Báo chí chấm điểm lễ hội năm 2015
VOV.VN -Các cơ quan báo chí tham gia cùng với Bộ trong việc giám sát và quản lý công việc tổ chức lễ hội ở khắp 63 tỉnh, thành.
Ngày 10/12, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Báo Văn hóa tổ chức lấy ý kiến đánh giá của báo chí về công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian tại 63 tỉnh, thành phố trong mùa lễ hội năm 2015. Đây là năm đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện đánh giá công tác quản lý, tổ chức lễ hội dân gian trong cả nước bằng hình thức chấm điểm.
Tuy nhiên nhiều nhà báo cho rằng: không nhất thiết phải chấm điểm toàn bộ 63 tỉnh, thành phố có lễ hội. Việc chấm điểm nên tập trung vào những tỉnh, thành phố có nhiều lễ hội, lễ hội thu hút đông người tham gia, lễ hội có những hiện tượng nổi cộm, hạn chế trong nhiều năm chưa được khắc phục…
Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Trần Đăng Khoa, Tổng biên tập báo Văn hóa về vấn đề này:
Phóng viên: Thưa ông, việc Cục Văn hóa cơ sở và báo Văn hóa tổ chức lấy ý kiến đánh giá về công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian năm 2015 cũng như đưa ra bảng chấm điểm để các nhà báo chấm lễ hội có thể nói là bước đột phá trong công tác quản lý lễ hội năm nay. Vậy đơn vị chủ quản có kỳ vọng gì với bảng chấm điểm này?
Ông Trần Đăng Khoa: Chúng tôi có nguyện vọng là làm sao điều này trở thành điều thường niên. Các cơ quan báo chí tham gia cùng với Bộ trong việc giám sát và quản lý công việc tổ chức lễ hội ở khắp 63 tỉnh, thành. Còn tại sao chúng tôi dám mạnh dạn để các cơ quan báo chí tham gia vào cùng với chúng tôi bởi chúng tôi thấy rằng có rất nhiều bất cập trong lễ hội là do cơ quan báo chí phát hiện ra, nêu ra, đưa ra. Điều này Bộ đã nhìn thấy bởi lực lượng thanh tra không thể làm hết được. Năm nào cũng tổ chức rất nhiều đoàn đi thanh tra, thanh tra công khai, thanh tra đột xuất nhưng cũng không thể hết được.
Phóng viên: Trong nội dung các điểm trừ thì việc “bị dư luận, báo chí nêu nhiều thông tin phản ánh không tốt về lễ hội” chỉ chiếm 0,05% trong tổng bảng điểm, liệu con số này có quá áp đặt, thưa ông?
Ông Trần Đăng Khoa: Điều này liên quan đến 1 điều là theo quy định từ ngày 15 - 20/12, các địa phương mới nộp báo cáo cuối cùng cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Nếu sang năm làm tôi sẽ yêu cầu địa phương phải tự thống kê các bài báo phản ánh lễ hội về địa phương mình. Ví dụ như nếu có 50 bài báo viết về lễ hội địa phương thì trong đó có bao nhiêu bài báo khen, bao nhiêu chê. Nói thật là trừ 5 điểm là hơi ít.
Phóng viên: Bên cạnh đó, với các tiêu chí trong thang điểm đánh giá như “Công tác quản lý, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hằng năm” 9 điểm và “Quán triệt, tuyên truyền văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, văn bản quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch” 6 điểm, đây là những tiêu chí rất khó để báo chí chấm điểm, bởi nhà báo có đến lễ hội cũng không thể đánh giá được những điều này. Vậy kết quả chấm điểm có chính xác không?
Ông Trần Đăng Khoa: Phải thừa nhận một điều là 1 năm có biết bao nhiêu văn bản về lễ hội. Một mùa lễ hội từ Ban Bí thư đến Thủ tướng chính phủ, cho đến Bộ rồi những cấp dưới Bộ ra biết bao văn bản. Thú thật là không phải nhà báo nào cũng nắm hết được. Đấy là thứ nhất và thứ hai là văn bản ra rồi, về địa phương người ta triển khai như thế nào, cụ thể hóa ra sao không phải cơ quan báo chí nào cũng nắm được. Nhưng những cái đấy các cơ quan quản lý của Bộ, ví dụ như Thanh tra, Cục Di sản, Cục Văn hóa Cơ sở phải biết. Ở đây báo chí là một kênh còn kênh chấm nữa là cơ quan quản lý nhà nước và điều này thì chúng ta trông chờ vào sự công tâm của các cơ quan quản lý nhà nước chấm cho các địa phương.
Phóng viên: Trong bảng chấm điểm công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian tại các địa phương lấy ý kiến các nhà báo có cả 63, tỉnh, thành phố, nhưng trên thực tế các nhà báo cũng chưa thể đi đến được hết các lễ hội ở địa phương, vậy việc này có quá cảm tính?
Ông Trần Đăng Khoa: Tôi phải khẳng định là ngay cả phóng viên chuyên trách lễ hội của báo Văn hóa cũng không thể đi hết tất cả các lễ hội được. Ngay như ở Hà Nội cũng đã có trên dưới 1.000 lễ hội, đi không hết được. Do đó đây là cuộc chúng tôi làm để rút kinh nghiệm, lần sau làm sẽ khoa học hơn. Còn đối với các tỉnh mà chúng ta không có dịp đi đến thì cứ ghi vào đó là không chấm do không có điều kiện. Ở phụ lục 2, chúng tôi nhặt ra một số lễ hội tiêu biểu như lễ hội Đền Hùng, lễ hội Yên Tử… là những lễ hội cấp Quốc gia, gắn với những di tích cấp Quốc gia đặc biệt vế thứ 2 là những lễ hội làng xã nhưng nó lại gây được sự chú ý trong dư luận. Ví dụ như bên Nén Thượng, Bắc Ninh hay đập đầu trâu ở trên Phú Thọ. Lễ hội là trên phạm vi cả nước khi đưa vào bảng chấm không thể bỏ tỉnh nào bớt tỉnh nào đi được mà buộc phải đưa cả 63 tỉnh, thành vào.
Phóng viên: Nếu vậy, việc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ tổ chức lấy ý kiến các nhà báo ở khu vực Hà Nội mà không lấy ý kiến ở khu vực phía Nam liệu có thiếu sót?
Ông Trần Đăng Khoa: Thực ra nếu theo dõi lễ hội sẽ thấy những điểm nóng về lễ hội chủ yếu tập trung ở khu vực phía Bắc mà khu vực phía Bắc thì tập chung chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Hồng. Khu vực miền Trung, khu vực miền Nam cái nóng về lễ hội ít hơn.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!./.