Trùng tu di tích

Bài 2: Đi tìm quy chuẩn trong trùng tu di tích

Thế nào là quy chuẩn trong trùng tu di tích? Ngay bản thân các nhà làm trùng tu khi được hỏi cũng mâu thuẫn nhau trong cách nhìn nhận.

>> Bài 1: Di tích Ô Quan Chưởng - Hồn ở đâu bây giờ? 

Chuẩn trong trùng tu di tích không đơn thuần là làm đúng những quy trình, mà với mỗi di tích (được ví như một thực thể sống), bắt buộc chúng ta phải có cách nhìn nhận và ứng xử khác nhau.

Thế nào là chuẩn?

Không phải đến tận bây giờ, khi có quá nhiều các di tích bị “trẻ hoá” sau khi trùng tu, người ta mới nhắc đến cái gọi là quy chuẩn. Nhưng phải đến khi Đình Chu Quyến nhận được giải thưởng của Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế cho ngôi đình trùng tu trong năm thì người ta mới bắt đầu nhìn thấy “tia sáng cuối đường hầm” cho việc trùng tu những di tích khác.

Thế nhưng, sau đó không lâu, khi dự án trùng tu Ô Quan Chưởng (cũng do Viện Bảo tồn di tích - đơn vị trùng tu Đình Chu Quyến thực hiện) vấp phải nhiều búa rìu của dư luận, mới lộ ra nhiều vấn đề xung quanh cái gọi là chuẩn.

KTS Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích kiên quyết khẳng định: “Chúng tôi làm có cơ sở khoa học nên chúng tôi đúng!”. Vậy, tại sao cùng được áp dụng một quy trình, cùng một đơn vị thực hiện nhưng kết quả lại khác nhau? Câu hỏi đó, chúng tôi đã hỏi ông Lê Thành Vinh, nhưng đến nay, vẫn chưa có câu trả lời!

Ngoài di tích Ô Quan Chưởng, phải kể đến nỗi thất vọng lớn mang tên “thành nhà Mạc” ở Tuyên Quang. Với số tiền hơn 10 tỷ đồng, cũng đầy đủ quy trình này nọ, họp hành lên xuống, nhưng kết quả trả về ngoài sức tưởng tượng, với hình ảnh một cái lò gạch không hơn không kém. Trái với đông đảo ý kiến của người dân, nhà nghiên cứu văn hoá Trần Lâm Biền lại cho rằng: về cơ bản, việc trùng tu đã thành công vì nó đã làm đúng quy trình, giữ được tối đa những vật liệu cũ. Và nhiều khi dư luận cứ nói quá lên!. “Di tích là cái thành chứ không phải là cái cây. Cái cây là cái ăn bám vào thành nên bắt buộc phải bỏ đi nếu không thành sẽ đổ. Búa rìu của dư luận chúng tôi cũng làm. Quy trình làm đúng, nhưng nhiều khi báo chí và dư luận cứ nói quá lên”, ông Biền nhấn mạnh.

Điểm qua vài ví dụ, mới thấy giữa quy trình trùng tu và dư luận xã hội có một độ chênh khá lớn. Người dân đôi khi dựa vào cảm quan nhận xét sự cổ kính thông qua màu rêu. Trong khi nhà trùng tu thì bảo: phải dựa vào khoa học. Ai cũng có lý, thế nên mới cần đi tìm cái gọi là chuẩn chung.

Công khai dự án - Bao giờ?

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: nguyên nhân do chúng ta chưa có sự công khai khi tiến hành trùng tu di tích. Khoảng cách giữa người dân và những người làm trùng tu quá lớn, chưa có sự hiểu biết, cảm thông và chia sẻ lẫn nhau: Ông cho biết: “Ở nhiều nước, mỗi công trình được trùng tu đều được công khai chi tiết phương án để trưng cầu dân ý; nhưng ở Việt Nam, chúng ta chưa làm được điều này. Qua sự công khai đó mới có sự chia sẻ, đóng góp ý kiến của công chúng”.

Những dự án trùng tu được công khai hoá chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Như đình Chu Quyến trước khi tiến hành trùng tu đã mất 2 năm cho việc nghiên cứu, khảo sát, thí nghiệm... Phố cổ Tạ Hiện vừa được khởi công cải tạo cũng mất hơn 1 năm chờ đợi khảo sát, thiết kế và chờ sự đồng ý của người dân. Để tiến hành trùng tu cung An Định (Huế) năm 2009, các chuyên gia Đức đã phải tiến hành nghiên cứu từ năm 2003. Quá trình trùng tu ở đây dựa trên một nguyên tắc: “mọi quy trình phải được chứng minh chính xác bằng tài liệu”.

Còn nhớ khoảng nửa năm trước, Viện Bảo tồn di tích có tổ chức một buổi hội thảo về tính liên ngành, đa ngành trong bảo tồn di tích. Buổi toạ đàm đó có mời nhiều thành phần bao gồm các nhà nghiên cứu văn hoá, nhà sử học, khảo cổ, kiến trúc sư. Nhưng từ đó đến nay, quá nhiều di tích đã bị xâm hại, nhưng chính các nhà nghiên cứu được mời dự hội thảo nọ đều bất ngờ. Họ không biết quy trình thực hiện như thế nào, bao giờ và tiến hành ra sao?

PGS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học ngậm ngùi: “Có ai mời chúng tôi tham vấn đâu. Nếu được tham vấn, chắc chắn tôi sẽ có nhiều góp ý, không đến nỗi bị như thế này”.

Còn GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam lại bày tỏ sự nghi ngờ tính khách quan của những người làm công tác thẩm định các dự án. Ông cho rằng: “Dự án nào cũng có đội ngũ thẩm định, chỉ có điều, ban thanh tra, thẩm duyệt đó đang thiếu chuyên gia độc lập - người không chịu sức ép từ các phía để có quyết định công tâm”.

Một lần nữa, bài toán đi tìm quy trình chuẩn trong trùng tu di tích để làm hài lòng cả giới chuyên môn và dân chúng vẫn chưa tìm được lời giải thật sự thấu đáo. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng lên tiếng, nhiều người dân vẫn cứ giật mình khi nghe đâu đó có trùng tu di tích, vì rõ ràng là phúc hay hoạ, nào ai biết?!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên