Hiến tặng giác mạc và các bệnh lý về mắt

Chiều 22/9, TS.BS Phạm Ngọc Đông và ông Nguyễn Hữu Hoàng đến từ Ngân hàng Mắt có mặt tại Toà soạn báo VOV Online trả lời độc giả...

Đôi mắt được ví là "cửa sổ tâm hồn" vì nhờ chúng mà ta nhận biết, khám phá, chiêm ngưỡng thế giới xung quanh. Nhưng đôi mắt chỉ làm tròn chức năng quan trọng khi được chăm sóc, nuôi dưỡng khỏe mạnh.

Ai cũng biết rõ tầm quan trọng của đôi mắt, nhưng không phải tất cả đều biết cách chăm sóc và ngăn ngừa các yếu tố ảnh hưởng xấu đến đôi mắt.

Trong cuộc sống hiện nay, sử dụng máy vi tính là cần thiết nhưng sử dụng không đúng thì nhiều khi công cụ tiện ích này trở thành kẻ thù của đôi mắt. Theo Hội Nhãn khoa Hoa Kỳ (AOA), có đến 75% người thường xuyên sử dụng máy tính có nguy cơ bị hội chứng CVS (Computer vision syndrome - hội chứng thị giác do sử dụng máy vi tính). Tức là, người làm việc lâu với máy tính do làm việc quá mức hoặc không đúng cách có nguy cơ bị những vấn đề xấu cho mắt thể hiện qua các triệu chứng: mắt thấy mỏi mệt, khô, ngứa hoặc nóng rát, chảy nước mắt, mắt bị mờ đi, đau hốc mắt, nhức đầu...

Đáp ứng yêu cầu của đông đảo độc giả, VOV Online đã tổ chức Phòng mạch online với chủ đề "Hiến tặng giác mạc và các bệnh lý về mắt" với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Mắt Trung ương: TS – BS Phạm Ngọc Đông, quyền Trưởng khoa kết giác mạc, Giám đốc Ngân hàng Mắt và ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó GĐ Ngân hàng Mắt.

* Thưa bác sĩ, cho em hỏi, giác mạc là gì? Vai trò của giác mạc đối với mắt? - (Thu Trang, 28 tuổi, Nữ, Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội)

TS – BS Phạm Ngọc Đông: Giác mạc là lớp màng trong suốt nằm ngoài cùng nhãn cầu, phía trước tròng đen.

Giác mạc nh­ư lớp kính trong suốt đón ánh sáng bên ngoài vào, giúp chúng ta có thể nhìn thấy đư­ợc thế giới xung quanh ta.

Thị lực sẽ bị giảm hay bị mất hoàn toàn nếu giác mạc trở nên mờ đục do bị bệnh, tổn th­ương hoặc nhiễm khuẩn.

 

 

* Cho em hỏi: Hiện nay ở nước ta có bao nhiêu người bị mù. Nguyên nhân của bị mù là do những nguyên nhân gì? Bạn của em bị mù thì có cách nào để chữa? - (Hồng Liên, 32 tuổi, Nữ , Đi Cấn, Ba Đình, Hà Nội)

TS – BS Phạm Ngọc Đông (phải) và ông Nguyễn Hữu Hoàng

TS – BS Phạm Ngọc Đông:

Tỷ lệ mù loà ở nước ta hiện nay là 0,65%. Như vậy, tính trên 80 triệu dân số thì số lượng người mù là rất lớn. Nguyên nhân mù loà hiện nay chính là bệnh đục thể thuỷ tinh, glocom, bệnh mắt hột. Trong số nguyên nhân gây mù thì bệnh lý mù loà do giác mạc cũng chiếm 1 tỷ lệ khá lớn. Hiện nay có tới 100.000 người bị mù 2 mắt do bệnh lý giác mạc. Trong số các nguyên nhân gây mù có bệnh chữa được, cũng có bệnh chưa  thể chữa được. Vì vậy, trường hợp bạn em bị mù thì phải đi khám để tìm nguyên nhân gây mù thì mới có thể biết được là có chữa được hay không.

 

Thưa các bác sĩ, ghép giác mạc là gì? Khi nào thì có chỉ định ghép giác mạc? - (Xuân Mai , 45 tuổi, Nữ , tỉnh Lâm Đồng)

* TS.BS Phạm Ngọc Đông: Ghép giác mạc là phẫu thuật thay thế giác mạc bệnh lý của người bệnh bằng giác mạc bình thường của người hiến. Vì vậy, khi người bệnh bị các bệnh lý ở giác mạc làm cho giác mạc mờ đục, ảnh hưởng đến thị lực thì có chỉ định ghép giác mạc. Một số trường hợp, giác mạc bị thủng do loét giác mạc, bỏng giác mạc thì cũng cần phải được ghép giác mạc.

 

* Bác sĩ cho em hỏi tại sao việc hiến giác mạc hiện nay còn hiếm đến vậy? - (Thanh Tùng , 30 tuổi, Nam , tỉnh Thái Nguyên)

TS –BS Phạm Ngọc Đông: Tôi muốn hỏi em rằng, nếu em được đề nghị hiến giác mạc thì em có đồng ý hay không?

Trên thực tế, hiến giác mạc còn là một khái niệm khá mới mẻ. Vì vậy, rất nhiều người chưa biết hoặc nếu đã biết thì chưa chắc đã đồng ý hiến. Người ta chưa đồng ý hiến vì họ chưa hiểu được lợi ích của việc hiến giác mạc là đem lại ánh sáng cho người mù. Hơn nữa, cách nghĩ của phần lớn của người Việt là không muốn cơ thể của mình bị thay đổi khi mất. Đó là những lý do làm cho số người hiến của Việt Nam còn rất ít. Kể từ năm 2007 đến nay, đã có 119 người hiến ở Việt Nam. Chúng tôi hy vọng trong tương lai con số này sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

 

* Hiến giác mạc có cần sự đồng ý của người thân không? (Hồng Hạnh, Bắc Ninh) - (Hồng Hạnh, 30 tuổi, Nữ , Bắc Ninh)

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Mắt: Hiến giác mạc cần phải có sự đồng ý của thân nhân gia đình người hiến. Bởi vì khi người hiến giác mạc qua đời thì người thân sẽ là cầu nối liên kết với ngân hàng mắt để thực hiện các thủ tục hiến tặng cũng như thực hiện nguyện vọng của người hiến.

 

Cho tôi hỏi, những ai có thể hiến giác mạc? Những trường hợp nào không thể hiến tặng giác mạc (Chống chỉ định tuyệt đối) - (Vũ Hoàng, 56 tuổi, Nam , tỉnh Bến Tre )

Ông Nguyễn Hữu Hoàng (phải) đang trả lời độc giả VOV Online

* Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Mắt: Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể ngư­ời và hiến, lấy xác được Quốc Hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2007: người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.

Bất cứ ai từ 18 tuổi trở lên cũng có thể hiến giác mạc sau khi qua đời không phụ thuộc vào giới tính, mầu da…

+ Những người có thị lực kém và ngay cả những người mắc bệnh nan y như: ung thư hay đái tháo đường, kể cả người phải đeo kính thuốc, từng phẫu thuật mắt vẫn có thể hiến tặng giác mạc.

Giác mạc chỉ được thu nhận sau khi người hiến tặng qua đời.

 Những trường hợp nào không thể hiến tặng giác mạc (Chống chỉ định tuyệt đối)

+ Chết không rõ nguyên nhân

+ Viêm gan do virus cấp tính

+ Nhiễm trùng máu

+ Bệnh vàng da

+ Bệnh dại, uốn ván, tả

+ HIV/AIDS

+ Ung thư tại mắt

 

* Thưa các bác sĩ, người thân cần làm gì khi người đăng ký hiến giác mạc qua đời? - (Tiến Toàn, 56 tuổi, Nam , tỉnh Quảng Ninh)

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Mắt: Thân nhân người đăng ký hiến giác mạc cần bàn bạc với gia đình để có sự thống nhất trước khi thực hiện của người hiến.

- Để có được giác mạc tốt thì ngay sau khi người hiến qua đời, thân nhân cần:

- Vuốt mắt để mắt nhắm kín

- Đặt bông ẩm hoặc đắp khăn ướt (có đá ở trên) lên mắt

- Tắt quạt, bật điều hoà hoặc quạt thông gió

- Đặt đầu lên gối cao.

- Báo ngay cho Ngân hàng Mắt.

 

* Thưa bác sĩ, hiến giác mạc có ảnh hưởng đến người quá cố và kế hoạch tổ chức tang lễ hay không? Thời gian thu nhận giác mạc mất bao lâu? - (Minh Nguyệt, 48 tuổi, Nữ, tỉnh Kiên Giang)

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Mắt: Thu nhận giác mạc của người hiến là bóc tách một lớp màng trong suốt nằm ngoài cùng nhãn cầu, do đó việc thu nhận giác mạc được tiến hành nhanh chóng (khoảng 25 - 30 phút) nên không ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức tang lễ của gia đình người hiến.

Kỹ thuật viên chỉ tách lấy lớp giác mạc mỏng phía trước lòng đen, chứ không phải lấy toàn bộ nhãn cầu nên sau khi thu nhận giác mạc, khuôn mặt người hiến hoàn toàn không có gì thay đổi.


* Cho đến nay đã có bao nhiêu người Việt Nam hiến giác mạc? Tỉnh nào có nhiều người hiến nhất? Một người hiến giác mạc thì có thể ghép được cho bao nhiêu người? Thời gian nào là tốt nhất để lấy giác mạc? - (Quốc Khánh , 42 tuổi, Nam , TP HCM)

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Mắt:  Tính đến nay, cả nước đã 119 người đã hiến tặng giác mạc. Trong đó Ninh Bình là tỉnh có nhiều người hiến nhất.

Một người hiến 2 giác mạc của 2 mắt sẽ đem lai ánh sáng cho 2 người mù.

- Giác mạc chỉ đ­ược lấy ngay sau khi ngư­ời hiến qua đời.

- Thời gian tốt nhất để lấy giác mạc là trong khoảng 6-8 giờ sau khi người hiến qua đời.


* Người hiến bị bệnh gì thì không dùng giác mạc để ghép? (Bich Liên, 40 tuổi, Nữ, Ninh Binh)

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Mắt: Những giác mạc của người hiến mắc bệnh HIV, viêm gan B, viêm gan C, bệnh dại, bò điên thì không dùng để ghép cho người bệnh mà chỉ dùng cho mục đích nghiên cứu khoa học và đào tạo


* Tôi nghe nói khi bị mù thì có thể tìm người hiến giác mạc hoặc tìm đến ngân hàng mắt ? Vậy ngân hàng mắt là gì? Các hoạt động của ngân hàng mắt?  (Tuấn Đạt, 40 tuổi, Nam , tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Mắt: Không phải bị mù là cũng có thể thay được giác mạc. Chỉ có những người bị mù lòa do các bệnh lý giác mạc gây ra và có chỉ định ghép giác mạc của bác sĩ sau khi khám mới có thể tiến hành ghép giác mạc.

Ngân hàng mắt :

- Là một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận.

- Là cầu nối giữa những người hiến tặng với những người mù cần được ghép giác mạc.

- Có trách nhiệm thu nhận, đánh giá chất lượng, lưu giữ, bảo quản và cung cấp những giác mạc được hiến tặng để ghép cho bệnh nhân.

Nhiệm vụ của Ngân hàng Mắt?

 - Thu nhận giác mạc của người hiến tặng

- Sàng lọc những giác mạc theo tiêu chuẩn của Ngân hàng mắt.

- Đánh giá chất lượng giác mạc

- Xét nghiệm HIV, Viêm gan B …

- Cung cấp những giác mạc có chất lượng phục vụ cho công tác phẫu thuật.


* Thưa bác sĩ, những nguyên nhân nào gây ra bệnh mù giác mạc? (Tuấn Thành, 31 tuổi, Nam , tỉnh Cà Mau)

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Mắt:

+ Chấn th­ương mắt.

+ Viêm loét giác mạc.

+ Loạn d­ưỡng bẩm sinh, di truyền

+ Những biến chứng sau phẫu thuật mắt.

+ Bỏng giác mạc.


* Bác sĩ ơi, thời gian phẫu thuật ghép GM là bao lâu? Tỉ lệ thành công của ghép giác mạc là bao nhiêu phần trăm? (Quang Tuyến, 50 tuổi, Nam , Bắc Ninh)

TS – BS Phạm Ngọc Đông

: Trung bình thời gian cho 1 ca ghép giác mạc là khoảng 1 tiếng. Tuy nhiên, tuỳ theo mức độ phức tạp của bệnh lý mà thời gian ghép có thể nhanh hoặc lâu hơn. Tỷ lệ thành công của ghép giác mạc tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng yếu tố quan trọng nhất là bản thân bệnh lý của người được ghép. Với nhóm bệnh lý có tiên lượng tốt như các trường hợp loạn dưỡng giác mạc bẩm sinh di truyền thì tỷ lệ thành công sau ghép là trên 90%. Còn các trường hợp ghép điều trị viêm loét giác mạc, bỏng mắt thì tỷ lệ thành công thấp hơn nhiều.

* Thưa bác sĩ, chế độ chính sách và quyền lợi của gia đình thân nhân người hiến. (Gia đình người hiến có được trả tiền không? Chế độ đối với gia đình người hiến như thế nào? Xin cảm ơn bác sĩ (Hồng Thắm, 35 tuổi, Nữ, Hà Nội)

TS – BS Phạm Ngọc Đông: Hiến giác mạc là một nghĩa cử cao đẹp. Giác mạc là món quà vô giá cho người không may bị mù loà. Vì vậy, khó có thể tính bằng tiền được. Hơn nữa, chắc bạn cũng biết là pháp luật của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều cấm hành vi mua bán mô tạng.

Ở Việt Nam, nếu một gia đình có người hiến thì sẽ được ngành Y tế và Bệnh viện Mắt Trung ương tôn vinh tặng bằng Ghi nhận Nghĩa cử Cao đẹp. Nếu thân nhân của người hiến cần phải ghép giác mạc thì sẽ được ưu tiên ghép sớm. Bố mẹ hoặc con cái của người hiến khi khám mắt ở Bệnh viện Mắt Trung ương thì sẽ được khám miễn phí.


* Thưa bác sĩ, xin cho biết thủ tục huỷ bỏ đăng ký hiến giác mạc?. (Thuỳ Linh, 45 tuổi, Ninh Bình)

TS-BS Phạm Ngọc Đông: Bạn thân mến, thủ tục rất đơn giản. Nếu bạn đã đăng ký hiến nay lại muốn huỷ bỏ ý định này thì chỉ cần thông báo với Ngân hàng Mắt bằng thư điện tử. (nganhangmat@vnio.vn) hoặc điện thoại miễn phí 1800545494; 0439454799.


* Con tôi đã bị đau mắt từ lâu và gần đây, cháu nhìn rất mờ. Tôi đã đưa cháu đi khám nhiều nơi và bác sĩ kết luận cháu bị bệnh giác mạc. Vậy tôi phải làm gì khi cháu bị bệnh giác mạc? (Lê Thanh Sợi, 38 tuổi, Nữ, tỉnh Yên Bái)

TS-BS Phạm Ngọc Đông: Như chị nói, cháu bị bệnh giác mạc nhưng không biết rõ là bệnh gì. Vì vậy, sẽ không thể có biện pháp điều trị được. Chị nên đưa cháu đến khám tại phòng khám của khoa Kết giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương. Ở đây, các bác sĩ sẽ khám để chẩn đoán chính xác bệnh của cháu và có phương án điều trị thích hợp. Chúc cho cháu nhanh lành bệnh.


* Xin chào bác sĩ. Em nay được 30 tuổi, em bị loạn thị mắt phải từ nhỏ còn mắt trái bình thường. Đi khám ở bệnh viện mắt Quy Nhơn, Bình Định, BS khuyên đeo kính cận, em đã đeo thử nhưng rất khó vì chỉ 1 mắt cận 1 mắt không. Dạo này em thường hay mờ mắt khi ra đường vào buổi tối. Em muốn hỏi BS trường hợp của em có phẫu thuật được không? Nếu phẫu thuật thì Bệnh viện nào tốt nhất? Cảm ơn bác sĩ nhiều! (Trần Thị Mỹ Lệ, 30 tuổi, tranthimylenmk@yahoo.com)

TS-BS Phạm Ngọc Đông:

Chào em. Theo như thông tin em cung cấp thì thật khó đưa ra lời khuyên vì em nói là bị loạn thị nhưng bác sĩ lại cho đeo kính cận. Vì vậy, việc đầu tiên là em phải đi khám để xác định xem em bị cận hay bị loạn thị hoặc cả 2... Khi đó mới có lời khuyên là nên đeo loại kính gì. Nếu sự chênh lệch về khúc xạ giữa 2 mắt dưới 2 đi ốp thì hoàn toàn có thể đeo kính. Nếu trên 2 đi ốp thì việc đeo kính là rất khó khăn do có sự khác biệt về hình ảnh giữa 2 mắt. Trong trường hợp này, em có thể phẫu thuật để điều chỉnh tật khúc xạ tại các bệnh viện chuyên khoa mắt.

* Khi nào thì người bệnh phải ghép giác mạc? Đối tượng điều trị giác mạc? (Tiến Dũng, Cầu Giấy, Hà Nội)

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Mắt: Bệnh nhân bị mù loà do các bệnh lý giác mạc gây ra sau khi được bác sĩ khám và có chỉ định ghép giác mạc thì lúc đó mới có thể đăng ký để chờ ghép giác mạc.


* Thưa bác sĩ, mẹ con bị bệnh viên giác mạc và con đã đưa mẹ con đi nhiều nơi chữa nhưng vẫn chưa khỏi bệnh. Bệnh của mẹ con chữa rất lâu, từ tháng 4/2011 đến hôm nay mà chưa khỏi. Bây giờ mẹ con cứ kêu đau ở mắt. Con kính mong bác sĩ cho lời khuyên và cách chữa . (Lệ Chiến, 26 tuổi, Nam, Nghệ An)

TS-BS Phạm Ngọc Đông: Tôi thật chia sẻ với em vì mẹ em bị bệnh đã 5 tháng nay mà vẫn chưa khỏi. Viêm giác mạc có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và vì vậy phải chẩn đoán được nguyên nhân thì việc điều trị mới có kết quả. Em có thể đưa mẹ đến khám tại Phòng Khám của Khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương (85 Bà Triệu, Hà Nội) để các bác sĩ khám và điều trị cho mẹ em. Chúc cho mẹ em nhanh khỏi bệnh.


* Chi phí cho 1 phẫu thuật ghép giác mạc là bao nhiêu? (Thuy Thuy, 55 tuổi, Nữ, Ha Noi)

TS-BS Phạm Ngọc Đông: Chi phí cho 1 ca ghép giác mạc gồm 2 phần: chí phí cho giác mạc và chi phí phẫu thuật. Giác mạc là do người đã mất hiến tặng và Ngân hàng Mắt không trả tiền cho người hiến cũng như gia đình. Tuy nhiên, để có được giác mạc này, Ngân hàng Mắt phải cử người tới tận gia đình người hiến để thu nhận, phải làm các xét nghiệm để loại trừ các bệnh có thể lây sang cho người được ghép, mua chất bảo quản để bảo quản giác mạc... Người được ghép sẽ phải hoàn trả lại các chi phí này cho Ngân hàng Mắt. Ở thời điểm hiện nay, chi phí để có một giác mạc đủ chất lượng ghép cho bệnh nhân khoảng 4 triệu đồng. Chi phí phẫu thuật ghép khoảng 6 triệu đồng. Như vậy, chi phí cho một ca ghép giác mạc trung bình là 10 triệu.


* Viêm giác mạc có nguy hiểm không? (Ngọc Linh, 50 tuổi, Nữ, Hà Nội)

TS.BS Phạm Ngọc Đông: Viêm giác mạc là một bệnh lý nguy hiểm vì nó có thể gây ra mù lòa, thậm chí có trường hợp dẫn tới thủng giác mạc phải bỏ nhãn cầu. Vì vậy, bệnh nhân bị viêm giác mạc cần phải được khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng gây tổn hại thị lực.


* Xin bác sĩ cho biết, bệnh bồ đào là gì, có nguy hiểm không? - (Lý Thu Hòa, 38 tuổi, Nữ, Mộc Châu, Sơn La)

TS.BS Phạm Ngọc Đông: Bạn nói bệnh bồ đào chắc là bạn muốn ám chỉ bệnh viêm màng bồ đào. Đây là một bệnh tương đối khó chữa và có thể tái phát thường xuyên. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn tới mù lòa. Khi bị viêm màng bồ đào, bệnh nhân cần phải được điều trị sớm. Khi đã khỏi bệnh, bệnh nhân vẫn cần phải đến khám theo hẹn của bác sĩ để phát hiện các biến chứng hoặc các đợt tái phát.


* Xin các bác sĩ cho biết, trẻ em có thể hiến giác mạc được không? - (Thanh Hương, 45 tuổi, Nữ, Chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội)

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Mắt: Bạn thân mến, trẻ em cũng có thể hiến giác mạc. Ngân hàng Mắt đã nhận được giác mạc của người hiến trẻ nhất ở Ninh Bình là một em bé 6 tuổi.

Vì vậy, bất cứ ai có nguyện vọng hiến giác mạc đều có thể thực hiện được nếu có sự đồng ý của người thân.


* Mắt tôi bị cận 7 đi ốp  gần 30 năm rồi bây giờ muốn thay giác mạc từ ngân hàng mắt thì thủ tục điều kiện kinh phí ra sao xin bác sĩ cho biết nếu có điều kiện cho phép thì tôi sẽ được thay giác mạc không - sức khỏe bình thường không bị bệnh gì. Xin chân thành cảm ơn Bác sĩ - (Võ Hải, 46 tuổi, Nam, 183B/7 Tôn Thất Thuyết P4Q4 TPHCM)

TS. BS Phạm Ngọc Đông: Trước hết, phải nói rằng nếu chỉ bị cận thị đơn thuần thì không có chỉ định ghép giác. Ghép giác mạc chỉ dùng khi bệnh nhân có giác mạc bị mờ đục, mất tính trong suốt. Vì vậy, trường hợp của bạn không cần phải ghép giác mạc. Còn các trường hợp khác sau khi có chỉ định ghép giác mạc của bác sĩ bệnh nhân cần phải đăng ký vào danh sách chờ ghép tại Ngân hàng Mắt, chúng tôi sẽ mời bệnh nhân đến ghép khi có giác mạc của người hiến.


* Tôi bị tại nạn, chấn thương ở mắt phải. Đã mổ treo thủy tinh thể nhân tạo ở BV Mắt Trung ương. Nhờ các bác sĩ, thị lực mắt phải của tôi ổn và tốt hơn nhiều so với lúc trước khi phẫu thuật. Mặc dù đã mổ được 1 năm nhưng hàng ngày mắt của tôi vẫn có dử trong. Có hôm cảm thấy mắt rất khô và rát. Hàng ngày tôi vẫn nhỏ nước muối mua ở hiệu thuốc. Xin bác sĩ cho biết, tôi có phải khám lại và có cần dùng thêm thuốc gì không? - (Phỉ Thúy, 55 tuổi, Nữ, 48 Tăng Bặt Hổ, Hà Nội)

* BS.TS Phạm Ngọc Đông: Như bạn mô tả, bạn có thể đang bị viêm kết mạc và kèm theo khô mắt. Bạn nên đến khám lại để được xác định tình trạng bệnh và điều trị phù hợp.


* Cách phòng tránh các bệnh lý về giác mạc? bảo vệ giác mạc? (Minh Lan, 35 tuổi, Nữ, TP HCM)

TS-BS Phạm Ngọc Đông:

Giác mạc là một màng mỏng trong suốt chỉ dày 0,5mm. Giác mạc lại tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị tổn thương. Vì vậy, để có con mắt khoẻ mạnh, giác mạc trong suốt thì bạn cần tránh tất cả các chân thương có thể vào mắt. Khi đi đường, bạn nên đeo kính bảo vệ mắt. Nếu làm các công việc có nguy cơ gây chấn thương cho mắt như khi tuốt lúa, hàn xì... thì cần phải đeo kính bảo vệ. Khi có các dấu hiệu khó chịu ở mắt, bạn không nên tự ý mua thuốc để nhỏ mắt mà cần phải đi khám tại các phòng khám chuyên khoa về mắt.

* Xin bác sĩ cho cháu biết là bệnh viêm loét giác mạc có thể chữa được không ạ? Nếu chữa thì chữa như thế nào. Cháu đã khám ở bệnh viện Mắt Trung ương nhưng bác sĩ ở đó bảo là không chữa khỏi được? - (Ngo Tien Anh, 35 tuổi, Nam, Lạng Sơn)

TS.BS Phạm Ngọc Đông: Nhìn chung, viêm loét giác mạc là bệnh có thể chữa khỏi được. Viêm loét giác mạc có thể do nguyên nhân nhiễm trùng hoặc không phải là nhiễm trùng. Để điều trị bệnh này, cần phải chẩn đoán được nguyên nhân gây viêm loét và điều trị bằng các thuốc phù hợp. Bạn có thể đưa bệnh nhân đến phòng khám Khoa Kết giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương để khám và điều trị.


* Tôi bị lác mắt trái từ nhỏ. Thị lực thì không ảnh hưởng gì nhưng về thẩm mỹ thì không hài lòng. Xin bác sĩ cho biết, năm nay tôi đã 35 tuổi rồi thì có mổ để cải thiện tình trạng lác được không? Xin cảm ơn. (Nguyễn Hiền, 35 tuổi, Nam, Thanh Trì, Hà Nội)

TS.BS Phạm Ngọc Đông: Nếu bạn bị lác từ nhỏ mà thị lực không bị ảnh hưởng thì bạn bị lác luân phiên 2 mắt. Bạn nên đến khám để được phẫu thuật chỉnh lác nhằm cải thiện thẩm mỹ. Kết quả phẫu thuật trong trường hợp của bạn thường khả quan hơn so với những trường hợp khác. Chúc bạn sớm thu xếp đi phẫu thuật để có đôi mắt đẹp hơn!


* Xin bác sĩ cho biết cách sử dụng máy tính đúng sao cho giảm tác hại đối với mắt và các biện pháp khắc phục các triệu chứng như mắt mệt mỏi, nhìn mờ, đau đầu khi sử dụng máy tính? Xin cảm ơn bác sỹ.

Xin hỏi bác sỹ, việc thường xuyên sử dụng thuốc tra mắt (loại rửa mắt) với mục đích rửa mắt có nguy cơ gì không? (Phạm Thị Hồng Liên, 26 tuổi, Nữ, Hưng Yên)

TS – BS Phạm Ngọc Đông: Hiện nay, khó ai có thể làm việc mà không dùng máy tính. Tuy nhiên, máy tính cũng gây ra một số tác hại cho sức khoẻ, đặc biệt là đôi mắt. Khi làm việc với máy tính lâu, người dùng máy thường có cảm giác nhức, mỏi mắt, khô rát mắt. Để giảm các triệu chứng này, bạn không nên sử dụng máy tính liên tục trong 1 thời gian dài. Khi dùng máy nhớ phải chớp mắt để tránh hiện tượng khô mắt. Thỉnh thoảng bạn nên thay đổi tầm nhìn, nhìn ra xa để giảm sự điều tiết của mắt. Bạn có thể dùng các chế phẩm như nước mắt nhân tạo để làm bôi trơn mắt.


* Con gái tôi hiện được 21 tháng. Lúc sơ sinh mắt cháu lúc nào cũng ướt, tôi cho cháu đi khám, được bác sĩ chuẩn đoán tắc tuyến lệ và BS đã thông tuyến lệ cho cháu (khi 4 tháng tuổi). Thời gian sau đó mắt cháu có đỡ, không còn ướt như trước. Nhưng từ khi 1 tuổi cho đến nay, mắt phải của cháu vẫn hay bị ướt, có gỉ mắt (nhất là khi cháu bị ho, sổ mũi). Tôi vẫn thường xuyên rửa mắt cho cháu bằng nước muối nhạt. Xin bác sĩ cho hỏi,mắt cháu như thế có nguy hiểm không? Gia đình tôi cần làm gì để mắt cháu không bị như thế nữa? Xin chân thành cảm ơn bác sĩ (Triệu Thị Hương Lan, 28 tuổi, Nữ, TP Lào Cai)

TS.BS Phạm Ngọc Đông: Tôi xin đính chính lại là con bạn bị tắc lệ đạo chứ không phải tắc tuyến lệ. Bệnh lý này rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Con bạn đã được thông lệ đạo và hết chảy nước mắt. Khi con bạn bị ho, sổ mũi mà có kèm chảy nước mắt thì cũng là chuyện bình thường vì lúc đó ống lệ mũi bị tắc bởi các chất xuất tiết ở mũi.

Khi khỏi ho, sổ mũi mà vẫn còn chảy nước mắt thì bạn cần phải  cho con đi khám ở các cơ sở nhãn khoa vì lúc này ống lệ mũi chưa thông hoàn toàn. Các bác sĩ có thể cho thông lại lệ đạo hoặc là phải mổ để tạo thành đường dẫn nước mắt mới.


* Thưa bác sĩ, em có một câu hỏi về mắt nhờ bác sĩ tư vấn giúp ạ. Gần đây ở góc đuôi mắt dưới có xuất hiện những hạt nhỏ như trứng cá, trong màu trắng đục, cuộn thành nhóm. Cả 2 góc mắt đều bị. Mắt em hiện tại vẫn bình thường, nhìn rõ, không bị các bệnh về mắt khác. Cảm ơn bác sĩ. - (Trần Ngọc, 27 tuổi, Nữ , Nguyễn Trãi, TP HCM)

TS-BS Phạm Ngọc Đông: Như em tả thì có thể em bị viêm bờ mi. Để điều trị bệnh này, em cần lau sạch chất tiết màu trắng ở bờ mi, sau đó nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý. Trước khi lau chất tiết, em có thể dùng khăn bong thấm nước ấm đắp lên mắt khoảng 5 phút. Làm như vậy trong khoảng 2 tuần thông thường bệnh sẽ khỏi. Nếu không khỏi, em nên đến thầy thuốc chuyên khoa để được khám và điều trị.


* Tôi bị viêm thần kinh đáy mắt, có khi thì BS bảo tôi bị lão hóa võng mạc, đã uống thuốc vài lần theo đơn của BS. Khi uống thuốc thì mắt nhìn rõ hơn. Ngừng uống thì cảm giác mỏi mệt tăng và nhìn mọi vật mờ ảo.Tôi phải chữa sao đây? - (Dương Nguyệt Ánh, 52 tuổi, Nữ , đài PT-TH Quảng Bình)

TS – BS Phạm Ngọc Đông: Viêm thần kinh đáy mắt không phải là một bệnh mà chỉ là một nhóm bệnh. Vì vậy, bác cần phải đi khám tại Khoa Đáy mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) để xác định rõ là bác bị bệnh gì. Trong số các bệnh ở đáy mắt có những bệnh có thể chữa khỏi những cũng có những bệnh chỉ có thể làm giảm tốc độ phát triển bệnh mà thôi.

Sau gần 2 tiếng đồng hồ, các chuyên gia tư vấn đến từ Bệnh viện Mắt TW đã trả lời phần lớn những thắc mắc của độc giả các vấn đề về hiến giác mạc và các bệnh về mắt. Xin cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên