Loạt bài Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa từ cứ liệu lịch sử:

Bản đồ cổ Việt Nam – bằng chứng “thép” về chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa

VOV.VN -Bản đồ Việt Nam thời quân chủ (thế kỷ XVI - XIX) ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cùng trong loạt bài:
Bài 1: Bản đồ cổ và chính sử Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa
Bài 2: Châu bản triều Nguyễn: Minh chứng về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa


Từ thế kỷ XVI các triều đại phong kiến Việt Nam đã khai phá và xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng việc cử người ra hai quần đảo này khai thác hải vật, đo đạc thủy trình, cắm mốc chủ quyền và lập bản đồ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này và những vùng biển đảo khác trên Biển Đông.

Bản đồ sớm nhất về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Tài liệu vào loại sớm nhất mà đến nay chúng ta biết được nói về Hoàng Sa là bản đồ vẽ xứ Quảng Nam trong Toản tập thiên nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá, tự Công Đạo, biên soạn vào năm 1686. Trên bản đồ này chú thích khá cụ thể về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của quần đảo này, cũng như chủ quyền của Chúa Nguyễn được xác lập ở đó. Bản đồ có có đoạn văn viết bằng chữ Hán, nội dung như sau:

Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm, đến cửa Sa Vinh mỗi lần có gió tây nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi giạt ở đây, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đây lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc tiền tệ súng đạn.

Bản đồ của Đỗ Bá có 3 chữ Nôm Bãi Cát Vàng ở dưới

“Điều đặc biệt là tuy đoạn văn này được viết bằng chữ Hán nhưng riêng 3 chữ Bãi Cát Vàng thì được ghi bằng chữ Nôm, là thứ chữ của riêng người Việt. Điều này chứng tỏ từ cuối thế kỷ XVII, người Việt Nam đã làm chủ Hoàng Sa và đã đặt tên cho quần đảo này một cái tên thuần Việt là Bãi Cát Vàng” – TSKH Trần Đức Anh Sơn cho biết.

Hoàng Sa, Trường Sa có trong sách giáo khoa dưới triều Nguyễn

Tờ Bản quốc địa đồ in trong sách Khải đồng thuyết ước, được biên soạn và khắc in lần đầu vào năm 1853, dưới triều vua Tự Đức, vẽ vị trí của các tỉnh và các ngọn núi lớn từ ải Nam Quan đến vùng đất Biên Hòa - Vĩnh Long.

Tấm bản đồ trong sách Khải đồng thuyết ước có vẽ Hoàng Sa Chử (phần đảo Hoàng Sa được khoanh ô vuông đỏ).

Trên tờ bản đồ này, ở ngoài khơi vùng biển miền Trung có ghi chú ba chữ Hán: Hoàng Sa chử, tức là Bãi Hoàng Sa. Bản đồ Hoàng Sa trong Khải đồng thuyết ước có tên là "Bản quốc địa đồ" thuộc các trang 15-16 của sách.

“Sách Khải đồng thuyết ước là sách giáo khoa tiểu học dưới triều Nguyễn. Việc địa danh Hoàng Sa chử được đưa vào sách giáo khoa để dạy cho học sinh, chứng tỏ triều Nguyễn đã coi trong việc giáo dục ý thức chủ quyền quốc gia cho trẻ em đương thời”, TSKH Trần Đức Anh Sơn nhấn mạnh.

Hoàng Sa, Trường Sa trong Đại Nam nhất thống toàn đồ

Đại Nam nhất thống toàn đồ là bản đồ được vẽ theo lệnh của vua  Minh Mạng, hoàn tất vào năm 1838. Trên bản đồ này đã thể hiện hình vẽ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong lãnh hải Việt Nam, và ghi chú là Hoàng SaVạn lý Trường Sa.

Đại Nam nhất thống toàn đồ có vẽ gộp hai quần đảo Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa

Theo TSKH Trần Đức Anh Sơn, lúc đầu những người đi khám phá Hoàng Sa và Trường Sa đã nghĩ rằng hai quần đảo này là một. Họ gọi tên là Bãi Cát Vàng, hay Cồn Vàng, rồi gọi là Hoàng Sa. Về sau thì họ tách quần đảo này thành hai phần, gọi là Hoàng SaBắc Hải. Kế đến họ gọi Bắc HảiVạn Lý Trường Sa như trong Đại Nam nhất thống toàn đồ. Sau cùng thì mới phân biệt rõ ràng là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa như hiện nay. Điều này cũng tương tự như cách gọi Hoàng Sa và Trường Sa của các nhà hàng hải phương Tây. Lúc đầu họ gọi chung 2 quần đảo này là Pracels hay Paracels. Về sau họ mới phân biệt Pracels hay Paracels để chỉ quần đảo Hoàng Sa và Spratlys để chỉ quần đảo Trường Sa.

Đại Nam nhất thống toàn đồ là bản đồ hành chính đầu tiên của triều Nguyễn được vẽ gần giống với các bản đồ Việt Nam sau này, tức là trên bản đồ này, vị trí núi sông, biển đảo được vẽ với tọa độ địa lý gần chính xác như hiện nay. Đáng chú ý là hai địa danh Hoàng SaVạn Lý Trường Sa được thể hiện rõ ràng. Như vậy là sau khi vua Gia Long cử người ra Hoàng Sa cắm cờ để xác lập chủ quyền theo kiểu phương Tây vào năm 1816, thì việc thể hiện hai địa danh Hoàng SaVạn Lý Trường Sa trên bản đồ hành chính triều Minh Mạng đã chứng tỏ nhà Nguyễn đã thể hiện rất rõ chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.

Cùng trong loạt bài:
Bài 1: Bản đồ cổ và chính sử Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa
Bài 2: Châu bản triều Nguyễn: Minh chứng về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên