Ẩm thực Việt Nam cần được quảng bá nhiều hơn nữa!
Phóng viên VOV thường trú tại Pháp ghi lại những chia sẻ của bà Marie Anne Page – nhà báo chuyên viết về ẩm thực và là Chủ tịch tổ chức “Làng các trưởng bếp”.
“Làng các trưởng bếp” là một trong những tổ chức tại Pháp đã góp phần giới thiệu văn hoá ẩm thực Việt Nam đến với bạn bè nước ngoài.
PV: Xin bà giới thiệu một số nét khái quát về tổ chức “Làng các trưởng bếp” tại Paris?
Bà Marie Anne Page: Chúng tôi đã quyết định thành lập tổ chức “Làng các trưởng bếp” tại Paris từ năm 2007. Tổ chức là một diễn đàn cho các trưởng bếp đang làm việc ở nước ngoài có cơ hội giao lưu, trao đổi với nhau. Từ diễn đàn này, những đầu bếp có tiếng như ông Didier Corlou đang làm việc ở Việt Nam đã kêu gọi nhiều trưởng bếp khác trên thế giới tham gia tổ chức và giới thiệu về các nền ẩm thực ở những quốc gia mà họ đang làm việc. Họ biết rất rõ các quốc gia này và rất yêu mến nền ẩm thực ở đó, nên có thể nói về các nền ẩm thực đặc sắc này theo cách riêng của mình.
PV: Thính giả ĐTNVN mới đây đã được thông tin về cuốn sách “Ẩm thực ở những nơi khác múi giờ” do tổ chức “Làng các trưởng bếp” của bà xuất bản, trong đó giới thiệu về một số món đặc sản Việt Nam. Vì sao tổ chức lại có ý tưởng cho ra đời cuốn sách này?
Bà Marie Anne Page: Khi đến một đất nước mới lạ, điều trước tiên tôi làm là đi bộ và vào các khu chợ để xem các nông sản địa phương. Tôi nghĩ rằng nếu quan tâm và nói chuyện với người dân bản địa thì chỉ cần qua các món ăn là chúng ta có thể hiểu được rất nhiều điều. Qua một sản vật, chúng ta hiểu được nó đã được trồng như thế nào, ai trồng nó và nguồn gốc của sản vật đó. Mỗi khi tôi làm một món ăn, thì trong món ăn của tôi bao giờ cũng bao hàm hàng ngàn câu chuyện: có hình ảnh của người đánh cá hay người nông dân trồng lúa... Món ăn mà tôi làm ra chỉ là kết quả cuối cùng của một chuỗi những người đã đóng góp công sức của mình để làm ra món ăn đó.
Tóm lại, qua các món ăn, chúng ta có thể hiểu được lịch sử và văn hoá của một đất nước. Cuốn sách của chúng tôi cũng là nhằm để giới thiệu nền văn hoá của các quốc gia trên thế giới.
PV: Chắc hẳn bà đã từng thưởng thức các món ăn Việt Nam, cảm nhận của bà về các món ăn Việt Nam như thế nào?
Bà Marie Anne Page: Tôi tới Việt Nam lần đầu tiên năm 2006 và ngay lập tức tôi đã nhận ra một số hương vị mà tôi từng biết vì tôi có thời gian dài sống ở Abijan (Bờ biển Ngà), nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Trưởng bếp Didier Corlou thường nói với tôi rằng ẩm thực Việt Nam là một trong những nền ẩm thực lành mạnh và hiện đại nhất thế giới và tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Các món ăn Việt Nam thường có các loại rau thơm đi kèm và có nước mắm rất đặc trưng. Nói chung, ẩm thực Việt Nam đáp ứng được sự mong đợi của những ai mong muốn có một sự cân bằng giữa đồ ăn với sức khoẻ thân thể.
Bà Marie Anne Page
PV: Quả thực, nhận xét của bà về các món ăn Việt Nam cũng là nhận xét của rất nhiều người nước ngoài đến thăm đất nước chúng tôi. Với kinh nghiệm của bà, Việt Nam nên làm gì để giới thiệu nhiều hơn nữa các món ăn của mình ra nước ngoài?
Bà Marie Anne Page: Mỗi lần trở về từ một chuyến thăm Việt Nam, tôi thường mang về một chai nước mắm. Ở Pháp, cũng có nước mắm, nhưng vấn đề là tại các khu chợ Tàu, tôi chỉ tìm được những chai nước mắm của Thái Lan mà không tìm đâu được nước mắm Việt Nam. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần phải làm một điều gì đó, chẳng hạn như xuất bản sách để giải thích rằng nước mắm là một sản phẩm của Việt Nam. Cũng như nước mắm, nhiều đặc sản khác, như món phở Việt Nam, cũng cần được khẳng định. Việt Nam phải nỗ lực để nền ẩm thực của mình được nói đến nhiều hơn nữa và phải kêu gọi người nước ngoài đến Việt Nam để trực tiếp thưởng thức các món đặc sản – tin rằng khi họ đã thưởng thức thì sẽ không thể bỏ qua.
Việt Nam cũng phải tìm cách để bảo vệ các đặc sản của mình.
PV: Xin cảm ơn bà!