳng thể đi lại bình thường được nữa, cuộc đời phải gắn liền với chiếc xe lăn. Bao ước mơ, hoài bão về tương lai của tôi bỗng chốc sụp đổ. Tôi sốc vô cùng khi biết mình đã trở thành người khuyết tật.

Thời gian đó, tôi bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Tôi buồn chán vô cùng, thậm chí nhiều lúc đã nghĩ đến chuyện quyên sinh để không làm khổ mọi người và bố mẹ. Nhưng được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã vượt qua cú sốc đó.

Có điều, tôi vốn tính hiền lành và nhút nhát. Từ sau khi bị tai nạn, tôi lại thêm mặc cảm, tự ti. Mấy năm liền, tôi ở lỳ trong nhà, không ra ngoài, không giao du với ai. Gia đình tôi khuyên tôi chịu khó ra ngoài cho thoáng, để thay đổi không khí và giao lưu với mọi người nhưng tôi ngại và mặc cảm về bản thân.

Tôi bảo với bố mẹ rằng khi nào kiếm được việc làm thì tôi mới ra khỏi nhà, giao lưu với làng xóm. Thế rồi, tôi cũng kiếm được một công việc và đi làm. Công việc của tôi thu nhập không nhiều nhưng cũng gọi là tạm ổn. Nếu so với lao động phổ thông bình thường thì cũng không kém, thậm chí còn nhỉnh hơn một chút.

Nhưng tôi vẫn mặc cảm về khuyết tật của bản thân. Nhất là chuyện tình cảm yêu đương thì tôi càng không dám đề cập đến. Vì không biết có ai thật lòng yêu thương một người khuyết tật như tôi không? Mà giả sử là có người như thế thật thì tôi cũng không muốn người đó phải khổ vì mình. Thế nên, tôi đã tự nhủ với bản thân là phải đóng cửa trái tim lại.

Dù rằng nhiều lúc nhìn bạn bè có gia đình, vợ chồng con cái hạnh phúc, tôi lại thấy chạnh lòng và tủi thân cho phận mình. Nhiều lúc tôi nghĩ giá như mình không bị thế này thì chắc cũng đã được hạnh phúc như người ta.

Ảnh minh họa
Tôi nghĩ mình là con trai, không được phép tỏ ra yếu đuối trước mặt người khác, nhất là càng phải cố tỏ ra mạnh mẽ để bố mẹ yên lòng. Nhưng con người đâu phải là sắt đá. Dù lý trí bảo thế nhưng đôi khi, con tim đâu chịu nghe theo.

Thế nên, nhiều khi đêm về, tôi lại âm thầm khóc một mình. Để rồi sáng hôm sau, tôi lại tự động viên mình cố gắng vượt qua. Tôi chỉ biết lao đầu vào làm để quên đi số phận hẩm hiu.

Vì công việc nên tôi thường xuyên phải đi lại, giao lưu với nhiều người. Ai cũng nghĩ như thế thì kiểu gì tôi chẳng quen được người nọ, người kia. Nhưng mọi người đâu biết rằng tôi luôn mặc cảm, không dám đề cập đến chuyện tình cảm. Đã thế, gần đây, bố mẹ, anh em và bạn bè tôi đều hối thúc tôi chuyện tình yêu, hôn nhân.

Họ bảo rằng còn bao nhiêu người khổ hơn tôi, kiếm tiền ít hơn tôi mà vẫn lấy được vợ đấy thôi. Còn tôi thì mãi vẫn chẳng chịu yêu đương gì. Nghe mọi người nói, tôi cũng chỉ biết cười trừ cho qua chuyện. Thú thực thì tôi cũng mong gặp một cô gái nào đó yêu thương tôi thật lòng, cùng tôi chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, giúp tôi bớt cô đơn, trống trải.

Thế nhưng vì tính cách nhút nhát, lại không muốn làm khổ con gái nhà người ta, nên mãi đến giờ, tôi vẫn chăn đơn gối chiếc. Tôi tự biết mình thật mâu thuẫn, nhưng vì khuyết tật của bản thân nên tôi chẳng dám mơ ước xa vời.

Tôi nên làm gì đây? Nên mở lòng để có cơ hội được yêu thương hay đóng cửa trái tim để khỏi làm người khác phải khổ?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên