Nữ sinh viên bị trầm cảm vì những căng thẳng chồng chất
VOV.VN - Bố sợ em quá căng thẳng thì bệnh lại tái phát. Em cũng sợ học hành xong, đến khi ra trường không xin được việc...
Em sinh ra trong một gia đình đông con. Là chị cả trong nhà nên em luôn ý thức rằng mình phải tự cố gắng, tự lập và phụ giúp cho gia đình. Em luôn tự nhủ bản thân phải nỗ lực, cố gắng học tập để thoát nghèo và để các em noi gương.
Từ khi bắt đầu đi học, em luôn được các thầy cô khen là con ngoan, trò giỏi. Năm lớp 12, em còn được giải 3 kỳ thi học sinh giỏi. Điều này càng khiến bố mẹ em vui hơn. Có điều, nỗ lực của em vẫn không thể giúp bố mẹ hòa thuận. Khi còn nhỏ, em hay phải chứng kiến cảnh bố mẹ đánh cãi nhau. Những lúc như thế, em chỉ biết bất lực đứng khóc.
Bên ngoài em luôn cố tỏ ra mạnh mẽ, cố tỏ ra những mâu thuẫn của bố mẹ không ảnh hưởng gì đến em nhưng thực ra, sâu thẳm trong tâm hồn em vẫn rất mềm yếu và non nớt.
Sau 12 năm cố gắng học hành, em đã thi đỗ vào trường đại học của tỉnh. Em đặt ra mục tiêu, sau khi xuống trường sẽ vừa học vừa làm thêm để bố mẹ đỡ cực nhọc phần nào. Sau khi nhập học, em không ở ký túc mà ở cùng cô chú để tiện đi làm thêm.
Sáng em đi học, chiều làm thêm ở một quán phở. Công việc tuy cực nhọc nhưng lại giúp em chững chạc hơn. Sau đó, em chuyển về phụ kho chỗ công ty của cô em. Lương không cao nhưng cô cháu làm cùng nhau, giúp đỡ lẫn nhau nên cũng đỡ hơn nhiều.
Học hết năm thứ nhất, em không về quê nghỉ hè mà ở lại làm thêm. Trong thời gian này, em đã quen với anh – một người con trai tốt bụng, trầm tính và ít nói. Tình yêu của chúng em đơn giản, nhẹ nhàng, chẳng chút biến cố. Chúng em chưa từng đi quá giới hạn mà chỉ trao gửi cho nhau những tin nhắn yêu thương mỗi buổi sáng thức dậy hay trước khi đi ngủ.
Anh dẫn em đi gặp mặt bạn bè, rồi cả anh trai của anh. Dường như anh đã xác định em là bến đỗ của cuộc đời mình. Em cũng tin tưởng anh ấy. Anh bảo khi em học xong năm thứ 2 thì sẽ thưa chuyện với hai bên gia đình để chúng em làm đám cưới.
Ảnh minh họa |
Em không thể cưới sớm như vậy vì em vẫn chưa giúp được gì cho gia đình. Có điều, em chẳng thể bảo anh chờ, bởi anh đã 27 tuổi. Em không thể làm lỡ chuyến đò cuộc đời anh. Vậy là em chủ động chia tay rồi tập trung vào việc học. Lao vào công việc và học tập, dần dần em cũng quên được anh.
Thế nhưng dường như ông trời chẳng muốn để em yên mà lại thử thách em lần nữa. Cuối năm thứ 3, em phải đi thực tập sư phạm. Điều đó đồng nghĩa với việc em cần dùng đến khoản tiền lớn. Vậy mà đúng thời điểm này, đàn lợn nhà em bị bệnh, chẳng thể cứu chữa. Đàn lợn ấy chính là tài sản có giá trị duy nhất trong gia đình em.
Vậy là, bố mẹ không thể cho em tiền đi thực tập. Em buồn lắm nhưng rồi lại cố gắng động viên mình phấn chấn lên. Em xin vào làm thêm ở một công ty bánh kẹo để kiếm tiền đi thực tập. Thời điểm ấy sắp đến Trung thu nên công việc rất bận. Sáng em đi học, trưa lại đi làm, đến 8 – 9 giờ tối mới về.
Lúc đó, để kịp giờ làm nên em không thể ăn uống tử tế, chủ yếu chỉ ăn mỳ tôm. Vì những lẽ đó, em gầy đi trông thấy. Sau đó, kỳ thi đến. Tập trung ôn thi khiến em căng thẳng đầu óc, lại thêm lo lắng vì tiền nên em mắc hội chứng lo âu. Em hay nghĩ đến việc đi đâu đó thật xa, thậm chí nhiều lúc còn muốn tự tử cho xong.
Rồi ngày thực tập cũng đến. Em chuẩn bị tư trang đi thực tập trong vô thức. Hôm đó, em bắt xe lên Hà Nội nhưng lại bỏ tất cả tư trang và mọi thứ có liên quan đến thông tin cá nhân như điện thoại, thẻ sinh viên… tại phòng trọ. Sau khi lên Hà Nội, em vô thức bắt xe về Quảng Ninh.
Trên đường đi, xe khách dừng lại tạm nghỉ khoảng 10 – 15 phút. Em xuống xe và đi bộ một đoạn thì thấy một cái hồ. Em nhảy xuống hồ nhưng không chìm được mà lại nổi lên. Những người dân xung quanh cứu em lên bờ và đưa vào trạm y tế. Công an phường được báo tin đã đến giải quyết và liên lạc với gia đình em.
Lúc đó, em mới biết ngay khi phát hiện em đi mà không cầm theo đồ đạc gì, gia đình em đã đổ xô đi tìm kiếm. Nhận được tin báo, ông và chú em ở gần Quảng Ninh ngay lập tức thu xếp đến đón em về nhà ông ở. Hai ngày sau, bố mẹ lên đón em về nhà nghỉ ngơi. Lúc này, em rất yếu và không muốn tiếp xúc với ai.
Hễ có ai đến thăm là em chạy ngay ra vườn. Khi nào họ về em mới vào nhà. Cứ sểnh lúc mọi người trong nhà không chú ý là em lại cầm chiếu ra vườn ngủ. Người nhà em lại phải đi tìm. Bị bắt vào nhà thì em lại nhảy đồng, niệm Phật, còn đòi coi bói cho mọi người trong nhà. Không thể nhìn em điên điên, dại dại như thế, gia đình quyết định xin bảo lưu việc học cho em và đưa em vào bệnh viện chạy chữa.
Lúc đó, mẹ em mới sinh em bé nên không đi chăm em được. Vậy là bố em cùng các cô, các bác thay phiên vào viện với em. 2 tháng ở bệnh viện đối với em là quãng thời gian dài vô tận. Nhờ tư vấn tâm lý và uống thuốc, tình trạng của em dần ổn định. Rồi em được ra viện, bố mẹ mừng lắm nhưng vẫn cắt thuốc bắc, mua thuốc bổ não cho em uống.
Nghỉ ngơi được 2 tuần, em xin bố mẹ cho em đi làm cùng em gái. Em xin vào làm trong một công ty bánh kẹo, còn em gái em bán hàng giày dép. Đi làm tuy lương không cao nhưng được hòa nhập cùng mọi người nên em rất vui. Dù rằng ở chỗ làm, có một số người kỳ thị em, nói ra những câu khiến em chạnh lòng nhưng em vẫn gắng cho qua.
Hàng ngày em đi làm, đến 9 giờ em lại đi đón em gái cùng về. Cứ thế, sau hai tháng, em làm đơn xin tiếp tục việc học sau thời kỳ bảo lưu. Vậy là em lại vừa đi học vừa đi làm như thời gian trước khi bị bệnh. Được đi học lại, em vui mừng vô cùng. Thế nhưng, đợt vừa rồi, em về giỗ ông nội. Bố bảo em hay là thôi không học nữa.
Em biết bố nói thế là vì lo lắng cho em, sợ em quá căng thẳng thì bệnh lại tái phát. Dù vậy, em vẫn thấy rất buồn. Em cũng sợ học hành xong, đến khi ra trường không xin được việc vì em học ngành Sư phạm Sử, khó xin việc mà cũng khó dạy thêm. Giờ em không biết làm thế nào? Tiếp tục theo đuổi việc học hay dừng lại theo lời của bố? Mong mọi người cho em lời khuyên./.