40 năm ra đời bức ảnh “Em bé Napalm”

40 năm sau ngày bức ảnh ra đời, nó vẫn còn giữ nguyên giá trị, giúp người ta gợi nhớ một quá khứ kinh hoàng của thời chiến tranh ở Việt Nam.

Khoảnh khắc vô giá này, do Huỳnh Công Út hay còn biết dưới cái tên "Nick" Út, phóng viên hãng tin AP chụp được, sắp tròn 40 tuổi. Bức ảnh, với sức mạnh hơn mọi ngôn từ, đã gợi nhớ về một quá khứ kinh hoàng của thời chiến tranh ở Việt Nam, đồng thời một trong những giai đoạn đen tối của lịch sử nước Mỹ.

Bức ảnh “Em bé Napalm” chụp ngày 8/6/1972. Các em nhỏ đang khóc và chạy trên đường quốc lộ 1 gần Trảng Bàng, Tây Ninh sau khi bom napalm dội xuống làng của các em. Kim Phúc là cô bé ở giữa. Phía sau các em là binh lính của Sư đoàn 25 của chính quyền VNCH.

Nich Út,  lúc đó mới 21 tuổi, đưa Phúc tới một bệnh viện nhỏ. Ở đó, người ta nói với ông rằng tình trạng của con bé quá nặng, không thể chữa trị. Nhưng sau đó, ông đã đưa ra phù hiệu nhà báo, yêu cầu các bác sĩ cứu chữa cho Phúc và đảm bảo rằng cô bé được chăm sóc thích đáng.

"Tôi đã khóc khi nhìn con bé bỏ chạy", Út nói. Anh trai của ông, người cũng từng là một phóng viên của AP, đã chết khi làm nhiệm vụ tại chiến trường đồng bằng sông Cửu Long. "Nếu tôi không giúp cô bé, nếu điều đó xảy ra và cô bé không thể qua khỏi, tôi nghĩ sau đó tôi cũng sẽ tự kết liễu chính mình".

Bức ảnh này sau đó được đưa về trụ sở AP tại Sài Gòn. Đầu tiên họ còn lo sợ bị phản đối do báo chí không dùng các ảnh nude (khỏa thân) nhưng sau đó cuối cùng cũng được chấp nhận. Thậm chí cựu phóng viên ảnh Horst Faas mạnh dạn đưa bức ảnh tham dự giải thưởng Pulitzer danh giá và đã đoạt giải. Cũng trong năm 1973, Em bé Napalm cũng giành luôn cả World Press Photo, giải thưởng ảnh báo chí danh giá nhất thế giới. Mới đây, bức ảnh được tạp chí New Statesman bình chọn là ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại. 

 Nick Út cùng Kim Phúc gặp mặt nữ hoàng Anh Elizabeth II vào ngày 27-6-2000. Ảnh:AP

Kim Phúc sau đó được cử sang Cuba học. Tại Cu Ba, “em bé Nalpalm” gặp người bạn đời, Bùi Huy Toàn và kết hôn năm 1992.

Kim Phúc cũng đã được mời làm Đại sứ Thiện chí của Liên Hợp Quốc trong chương trình giúp đỡ nạn nhân chiến tranh. Một cuốn sách và bộ phim tài liệu về "em bé Nalpalm” ra mắt vào năm 1999.

Nick Út hiện tại vẫn làm phóng viên cho hãng thông tấn AP và ông vẫn thường xuyên quay trở lại Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên