“Ảnh Ý tưởng” – tấm áo không vừa người

Xoay quanh cuộc thi Ảnh ý tưởng 2012 vừa trao giải có những nghi vấn về giải nhất đạo ý tưởng, ảnh bị “đồ họa hóa”, “hội họa hóa”, ngay cả tên gọi cũng không phù hợp.

Lâu nay, trong các giải thưởng nhiếp ảnh đã có nhiều cuộc tranh cãi về việc sử dụng kỹ xảo trong ảnh. Chính vì vậy nên Cục mỹ thuật mới tổ chức riêng cuộc thi này cho các ảnh có dùng sự can thiệp kỹ xảo (chủ yếu là lắp  ghép bằng photoshop) để đưa ra một ý tưởng nhận định nào đó về cuộc sống, thành một thể loại riêng.

Sáng 24/8, tại phòng triển lãm Bảo tàng Mỹ thuật, diễn ra cuộc tọa đàm về triển lãm Ảnh Ý tưởng do Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh tổ chức. Dự cuộc tọa đàm có rất nhiều nhà nhiếp ảnh của Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, các tác giả sáng tác ảnh, các nhà lý luận nhiếp ảnh, các tác giả ảnh lâu năm có uy tín. Tất cả đều hoan nghênh việc tổ chức cuộc thi và triển lãm này, song bên cạnh đó cũng còn nhiều cái “chưa được” được chỉ ra.

Coppy ý tưởng quá lộ liễu

Theo ông Cao Phong– nguyên Tổng biên tập tạp chí Nhiếp ảnh (Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh) thì triển lãm này có quá nhiều ảnh coppy ý tưởng từ ít phần trăm đến nhiều phần trăm của người khác. Việc học hỏi, ảnh hưởng từ những người khác là khó tránh khỏi nhưng nếu ảnh hưởng nhiều quá thì thành coppy lộ liễu. Có nhiều bức chụp như là coppy lại từ tranh cổ động. Bức ảnh đoạt giải Nhất giống y như một hình ảnh quảng  cáo cho một hãng sơn nước ngoài trong một clip nào đó đã phát trên truyền hình. Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Thành  -Ủy viên Hội đồng lý luận của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh.

Việc chuẩn bị cho cuộc thi, triển lãm này bị đánh là chưa được tốt nên có ít ảnh và ít tác giả tham gia (504 tác phẩm của 322 tác giả). Chất lượng các ảnh tham dự chưa được như mong đợi. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo cho rằng đa phần ảnh trong triển lãm là ảnh đồ họa quảng cáo (hoặc cổ động tuyên truyền), không mang ý tưởng gì sâu sắc. Một số bức khác thì ẩn chứa những triết lý vặt vãnh.

Bất cập ngay từ tên  gọi

Vấn đề được mang ra thảo luận và có nhiều ý kiến nhất là tên gọi của triển lãm. Bởi vì bất cứ một sáng tác nghệ thuật nào cũng đều phải bắt đầu từ một ý tưởng nào đó là dĩ nhiên. Đặt tên loại ảnh này như vậy, thì các loại ảnh khác là vô ý tưởng?  Theo ông Nguyễn Thành thì tên triển lãm nên là “ý tưởng nào đó về hiện thực xã hội” được phản ánh qua ảnh mới là chính xác và đầy đủ ý nghĩa.

Nhà lý luận nhiếp ảnh Vũ Đức Tân cho rằng nên gọi cho đúng tên thể loại để Ban tổ chức đỡ bối rối khi chấm giải về sau và người sáng tác cũng đỡ lúng túng. Nên gọi thể loại đó là “ảnh đồ họa” tức nó là “photographic”. Việc can thiệp vào ảnh bằng kỹ xảo buồng tối ngày xưa, hay photoshop như bây giờ để tạo ra một “ý “ nào đó là phương pháp của đồ họa (người ta phân loại ảnh theo kiểu này là dựa trên phương pháp can thiệp vào ảnh mà đặt tên). Còn gọi là “ảnh chân dung” hay “ảnh phong cảnh” thì dựa vào nội dung phản ảnh mà phân định.

Nghiệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Hùng Cường đề nghị Ban tổ chức đổi tên lại là : Ảnh Thể Nghiệm hay Ảnh Sáng Tạo thì tốt hơn, gọn nghĩa hơn.

Một “căn bệnh ảnh” được chỉ ra là ảnh bị “đồ họa hóa”, “hội họa hóa”, làm cho ảnh trở nên đơn điệu. Trên thế giới không có ai gắn chữ nghệ sĩ (hay nghệ thuật) cộng với nhiếp ảnh như ở ta cả. Nghệ thuật là nghệ thuật, nhiếp ảnh là nhiếp ảnh. Chỉ có photographer (người chụp ảnh, có thể dịch là tác giả ảnh), chứ không có photograph artist. Theo ông Nguyễn Hữu Bảo, nếu coi việc triển lãm “ảnh ý tưởng” là một thể loại hướng đi mới, một lối thoát cho nhiếp ảnh như một số người trong triển lãm và tọa đàm này, thì đó là nhiếp ảnh “hỏng hẳn”./.

Giải nhì: "Ngày bình yên", tác giả: Nguyễn Đức Trí (Thừa Thiên Huế)

Giải nhì: "Vì màu xanh", tác giả: Đinh Mạnh Tài (Vĩnh Phúc)

Giải ba: "Chiến tranh - hỏa ngục của cuộc sống hòa bình", tác giả: Nguyễn Bá Nhân (Lâm Đồng)

Giải ba: "Gánh", tác giả: Nguyễn Hương Vượng (Đắc Lắc)

Giải ba: "Tổ ấm", tác giả: Nhan Quốc Dũng (Sóc Trăng)
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên