Ra riêng cho rảnh nợ!
Vốn được sống trong một gia đình bình yên, cha mẹ thương yêu, luôn đối xử dịu dàng với nhau nên Ngọc Phượng (Hàng Bún, Hà Nội) luôn cảm thấy ức chế khi phải sống trong bầu không khí căng thẳng, giữa những cuộc xung đột không có hồi kết của bố mẹ chồng.
Anh Phong là con một nên chị phải sống chung với nhà chồng. Nhưng khổ một nỗi bà Nhung – mẹ chồng chị có tính trẻ con nên chỉ cần không vừa ý chuyện gì là giận dỗi, làm nũng cả nhà.
Ngoài tính trẻ con, bà chỉ chăm việc “chém gió” cùng hàng xóm chứ việc nhà bà chẳng bao giờ động tay. Từ trước tới nay, bố chồng luôn là người đi chợ, nấu cơm. Nhưng may mắn, từ sau khi có con dâu, cái bếp vui hơn hẳn, ông không còn phải đứng một mình.
Một lần đi làm về muộn, chị vừa mở cửa thì thấy mẹ đang mắng bố xối xả trong bếp: “Có mỗi việc trông nồi thịt luộc mà ông chẳng làm xong. Đơn giản như thế này mà làm cháy. Vô dụng!”.
Nghe mẹ đay nghiến bố, chị thấy ấm ức thay. Chị chạy vào và nhẹ nhàng nói: “Để con làm nốt, tại con đi làm về muộn, thật mất công bố”… Mẹ chồng nghe thế nhấm nhẳng quay lên phòng.
Đang nấu nướng, vợ chồng chị giật mình khi nghe tiếng mẹ chồng hét loạn nhà: “Chồng ơi là chồng, sao số tôi khổ thế này, có chồng cũng như không”.
Hóa ra câu chuyện là dạo này mẹ chồng chị bỗng dưng thích ăn mặc, trang điểm có phần hơi sắc màu một chút, bố chồng thấy thế góp ý thế là bà phật lòng.
Đến bữa ăn, bà Nhung cứ nói đi nói lại là nào mình khổ, nào là chồng không ra gì.
Chồng chị bênh bố: “Bố nói thế đúng rồi, mẹ không nên mặc váy quá ngắn như vậy. Đi lại hơi bất tiện”. Thế là cơn sấm sét bỗng dưng ở đâu rót xuống đầu chị rằng: “Cô xui nó nói thế với tôi hả, cô không coi tôi ra gì nữa rồi”.
Đáng nhớ nhất là có lần trong bữa cơm, bố chồng chị sì sụp húp bát canh, mẹ chồng buông một câu: “Nghe ông ăn như bọn ma đói ý. Chẳng ra dáng dân Tràng An gì cả!”.
Nghe lạ tai, chị nói lại: “Ấy chết, sao mẹ lại nói bố con thế?”. Ngờ đâu bát cơm đang trên tay mẹ chồng bay đánh xoảng xuống đất kèm theo câu gào lớn: “A, con dâu này ghê gớm đây.Tôi nói đùa chứ tôi làm gì nhà cô?”.
Toàn chuyện bé xé ra to, chị chán ngấy. Chị tuyên bố với anh Phong: “nếu không ra riêng thì đường ai nấy đi”. Chẳng chờ chồng đồng ý, ngay hôm sau, chị nói với mẹ chồng: “Con muốn ra riêng”…
Ngột ngạt khi phòng vợ chồng thành phòng chung
Chị Tuyết và anh Phong lấy nhau đã gần 5 năm, một khoảng thời gian không phải là ngắn nhưng rất ít khi vợ chồng anh chị to tiếng.
Hàng xóm và ngay cả những người trong đại gia đình cứ nghĩ cuộc sống của anh chị thật bình yên, hạnh phúc, nhưng đâu ai hay, để có được sự bình yên ấy, chị đã phải chịu đựng nhiều đến thế nào?
Từ nhỏ, chị đã quen sống trong gia đình chỉ có bố mẹ và anh trai nên thật khó khăn khi phải thích nghi với gia đình chồng đông người, nhiều thế hệ.
Dù trong nhà đã phân thành từng phòng nhưng càng ngày chị càng thấy không gian sống của mình bị xâm phạm. Có lẽ mọi người trong nhà đã quen với thói sinh hoạt tùy tiện, cái gì cũng chung.
Bố cũng có thể ngồi trong phòng con cái cắt móng chân, mẹ cũng có thể ngồi đó lấy ráy tai, chải tóc rồi tiện tay nhét mớ tóc rụng ở một góc nào đó.
Các cháu có thể xông vào phòng bất cứ lúc nào để lục lọi, nghịch phá đồ đạc, nhảy cả lên chăn, lên nệm.
Cái giường ngủ là không gian riêng tư của vợ chồng chị mà như bãi chiến trường. Ngày nào đi làm về chị cũng phải nhoài ra dọn dẹp. Nhiều hôm đang ngủ thì bị thức giấc vì cháu nô đùa, bà vào lấy đôi dép bỏ quên, ông vào tìm lọ dầu.
Cũng vì lý do cái phòng của vợ chồng chị rộng nên anh em, con cháu thường xuyên tụ tập ăn uống, có khi lai rai vài ba tiếng đồng hồ.
Thời tiết nóng nực, muốn mặc cái áo “mát mẻ” một chút nhưng chị không thể vì nhà lúc nào cũng có người ra người vào. Vợ chồng muốn “tình cảm” cũng phải “lén lút” vì sợ người này nhìn, người khác ngó. Vì thế, đi làm thì thôi, về đến nhà chị lại thấy bức bối, khó thở.
Dành dụm được một khoản tiền, chị bàn với anh mua nhà ở riêng nhưng anh gạt đi, nhất quyết không đồng ý. Chị lặng thinh, chính xác là chị không nói được gì, chỉ lặng lẽ quay vội đi, giấu những giọt nước mắt đang trào ra. /.