5 ấn phẩm kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Sáng 25/8, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức công bố các ấn phẩm phục vụ kỷ niệm 65 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945 - 2010).
5 ấn phẩm đặc sắc, tiêu biểu được giới thiệu trong dịp này gồm "Việt Nam đổi mới và phát triển", "Việt Nam - đất nước, con người", "Chủ tịch Hồ Chí Minh - ngày này năm xưa", "Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao", "Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2010)".
“Việt Nam đổi mới và phát triển” là cuốn sách rất có giá trị, tổng kết những thành tựu nổi bật mà đất nước ta đã đạt được trong 65 năm qua, kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. 4 phần của cuốn sách khái quát lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời nêu bật các thành tựu cơ bản của nước ta trên các lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, ngoại giao, văn hóa - xã hội…
Cuốn sách “Việt Nam - đất nước, con người” phác họa một cách tổng quan về điều kiện tự nhiên, lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội và thành tựu của Việt Nam trên các lĩnh vực qua 14 chuyên đề khác nhau. Dịp này, cuốn sách được xuất bản lần thứ hai có bổ sung, sửa chữa và cập nhật các thông tin mới, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam của bạn đọc trong và ngoài nước.
Cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh - ngày này năm xưa” (gồm 2 tập) do các nhà sử học của Tạp chí Xưa và Nay biên soạn. Tập 1 cuốn sách đã ra mắt bạn đọc vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5). Cuốn sách phản ánh các sự kiện, công việc thường ngày của Bác với cách tiếp cận mới, định vị theo thời gian mỗi ngày trong năm, xuyên suốt “79 mùa Xuân” của cuộc đời Bác Hồ.
Ấn phẩm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao” tổng kết những kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, nhà ngoại giao kiệt xuất của Việt Nam. Điều quan trọng là từ những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại và từng hoạt động cụ thể của Người, chúng ta có thể rút ra những bài học cần thiết để vận dụng trong thời đại ngày nay.
“Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925 – 2010) là một công trình nghiên cứu công phu, phác họa lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam từ năm 1925 đến nay, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng. Qua từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử, báo chí cách mạng từng bước trưởng thành, lớn mạnh, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chính trị./.