Một nghiên cứu sinh bị mắc HIV, túng quẫn vì nợ nần

VOV.VN -Hiện giờ, mối lo lớn nhất của tôi là không trả được nợ, số tiền sẽ ngày càng tăng lên, tôi sợ bố mẹ phải phiền lòng...

Tôi năm nay 26 tuổi, sinh ra trong một gia đình ở nông thôn. Tôi sống với mẹ cả và bố. Mẹ cả là người vợ đầu tiên của bố tôi, bà không có con. Còn mẹ đẻ tôi sinh tôi ra được 1 tháng thì bỏ tôi ở lại với bố, từ đó bà đi biệt tăm, không một lần liên lạc hay về thăm tôi. Suốt từ nhỏ đến giờ, tôi sống trong tình thương của bố và mẹ cả. Tôi quý và thương mẹ cả như mẹ ruột của mình, trong khi đó tôi không có chút tình cảm nào với mẹ ruột, dù đó là người mang nặng đẻ đau ra tôi. 

Dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng bố mẹ vẫn lo cho tôi học hết Đại học, rồi học tiếp lên Cao học. Bây giờ tôi đang học lên Tiến sĩ. Bằng năng lực chuyên môn thực tế của mình, tôi đã xin vào làm ở một cơ quan Nhà nước ở Hà Nội mà chẳng phải mất đồng nào. Nếu câu chuyện cuộc đời tôi chỉ có vậy thì thật tuyệt vời, là niềm ao ước của không biết bao nhiêu người. Và bản thân tôi cũng chẳng còn mong muốn gì hơn nữa.

Nhưng thực tế cuộc sống thật là phũ phàng và muôn vàn khó khăn. Dù làm việc ở cơ quan lớn nhưng thu nhập của tôi chẳng đáng là bao. Suốt từ tháng 6 năm 2013 đến hết năm 2014, tôi chỉ được hưởng mức lương từ 1 triệu đến 1 triệu rưỡi. Lương đã thấp như thế mà từ đầu năm 2015 tới giờ cơ quan còn nợ lương. Quả thực là vô cùng khó khăn khi chẳng có tiền mà sống giữa đất Thủ đô này. Nhưng vì yêu nghề, yêu chuyên môn mà mình có được, tôi vẫn cố gắng bám trụ ở đó, đến nay cũng được 2 năm. Bố mẹ già yếu, không chu cấp được tiền nên tôi tự thân vận động. Trong suốt hai năm nay tôi đi dạy thêm, cũng đủ trang trải cuộc sống.

Ảnh minh họa

Một lần cách đây 8 tháng, tôi bị ốm và đi khám, bác sĩ nói tôi bị nhiễm HIV. Ban đầu tôi cũng sốc và vô cùng sững sờ. Nhưng tôi vẫn đủ tỉnh táo để nhận diện và đánh giá vấn đề bệnh tật của mình. Tôi hiểu nguyên nhân vì sao tôi mắc bệnh và không than thân trách phận hay là ủ dột, chán đời. Tôi lấy lại cân bằng khá nhanh và quyết định điều trị ngay lập tức. Với những kiến thức mình có được về căn bệnh này, tôi khá lạc quan và vì thế nó không ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống của tôi.

Nhưng điều khiến tôi đang suy nghĩ và lo lắng chính là khó khăn liên quan đến tài chính. Tháng 4 năm ngoái, do quá túng bấn tiền trang trải cuộc sống, tôi đã dại dột mang bằng tốt nghiệp Đại học đi “cắm” được 10 triệu đồng, đủ trang trải cho 4 tháng. Tôi đi làm lúc có thì trả lãi, lúc không thì họ cộng dồn vào gốc. Thế nên, dần dần khoản lãi mà tôi phải gánh là rất lớn, lãi mẹ đẻ lãi con, số 10 triệu đã lên hơn 50 triệu. 

Vì không muốn gia đình phải lo lắng, vì bố mẹ già yếu, gần 70 tuổi, mẹ tôi lại mới bị tai biến, nên tôi cố gắng gượng để chờ có đợt thi biên chế, hy vọng cải thiện đồng lương và lo trả nợ. Nhưng số nợ đó quá sức đối với tôi, đồng lương thì ít ỏi nên tôi đã bỏ cơ quan, dứt áo ra ngoài làm. Mỗi tháng tôi phải trả 6 triệu đồng tiền lãi nên làm được bao nhiêu chỉ đủ trả lãi là may lắm rồi, chưa biết đến bao giờ tôi mới trả hết được số nợ. Ngày đi làm, tối tôi đi gia sư thêm, trang trải cuộc sống mà vẫn luôn thiếu trước hụt sau, luôn lo ngay ngáy bị người ta xiết nợ.

Bố mẹ già khó khăn không có tiền, anh em không, cô chú, bác ai cũng khó khăn vì các em, các anh chị họ tôi còn nuôi cháu nhỏ ăn học. Tôi một mình cáng đáng và lo toan nhưng thấy mệt mỏi và luẩn quẩn, bế tắc vô cùng. Mỗi khi chưa nhận được lương và chưa có tiền trả là chỗ cầm đồ họ gọi tôi ầm ĩ. Tôi mất ăn mất ngủ vì lo nghĩ chuyện tài chính. Mệt mỏi với vòng luẩn quẩn đó mà vẫn chưa biết đến bao giờ mới thoát ra được. 

Chắc mọi người sẽ cho rằng do tôi chơi bời nên nợ nần, rồi mắc bệnh, nhưng thực ra nó không liên quan đến nhau lắm. Chỉ vì cuộc sống quá khó khăn nên tôi mới dại dột đi cầm đồ rồi lâm vào tình cảnh thế này. Còn câu chuyện bệnh tật của tôi, tôi điều trị hàng ngày và xem đó như cuộc sống của mình rồi nên tôi không lo lắng lắm. Giờ mối lo lớn nhất của tôi là không trả được nợ, số tiền sẽ ngày càng tăng lên, tôi sợ bố mẹ phải phiền lòng vì tôi. Tôi thực sự không biết nên giải quyết như thế nào? Mong mọi người tư vấn và cho tôi lời khuyên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên