40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc: VOV, những ký ức không quên
VOV.VN - Chiến tranh biên giới và những đóng góp của VOV được thể hiện trong chương trình giao lưu nghệ thuật có chủ đề "Chiều dài biên giới".
Sáng nay (21/2), tại Trung tâm Phát thanh quốc gia (58 phố Quán Sứ, Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Chương trình giao lưu Nghệ thuật kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc với chủ đề "Chiều dài biên giới".
Chương trình nhằm ôn lại trang sử hào hùng của đất nước, những đóng góp của Đài TNVN (VOV) trong cuộc chiến, tri ân những cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nghệ sỹ, kỹ thuật viên trong thời kỳ này.
Chương trình giao lưu nghệ thuật "Chiều dài biên giới" |
Đến dự chương trình có Trung tướng Đặng Quân Thuỵ, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; ông Vũ Mão, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Bí thư Huyện uỷ Tiên Yên ( Quảng Ninh); bà Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc của Chính phủ; ông Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cùng lãnh đạo các ban bộ ngành của Trung ương và thành phố Hà Nội.
Tổng giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ và nhạc sĩ Phạm Tuyên, tác giả ca khúc "Chiến đấu vì độc lập tự do". |
40 năm trước, Đài TNVN với tư cách là Đài Phát thanh Quốc gia đã phát đi “lời hịch non sông”. Cùng với lời kêu gọi, các nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ, ca sĩ, kỹ thuật viên... đã góp sức cùng quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Những tin tức, bài viết, những lời thơ, câu hát, chương trình của Đài TNVN đã phản ánh không khí hào hùng của cuộc chiến đấu, động viên tinh thần anh dũng của quân và dân ta, chia sẻ những mất mát đau thương, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự do.
Vào đêm 17/2/1979, khi nghe tin Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc, nhạc sĩ Phạm Tuyên khi đó đang công tác tại Đài TNVN. Ông kể "Tôi nhận thấy đây là cuộc chiến tranh rõ ràng, không còn chỉ là những xung đột nhỏ lẻ. Khi nghĩ về đất nước vừa trải qua bao nhiêu vết thương, lại phải gồng mình trước cuộc chiến tranh mới, lòng tôi trào dâng những cảm xúc khó tả, thôi thúc tôi đặt bút viết bài hát “Chiến đấu vì độc lập, tự do” với tinh thần khái quát mục đích của cuộc chiến tranh cùng mong muốn như là tiếng chuông cảnh tỉnh, báo cho mọi người biết về cuộc chiến tranh và hãy đứng lên bảo vệ biên cương Tổ quốc: “Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương! Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng. Mang trên mình còn lắm vết thương. Người vẫn hiên ngang ra chiến trường. Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người. Độc lập - Tự do!”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và ca sỹ Tuyết Thanh tại cuộc giao lưu. Nhạc sĩ Phạm Tuyên năm nay đã bước sang tuổi 90. |
Bà Tuyết Thanh lúc đó là ca sỹ của Đài Tiếng nói Việt Nam là người đầu tiên hát bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” cho biết, bà và các nghệ sĩ của Đài đã tập bài hát này và các bài hát khác tập ngày đêm để kịp tuyên truyền, kịp thời động viên các chiến sỹ.
"Sau 3 ngày chiến tranh nổ ra, nhạc sỹ Phạm Tuyên viết xong bài hát, chúng tôi đã gấp gáp thu thanh để kịp thời phát sóng động viên anh em chiến sĩ và ca ngợi tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Anh em chúng tôi làm ngày, làm đêm vì có nhiều nhạc sĩ của khắp cả nước gửi tác phẩm về thì cứ phải thay nhau thu thanh", bà Tuyết Thanh nhớ lại.
Kỷ niệm đặc biệt nhất của nghệ sỹ Tuyết Thanh chính là một lần bà hát bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” cho các thương binh nghe. Trong lần đó có một em thương binh nặng, khoảng 18 tuổi đã nói rằng rất thích bài hát này. Tuy nhiên, ngay sau khi bà hát cho các thương binh khác rồi quay trở lại giường bệnh, chiến sỹ trẻ đó đã hy sinh.
Nhà báo Kim Cúc- nguyên Phó Tổng giám đốc Đài TNVN |
Vào thời điểm đó, tại Đài TNVN, tất cả cán bộ, công nhân viên, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, văn nghệ sĩ đều dành ưu tiên cao nhất, dành tình cảm lớn nhất cho vùng biên giới. Không ít phóng viên được cử ra chiến trường để có những tin, bài nóng hổi về trận chiến, kịp thời động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta; trong đó có nhà báo Kim Cúc (nguyên Phó Tổng giám đốc Đài TNVN); nhà báo Vĩnh Trà (nguyên Trưởng ban Thư ký biên tập Đài TNVN)… Nhà báo Kim Cúc, nguyên Phó tổng Giám đốc Đài TNVN nhớ lại những năm tháng có mặt tại Lào Cai để phản ánh về cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
"Đến thị xã Lào Cai, chúng tôi chứng kiến cảnh tan hoang do bị tàn phá. Cảm xúc lúc đó của tôi là sự đồng cảm với người dân và chiến sỹ bảo vệ biên cương. Tinh thần anh dũng, sự kiên cường quyết bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc thiêng liêng thể hiện trong hành động của người chiến sỹ. Chính những điều đó đã thôi thúc động viên chúng tôi vượt lên khó khăn thách thức trong cuộc chiến để hoàn thành công việc của mình là phản ánh khách quan sự thật trong cuộc chiến đó", nhà báo Kim Cúc bồi hồi nhớ lại.
Nguyên Phó Tổng giám đốc Đài TNVN Đoàn Việt Trung và ca sĩ Thanh Hoa tại cuộc giao lưu. |
Trong khi đó, ông Đoàn Việt Trung - nguyên Phó Tổng Giám đốc VOV rưng rưng nói: "Đêm hôm trước khi diễn ra cuộc giao lưu này, tôi xúc động tới mức không ngủ được. Những ký ức của 35 ngày đêm sống ở cửa khẩu Hữu Nghị Quan lại hiện về trong tôi.
Khi đó, tôi và hai người khác được lệnh từ lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam phải cấp tốc làm một xe phóng thanh lên vùng biên giới. Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là tuyên truyền, giải tán đám đông mà hoàn toàn khác so với những gì chúng tôi hình dung trước đó.
Khi chúng tôi vừa vào sân Hữu Nghị Quan, phía bên kia dùng đài phát thanh rêu rao Việt Nam cho xe bít kín lên để bắt bớ, khủng bố người Hoa hiện đang sinh sống ở đó.
Chúng tôi phải nhanh chóng đi mắc loa để ngay ngày hôm sau bắt đầu phát và tiếp sóng các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong chương trình của Đài có những bài bình luận rất sắc sảo, củng cố lòng tin của quân và dân vùng biên giới, đồng thời khiến phía bên kia phải lo sợ".
Ông Đoàn Việt Trung cho hay, ông phải ngủ ngay dưới chân máy để sáng sớm có thể bật loa phát thanh sớm hơn phía bên kia biên giới.
"Nếu hôm nào để đài của họ phát sóng trước 5 hoặc 10 phút là chúng tôi điên lắm. Hôm nào đài của mình phát trước là chúng tôi vui cả ngày. Đài Tiếng nói Việt Nam trở thành điểm tựa tinh thần lớn cho quân và dân lúc bấy giờ" - Ông Đoàn Việt Trung nói.
Ông Trung cũng nghẹn ngào khi nhớ lại việc trực tiếp chứng kiến sự hy sinh anh dũng của Lê Đình Chinh - chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang đầu tiên (nay là Bộ đội Biên phòng) hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới.
"Tôi đã thẫn thờ ngồi cạnh thi thể của Lê Đình Chinh trong suốt một đêm. Tôi không bao giờ có thể quên được ký ức đau buồn đó" - Ông Trung nói.
Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. |
Những tin tức, bài viết, những lời thơ, câu hát, chương trình của Đài TNVN đã kịp thời chia sẻ những mất mát đau thương, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự do của nhân dân ta. Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh và từng là Chính trị viên các lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện trong thời gian chiến tranh biên giới phía Bắc cho biết, một trong những nguồn động viên tinh thần đối với chiến sỹ và người dân khu vực biên giới trong những ngày chiến đấu ác liệt gian khổ hi sinh ấy chính là những bài báo, bài thơ, câu hát được phát trên đài phát thanh của Đài TNVN.
"Những bài hát của bác Phạm Tuyên, của nhạc sỹ Thế Song, rồi những bài hát của anh Tôn Thất Lập có sức động viên ghê gớm. Có thể nói là trên các phương tiện truyền thông thì nhân dân và chúng tôi theo dõi rất kỹ và công tác tuyên truyền của chúng tôi trong nhân dân cũng rất quan trọng để dân hiểu được sự nghiệp của mình là chính đáng, hiểu được việc mình làm là có ý nghĩa, mà toàn dân, cả nước đứng sau mình, ủng hộ mình, giúp đỡ mình", ông Vũ Mão chia sẻ.
Các đại biểu tham gia giao lưu. |
Chương trình có sự giao lưu với các vị khách mời là những người đã trực tiếp tham gia trận chiến. Các khách mời không chỉ ôn lại những ký ức hào hùng của trận chiến, mà họ luôn khẳng định tầm quan trọng của phát thanh với trận chiến. Họ nhấn mạnh, Đài phát thanh Quốc gia khi đó là nguồn tin tức chính yếu, là chỗ dựa tinh thần lớn của đồng bào, chiến sĩ.
Đan xen giữa các phần giao lưu trong chương trình, khán giả cũng được chìm trong không khí xúc động, bồi hồi nhớ lại một thời kỳ lịch sử hào hùng của đất nước qua 12 ca khúc và bài thơ được sáng tác trong giai đoạn lịch sử này.
Chương trình là dịp thể hiện sự tri ân của Đài TNVN đối với công lao của quân và dân ta đã góp phần làm nên chiến thắng trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm trước./.