Phiền lòng khi con trai muốn từ bỏ Đại học để theo nghề nấu ăn

VOV.VN - Đây là một sự mạo hiểm cực lớn, thậm chí là cầm chắc thất bại. Nhưng con trai tôi vẫn không nghe và bảo sẽ bỏ ngành đang học. 

Tôi năm nay 46 tuổi, hiện đang làm việc trong một cơ quan Nhà nước. Tôi đã kết hôn được hơn 20 năm, hiện có một con trai 20 tuổi và 1 con gái 15 tuổi. Con trai tôi hiện đang học năm thứ 2 đại học. Chồng tôi hơn tôi 4 tuổi. Trước đây anh ấy cũng làm việc cho một cơ quan nhà nước, chuyên về kỹ thuật. 

Cách đây 6 năm, nhận thấy nhu cầu của thị trường và sẵn có chút vốn do tích góp, chồng tôi bàn với tôi mở công ty để hoạt động riêng. Thế nên bây giờ anh ấy làm giám đốc công ty tư nhân của gia đình. Nói chung công ty hoạt động khá hiệu quả, mỗi năm chúng tôi thu về cũng được kha khá. Dù mấy năm nay kinh tế xã hội khó khăn chung nhưng công ty của chồng tôi cũng không bị ảnh hưởng mấy. 

Vì lĩnh vực hoạt động có sự cạnh tranh nhưng không nhiều, chồng tôi vẫn dành được những hợp đồng lớn nên kinh tế gia đình tôi cũng ổn, chi tiêu thoải mái và có của ăn của để. Mỗi tội vì đòi hỏi của công việc nên chồng tôi rất bận, anh hay phải đi công tác dài ngày. Dù có ở nhà thì cũng tối mắt tối mũi chứ chẳng mấy khi được thảnh thơi. Vì thế, mọi việc trong nhà một tay tôi phải quán xuyến hết, nhất là việc chăm sóc và nuôi dạy hai đứa con.

Vì điều kiện kinh tế không mấy khó khăn nên từ khi con còn nhỏ, tôi đã cho các cháu học ở những môi trường tốt nhất có thể. Tôi cũng chú ý uốn nắn, dạy dỗ các con rất cẩn thận và nghiêm khắc, đôi khi người thân và bạn bè còn bảo tôi nghiêm khắc với các con quá. Nhưng tôi nghĩ nếu không như vậy thì chúng sẽ nhờn và sau này tôi sẽ khó dạy được con. 

Tuy tiếng là nghiêm khắc nhưng tôi cũng vẫn chú ý đến những sở thích theo đúng tâm lý của con. Mỗi dịp sinh nhật hay ngày kỷ niệm dành cho thiếu nhi, tôi vẫn mua tặng các con những thứ đồ chơi mà chúng thích, dù ít hay nhiều tiền. Thỉnh thoảng vì không có bố ở nhà, sợ các con buồn, cuối tuần tôi vẫn dẫn chúng đi chơi công viên, đi ăn uống nhà hàng những món mà chúng thích. 

Chồng tôi cũng hay tranh thủ những lúc ở nhà thì gần gũi với con, nhưng thời gian đó không nhiều. Anh vẫn luôn quan tâm đến các con và nhắc nhở chúng học hành, nghe lời mẹ. Thế nên các con tôi rất vui vẻ, gần gũi với bố mẹ và ngoan ngoãn, học giỏi. Thế nhưng càng ngày tôi càng thấy thật khó hoàn thành vai trò làm mẹ của mình. 

Con trai tôi từ khi còn nhỏ đến khi đỗ Đại học, lúc nào cũng học hành rất chăm chỉ và ngoan ngoãn, không để vợ chồng tôi phải phiền lòng bao giờ. Chồng tôi định hướng cho cháu đi theo ngành của bố, để sau này nối nghiệp công ty mà chồng tôi đã dày công gây dựng. Thế nên cháu thi vào ngành kỹ thuật của một trường Đại học lớn với điểm số khá cao. 

Vợ chồng tôi đã bàn với cháu, sau khi tốt nghiệp Đại học, sẽ cho cháu đi du học, hoặc là học thêm một ngành nào khác, hoặc là học lên cao hơn trong chuyên ngành mà cháu đang học. Nói chung, tôi rất hài lòng với con trai mình và còn lấy cháu làm gương để đứa thứ hai nhìn anh mà học tập. Nhưng cho đến mấy tháng gần đây thì con trai tôi bắt đầu thay đổi khá nhiều, nhất là thái độ học tập. 

Mới tuần trước cháu nói với tôi là sau này sẽ không không đi du học và cũng không muốn theo ngành kỹ thuật nữa. Cháu muốn đi học nghề nấu ăn, sau này sẽ tự mở nhà hàng ăn uống. Ban đầu cứ nghĩ là con nói đùa, tôi còn đùa lại rằng: “Ừ, nếu con bán đồ ăn thì nhớ miễn phí cho bố mẹ và em nhé!”. Nhưng cháu đáp lại thái độ vui đùa của tôi bằng vẻ mặt rất nghiêm túc và bảo: “Con nói thật đấy, con không đùa đâu!”. Điều đó làm tôi rất bất ngờ và bắt đầu lo lắng. 

Ảnh minh họa

Tối đó gọi điện cho bố cháu, tôi đã kể lại câu chuyện. Chồng tôi cũng bị bất ngờ và cũng cảm thấy thật không ổn. Sau hôm đó, con tôi lại có mấy lần nói với tôi về mong muốn học nghề đầu bếp. Tôi đã chỉ cho con thấy rằng làm nghề nấu ăn vất vả như thế nào. Trời mùa hè nóng nực 30 mấy 40 độ cũng vẫn phải chui vào bếp, lúc người ta ăn thì mình phải làm. Chưa kể còn bận từ sáng đến tối, từ lúc chuẩn bị đồ ra cho đến dọn dẹp cất đi… 

Tôi đã phân tích cho con thấy rất nhiều khó khăn trong nghề đầu bếp. Nhưng cháu vẫn khăng khăng giữ ý muốn của mình, 1 - 2 muốn nghỉ học Đại học để đăng ký đi học nghề nấu ăn. Chồng tôi thấy tình hình không ổn nên cũng phải bỏ cả công việc ở nước ngoài để về nói chuyện với con. Vợ chồng tôi đã ngồi nói chuyện nghiêm túc với cháu, phân tích các mặt ưu nhược điểm của từng ngành nghề, lợi thế của con và những điều cháu có thể đạt được trong tương lai đã nhìn thấy rõ, nếu đi theo ngành mình đang học. 

Nếu con rẽ ngang sẽ là một sự mạo hiểm cực lớn, thậm chí là cầm chắc thất bại. Nhưng con trai tôi vẫn không nghe và bảo sẽ bỏ ngành đang học. Vợ chồng tôi nói mãi, vừa nhẹ nhàng, vừa quát mắng, cứng rắn, cuối cùng cháu mới nói sẽ bảo lưu việc học ở trường Đại học. Cháu vẫn đòi đi học nấu ăn rồi còn tuyên bố sẽ đi làm thêm ở các nhà hàng vừa học hỏi thêm kinh nghiệm, vừa kiếm tiền. 

Vợ chồng tôi rất bực mình, đã nhờ đến họ hàng hai bên, các anh chị em họ hàng và bạn bè thân thiết của cháu nói chuyện, khuyên nhủ nhưng cháu vẫn khăng khăng theo ý mình. Vợ chồng tôi rất lo lắng, chẳng biết phải làm thế nào để cháu suy nghĩ lại và lựa chọn cho đúng đắn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên